Chiến lược sử dụng công nghệ sạch

Tháng Một 28 09:00 2014

100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch. Đó là một trong những mục tiêu chính của chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2013.

Chien luoc su dung cong nghe sach_01

Dây chuyền sản xuất hóa chất tại công ty hóa chất cơ bản Miền Nam (Vinachem)

Siết chặt các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu
Theo chiến lược, từ nay đến năm 2020, sẽ tập trung xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch vào các cơ sở sản xuất công nghiệp, lựa chọn các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Cụ thể ở một số ngành như dệt nhuộm; sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu; luyện thép; khai thác, chế biến khoáng sản; nhiệt điện; sản xuất giấy; sản xuất xi măng; sản xuất mía đường. Tiến tới sẽ áp dụng cho các nhóm ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm khác như hóa chất, luyện kim, cơ khí, vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác. Mục tiêu đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành trên phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch; 60 – 70% cơ sở sản xuất đang hoạt động trong các ngành công nghiệp nêu trên hoàn thành việc xây dựng, thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch.

Bên cạnh đó, quyết định cũng nêu ra sáu giải pháp thực hiện, bao gồm: giải pháp về quản lý; về khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế; tài chính và đầu tư; thị trường và giải pháp thông tin, truyền thông. Đáng chú ý là giải pháp về quản lý có quy định: xây dựng, áp dụng danh mục và lộ trình sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cấm đầu tư vào quy trình cấp phép đầu tư cho các dự án đầu tư mới, các dự án mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ. Ngoài ra, chiến lược cũng có những chính sách cụ thể khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng công nghệ sạch. Việc áp dụng danh mục và lộ trình sử dụng công nghệ sạch ngay từ bước cấp phép đầu tư là một trong những điểm mấu chốt để kiểm soát chặt các dự án đầu tư mới có công nghệ lạc hậu.

Bộ công thương là đơn vị đầu mối
Theo quyết định này, bộ công thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với bộ khoa học và công nghệ, bộ tài nguyên và môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện chiến lược. Bộ công thương sẽ là đầu mối định kỳ hàng năm báo cáo thủ tướng chính phủ kết quả thực hiện. Đồng thời, thành lập ban điều hành có văn phòng thường trực do bộ trưởng bộ công thương làm trưởng ban. Quy chế hoạt động của ban điều hành và văn phòng thường trực do bộ trưởng bộ công thương quyết định.

Bộ kế hoạch và đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với bộ công thương và các bộ, ngành liên quan cân đối nguồn vốn chi đầu tư thực hiện các nội dung của chiến lược trình cấp có thẩm quyền quyết định. Bộ tài chính phối hợp với bộ công thương và các bộ, ngành liên quan cân đối dự toán chi thường xuyên thực hiện các nội dung của chiến lược.

Ông Ngô Mạnh Hoài – phó tổng giám đốc tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) – cho biết, “Những năm gần đây, Vinachem đã tăng cường áp dụng các công nghệ mới, nhập khẩu thiết bị hiện đại. Các nhà máy mới đã và đang triển khai xây dựng đều lựa chọn các công nghệ tiên tiến nhất từ các nước công nghiệp phát triển, thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ”.

(Nguồn: baocongthuong.com.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin