Bí quyết công nghệ đường sắt cao tốc giá rẻ của Trung Quốc

Tháng Mười 30 08:00 2014

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới gần đây đã nhận xét rằng, quy mô của nền kinh tế và việc tiêu chuẩn hóa quá trình xây dựng là các yếu tố chính giúp Trung Quốc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc rẻ hơn nhiều so với các nước khác.

Xuất khẩu “công nghệ đường sắt”
Phương tiện truyền thông Trung Quốc gọi thủ tướng Lý Khắc Cường là “nhân viên chào hàng số một ngành đường sắt” để nói về tham vọng cải cách ngành đường sắt và vươn ra bên ngoài, nhất là sau chuyến ông Lý tới thăm Anh hồi tháng trước. Ngoài châu Âu, ông Lý còn ký được nhiều hợp đồng tại châu Phi và Đông Nam Á.

Theo ông Lý, Trung Quốc nổi tiếng là công xưởng của thế giới với công nghệ thấp và sức lao động dồi dào, đã và đang xây dựng thêm các đoàn tàu cao tốc, biểu tượng về trình độ công nghệ cao mà Trung Quốc đạt được. Tham vọng không dừng lại với hệ thống đường sắt cao tốc nội địa, bằng hợp đồng béo bở ở nước ngoài vừa được ký kết, Bắc Kinh muốn vươn ra nước ngoài, đang cân nhắc tài trợ vốn và xây dựng đường sắt cao tốc từ phía Tây qua Trung Á sang châu Âu và từ phía Tây Nam Trung Quốc tới Đông Nam Á qua Singapore.

Tuy nhiên, thách thức đối với Trung Quốc khi vươn ra nước ngoài bằng đường sắt cao tốc không hề nhỏ. Đó là việc thuyết phục các quốc gia Trung Á thay thế khổ đường sắt cũ bằng khổ tiêu chuẩn, chưa kể vấn đề an ninh, rào cản ngoại giao, vấn đề tài chính và kỹ thuật cũng như việc “nói và làm” không đi đôi với nhau, đặc biệt là lòng tin về chất lượng và tiến độ trong các dự án mà các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.

Bi quyet cong nghe duong sat cao toc gia sieu re cua Trung Quoc_01

Đường sắt cao tốc Trung Quốc

Lợi thế giá thành
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới với tiêu đề “Đường sắt cao tốc ở Trung Quốc: xem xét về giá thành xây dựng” nhận xét suất đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt cao tốc ở Trung Quốc vào khoảng 17-21 triệu USD/km (khoảng 360 tỷ – 447 tỷ đồng/km) đối với tuyến được thiết kế để khai thác với vận tốc 350km/h so với giá thành từ 25 triệu – 39 triệu USD/km (khoảng 532 tỷ – 830 tỷ đồng/km) ở châu Âu.

Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá thành của dự án, bao gồm địa chất, điều kiện khí hậu, bồi thường giải phóng mặt bằng, sử dụng cầu cạn thay cho nền đường đào đắp, việc xây dựng các cầu lớn qua sông rộng và xây dựng các nhà ga lớn. Nghiên cứu này đã đặc biệt tập trung vào các kỹ thuật xây dựng cầu cạn và quá trình lắp đặt đường ray được modul hóa rất cao ở Trung Quốc và kỹ thuật này thường được sử dụng thay thế cho việc đào đắp. Quá trình đúc bê tông và lắp đặt các dầm cầu thông qua cơ giới hóa được xem là một ưu thế đặc biệt trong việc giảm giá thành công trình xây dựng. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý rằng đa số các tuyến đường sắt cao tốc ở Trung Quốc đều có một vài cầu lớn, thông thường dài hàng km vượt qua các sông rộng và điều này dẫn đến suất đầu tư tăng lên.

Nhà ga bình thường có giá thành xây dựng khoảng 40 triệu NDT (137 tỷ đồng), chiếm khoảng 1,0-1,5% tổng giá trị của dự án, ngoại trừ các nhà ga rất lớn là đầu mối của thành phố, giá thành có thể lên đến 13 tỷ NDT (44.500 tỷ đồng) và thông thường được đầu tư tách biệt với dự án đường sắt cao tốc. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng vai trò của các nhà ga lớn không chỉ là một tiện ích hạ tầng giao thông mà còn được xem là một trung tâm đô thị.

Trung Quốc lập kỳ tích xây dựng 10.000km đường sắt cao tốc trong vòng 6-7 năm với suất đầu tư xây dựng thấp hơn so với suất đầu tư ở các dự án tương tự ở các nước khác. Bên cạnh lý do giá nhân công thấp, một trong các lý do khác là do quy mô lớn của hệ thống đường sắt cao tốc ở nước này đã cho phép tiêu chuẩn hóa thiết kế các hợp phần xây dựng, tăng cường năng lực cạnh tranh về sản xuất các thiết bị và xây dựng, cũng như giảm được khấu hao chi phí đầu tư trang thiết bị do được sử dụng để thực hiện nhiều dự án.

(Nguồn: giaothongvantai.com.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin