Sớm kết nối tín hiệu đường sắt – đường bộ: Giải pháp chống ùn tắc giao thông tại đường ngang

Tháng Mười 17 15:00 2013

Tuyến đường sắt (ĐS) Bắc – Nam đi qua năm quận của thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với 26 vị trí giao cắt giữa ĐS với đường bộ. Vào các giờ cao điểm (từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 18 giờ hàng ngày), thường xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ tại các đường ngang (ĐN), điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS (đường Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ, Hoàng Văn Thụ, Kha Vạn Cân, QL13…) vì phải đóng chắn đường bộ để tàu hỏa đi qua.

Việc ùn tắc giao thông đường bộ tại các ĐN không chỉ là chuyện tốn thời gian vô ích của người tham gia giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa xảy ra tai nạn giao thông trên ĐS. Đã có không ít trường hợp do phương tiện dồn ứ quá đông, tạo tâm lý ức chế, nhiều người đã cố tình băng qua ĐN. Và cũng không ít người sợ tắc đường, lo lỡ chuyến bay… đã cố tình băng qua ĐN.

Duong ngang_01

Đóng chắn đường bộ tại một đường ngang. Ảnh từ internet

Cần sớm kết nối tương thích giữa tín hiệu đường sắt, đường bộ

Hiện nay, tại TP.HCM, nhiều ĐN, vị trí giao cắt đồng mức giữa ĐS với đường bộ, việc tín hiệu giao thông ĐS, đường bộ “vênh” nhau diễn ra khá phổ biến – đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại các điểm giao cắt. Tại các ngã tư, ngã năm, việc điều tiết giao thông cả ban ngày lẫn ban đêm là do hệ thống tín hiệu đèn báo. Trong khi chắn ĐN ngăn các phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, xe máy…) đã đóng để tàu hỏa (phương tiên ưu tiên tại giao cắt đồng mức) đi qua, nhưng tín hiệu đường bộ vẫn báo đèn xanh cho phép các phương tiện đường bộ được di chuyển qua ĐN; trong khi đó, tín hiệu trên phần đường bộ không bị đóng chắn ĐN lại báo đèn màu đỏ, không cho các phương tiện giao thông đường bộ đi qua. Lúc này, vô hình chung, cả 4 (hoặc 5) hướng trước giao cắt, các phương tiện giao thông đường bộ phải “dừng lại”. Tại thời điểm này, nếu không có lực lượng cảnh sát giao thông điều khiển, phân luồng chắc chắn sẽ xảy ra xung đột, ùn tắc giao thông cục bộ. Để giải bài toán ùn tắc giao thông tại các ĐN, cơ quan chức năng cần sớm khảo sát, thiết kế kết nối tín hiệu ĐS với đường bộ.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam (ĐSVN): “Thực tế, tín hiệu ĐS và đường bộ rất bất cập. Trong bốn địa phương được kiểm tra, rất ít ĐN được đồng bộ tín hiệu giữa ĐS và đường bộ. Có những ĐN đã được đầu tư, mở rộng nhưng chưa được khảo sát để đồng bộ tín hiệu nên ùn tắc vẫn xảy ra. Cục ĐSVN đã kiến nghị và yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý ĐS khẩn trương rà soát, báo cáo và thực hiện ngay kết nối tín hiệu để đảm bảo an toàn giao thông.”

Tăng cường lực lượng chức năng để giải tỏa ùn tắc giao thông

Theo ông Phạm Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc công ty Vận tải hành khách ĐS (VTHK ĐS) Sài Gòn – Trưởng tiểu ban an ninh trật tự ĐS (ANTT ĐS) TP.HCM: Tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và ĐS nói riêng và điểm giao cắt tại một ngã tư giao thông đường bộ có đèn tín hiệu trên địa bàn thành phố nói chung thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trong thời gian cao điểm. Trước tình trạng trên, ngành ĐS luôn điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, hạn chế đến mức thấp nhất để tàu chạy vào thành phố giờ cao điểm. Hiện nay, chỉ có bốn đoàn tàu chạy qua các điểm giao cắt giữa ĐS với đường bộ trong thời gian cao điểm. Thời gian đóng mở chắn ĐN tương ứng với thời gian tín hiệu đèn tại các điểm giao cắt giao thông đường bộ, thông thường trong khoảng từ 1 đến 2 phút. Tuy nhiên, do người dân khi tham gia giao thông ý thức chấp hành luật ĐS, luật giao thông đường bộ chưa tốt nên thường xảy ra ùn tắc cục bộ tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS. Để từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và ĐS trong điều kiện chưa xây dựng được các điểm giao cắt lập thể, cũng theo ông Phạm Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc công ty VTHK ĐS Sài Gòn, Tiểu ban ANTT ĐS TP.HCM, thì Ban An toàn GT, Sở Giao thông công chính TP. HCM cần chỉ đạo các lực lượng địa phương, trường học tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, phát động phong trào quần chúng nêu cao ý thức chấp hành pháp luật đảm bảo an toàn giao thông ĐS, đường bộ khi tham gia giao thông. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành ĐS chỉnh trang, cải tạo hệ thống đèn tín hiệu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và ĐS khoa học, hợp lý trong điều tiết giao thông. Đề nghị công an TP. HCM bố trí lực lượng cảnh sát giao thông chỉ huy điều hành giao thông và phối hợp với các đơn vị làm nhiệm vụ khi có đoàn tàu qua các điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS trong giờ cao điểm. Chỉ đạo công an địa phương phối hợp cùng lực lượng bảo vệ dân phố, thanh niên xung kích tham gia công tác điều hành giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Các đơn vị ĐS là thành viên Tiểu ban ANTTĐS TP.HCM cần tăng cường nhân lực bố trí làm việc tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với ĐS trong thời gian cao điểm, nhất là các dịp cao điểm vận tải của ngành ĐS (hè, lễ, tết…). Chỉnh trang thiết bị các chắn ĐN nhằm thao tác việc đóng mở chắn thuận lợi, hạn chế thời gian thao tác. Điều chỉnh thời gian hạn chế các đoàn tàu đầu máy đơn đi qua các điểm giao cắt thường xuyên bị ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Xây dựng phương án giải quyết sự cố GTĐS tại các ĐN để giảm thiểu thời gian ngừng tàu, tránh gây ùn tắc giao thông. Chỉ đạo các đơn vị phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin liên lạc để thực hiện thao tác đóng mở chắn đúng thời gian quy định, tránh gây ùn tắc giao thông cục bộ tại các điểm giao cắt trong thành phố.

(Nguồn baoduongsat.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin