Ngành công thương: thực hiện hiệu quả công tác khoa học công nghệ

Tháng Một 25 13:30 2015

Năm 2014, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của ngành công thương có những chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới, gắn với sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả trong cơ chế thị trường.

Nganh Cong Thuong Thuc hien hieu qua cong tac_01

Hoạt động KH&CN ngành công thương đang chuyển dần sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Triển khai tốt nhiệm vụ
Để tăng cường công tác quản lý KH&CN với vai trò được giao là đơn vị đầu mối, trong năm 2014, Vụ KH&CN đã chủ trì xây dựng và trình lãnh đạo bộ ban hành thông tư của bộ trưởng Bộ Công thương về quản lý các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2011-2015 trong ngành công thương và chiến lược phát triển KH&CN ngành công thương giai đoạn 2011-2020; hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược; tham gia Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hướng dẫn các đơn vị hoàn thành xây dựng kế hoạch năm 2015; tham gia với Bộ KH&CN xây dựng chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thuộc Bộ Công thương; xây dựng phương hướng nhiệm vụ KH&CN ngành công thương giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng văn bản pháp luật cũng được triển khai tích cực. Theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2014, Vụ KH&CN đã hoàn thành và trình ban hành 6 thông tư. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiều văn bản như: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng thực hiện Chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư của bộ trưởng Bộ Công thương quy định thực hiện cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển sản phẩm quốc gia…

Ngoài ra, vụ còn được giao đầu mối tham gia với các đơn vị chức năng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hai thông tư liên tịch hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao sẵn; đầu mối tham gia với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nghị định của chính phủ quy định việc cấp phép hoạt động nghiên cứu khoa học biển và hải đảo có yếu tố nước ngoài trên các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Các hoạt động khác như quản lý chất lượng hàng hoá, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã được thực hiện hiệu quả.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Năm 2014, Bộ Công thương, trực tiếp là Vụ KH&CN là đầu mối, chủ trì phối hợp thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN. Đã tổ chức hội nghị lần thứ 18 nhóm công tác sản phẩm cao su (RBPWG) Việt Nam tham gia RBPWG thuộc Ủy ban Tư vấn tiêu chuẩn chất lượng của ASEAN (ACCSQ) tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh; điều phối thực hiện nhiệm vụ hoạt động của EU-6 Dự án EU MUTRAP về tăng cường sự hiểu biết và phân tích về hệ thống chất lượng của EU đối với các sản phẩm hàng hoá công nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở kết quả giai đoạn một, Ban Quản lý dự án EU-MUTRAP đã đồng ý triển khai giai đoạn hai của hoạt động EU-6 này. Trong năm 2014, vụ cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản để triển khai dự án thí điểm theo JCM đầu tiên tại Việt Nam.

Nganh Cong Thuong Thuc hien hieu qua cong tac_02

Hình minh họa

Trong năm, bộ cũng tham gia trong tiểu ban công nghệ công nghiệp thuộc ủy ban hỗn hợp chương trình hợp tác toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc về điện hạt nhân, năng lượng, khoáng sản, công nghiệp và thương mại. Hiện đang phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Cần Thơ, Sở Công thương Cần Thơ trong công tác quản lý và chuẩn bị vận hành dự án vườn ươm công nghệ công nghiệp; xây dựng dự án ODA mới “Dự án hỗ trợ phát triển máy nông nghiệp Việt Nam” trình chính phủ hai nước xem xét, phê duyệt.

Ngoài ra, trong khuôn khổ các chương trình, đề án về KH&CN do thủ tướng chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì triển khai cũng đã được được xúc tiến nhiều hoạt động hợp tác quốc tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế như Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, WB, UNDP, UNIDO, ADB…

Năm 2015, hoạt động KH&CN của ngành công thương sẽ đổi mới cơ bản, đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động. Hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tất cả các viện nghiên cứu còn lại theo đúng lộ trình của chính phủ. Phấn đấu nâng cao tỷ lệ số viện nghiên cứu có đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN đến năm 2015 đạt khoảng 30-40%, năm 2020 đạt khoảng 40-50%. Phấn đấu 70-80% số đề tài nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thị trường, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp (tăng 15% so với giai đoạn 2005-2010).

Thực hiện nhiều chương trình, đề án
Theo báo cáo của Vụ KH&CN và các đơn vị, năm 2014, ngành công thương đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án: Đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ chiến lược phát triển công nghệ sạch đến năm 2020; triển khai kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương; chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Ngoài ra, bộ cũng triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển do thủ tướng chính phủ giao như: Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn 2025; Đề án đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn 2025; Đề án phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020; Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020…

Cùng với đó, các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp ngành công thương cũng triển khai và hoàn thành nhiều công trình, đề tài, nhiệm vụ KH&CN. Các nghiên cứu của ngành công thương luôn gắn với sản xuất, góp phần giải quyết các đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế trong cơ chế thị trường, đồng thời hướng tới việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu; thúc đẩy đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại, chế tạo thiết bị dây chuyền sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế.

(Nguồn: baocongthuong.com.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin