Giới thiệu khái quát các thế hệ của “gia đình” Shinkansen (phần cuối)

Tháng Mười Một 18 08:00 2013

2. JR miền Đông Nhật Bản:

Các thế hệ Shinkansen miền Đông Nhật Bản hơi khác so với miền Tây. Do lượng người du lịch từ Tokyo lên phía Đông không được đông đúc, nhộn nhịp như miền Tây, nên số lượng các toa tàu của từng thế hệ được sản xuất khá hạn chế. Một đặc trưng hầu như không hề thấy trên các tuyến ở miền Tây chính là việc thế hệ Shinkansen này được nối với thế hệ Shinkansen khác tạo ra một đoàn tàu hoàn chỉnh từ 12 đến 16 toa.

200 series

Là loại Shinkansen đầu tiên của tuyến Tohoku. Được thương mại từ ngày 23/6/1982. 200 series có hình dáng khá giống với 100 series và được sản xuất trước thế hệ này gần ba năm nhưng do vấn đề về cách đặt tên gọi, nên chúng ta cứ tưởng 200 series là đàn em của 100 series. Thế hệ này có 8, 10, 12, 13 và 16 toa tùy theo thời điểm, loại 16 toa có tổng cộng 1235 ghế với tốc độ giới hạn là 245km/h. Có tổng cộng 700 toa tàu được sản xuất. Năm 1997, 200 series được làm mới lại từ màu sắc bên ngoài đến thiết kế ghế ngồi bên trong, chỉ có duy nhất loại 10 toa với 749 ghế. Tháng 11 năm 2011, 200 series chính thức nghỉ hưu để nhường chỗ cho thế hệ mới sau này.

Gioi thieu khai quat Shinkansen_10

200 series loại 12 toa đời đầu tiên

Gioi thieu khai quat Shinkansen_11

200 series loại 10 toa đời mới

400 series

Đây là thế hệ mini Shinkansen, bởi nó vừa chạy trên tuyến Shinkansen với tốc độ 250km/h và trên tuyến tàu điện thường với tốc độ 130km/h. Được Kawasaki Industry chế tạo và đưa vào hoạt động từ 1 tháng 7 năm 1992 với sáu hay bảy toa, sức chứa 399 ghế. 400 series chủ yếu chạy trên tuyến Shinkansen phụ là tuyến Yamagata, nối với tuyến chính Tohoku. Thế hệ này có bề ngang nhỏ hơn so với các loại khác nên số lượng ghế cũng ít hơn. 400 series sau này được sử dụng như là đầu máy kéo khi kết hợp với E3 series hay E4 series. Số lượng của 400 series được sản xuất rất ít và được nghỉ hưu từ ngày 18/4/2010.

Gioi thieu khai quat Shinkansen_12

400 series loại 7 toa

E1 series

Được Kawasaki Industry và Hitachi chế tạo, đưa vào hoạt động từ ngày 15/7/1994. E1 series được chạy với 12 toa tàu, sức chứa 1235 ghế. Đây là một trong hai Shinkansen duy nhất toàn bộ toa tàu đều có hai tầng, nên tốc độ không được cao lắm, chỉ giới hạn 240km/h, và được đặt tên MAX với ý nghĩa 12 toa đều có hai tầng với sức chứa và sự đồ sộ đạt đến cực hạn của Shinkansen. E1 series do có 12 toa nên không thể chạy trên các tuyến mini Shinkansen như 400 series, vì vậy số lượng được sản xuất không quá 50 toa. E1 ban đầu có ký hiệu là 600 series, nhưng do JR miền Đông Nhật Bản muốn phân biệt rõ ràng giữa hai loại Shinkansen dành cho miền Tây và miền Đông, nên từ thế hệ E1 series này trở về sau đều mang ký hiệu “E” phía trước con số. E đại diện cho chữ JR East Japan. Năm 2006, E1 series được làm mới lại với màu sơn khác và nội thất bên trong cũng được thay đổi.

Gioi thieu khai quat Shinkansen_13

E1 series loại 12 toa thế hệ đầu

Gioi thieu khai quat Shinkansen_14

E1 thế hệ mới

E2 series

Được chế tạo từ năm 1995 và đưa vào hoạt động ngày 22 tháng 3 năm 1997 nhằm thay thế cho 200 series. E2 series có tốc độ tương đối cao, 260km/h với loại 8 toa và 275km/h với loại 10 toa, số ghế tối đa là 814 ghế. E2 series được lên kế hoạch chạy với vận tốc trên 315km/h. Tuyến hoạt động chính của E2 series là tuyến địa phương Nagano Shinkansen, nối liền với tuyến chính Tohoku Shinkansen. Do số lượng sản xuất cũng không cao, nên E2 series thường kết hợp với thế hệ tiếp theo là E3 series trong đoạn đường Tokyo-Morioka (thuộc tỉnh Iwate).

Gioi thieu khai quat Shinkansen_15

E2 series loại 10 toa

E3 series

Được sử dụng trong tuyến phụ Akita vào ngày 22 tháng 3 năm 1997 và tuyến phụ Yamagata ngày 4 tháng 12 năm 1999, có tốc độ 275km/h trên tuyến mini Shinkansen và 130km/h trên tuyến tàu điện bình thường. E3 series có hai loại sáu hay bảy toa tàu với sức chứa tối đa 402 người, do Kawasaki Industry và Công ty kỹ thuật vận tải đường sắt Nhật Bản sản xuất. Cũng như các thế hệ trước trên tuyến Tohoku, E3 series cũng chỉ được sản xuất với số lượng không nhiều, do đó thế hệ này cũng được kết hợp với các thế hệ khác như 400 series, E2 series, E4 series tạo thành một đoàn tàu từ 12 đến 16 toa trong các chuyến Shinkansen vào dịp lễ tết. E3 series sẽ được nghỉ hưu khi thế hệ E6 series đạt vận tốc 320km/h vào năm 2014.

Gioi thieu khai quat Shinkansen_16

E3 series loại 7 toa

E4 series

Là thế hệ E1 series được cải tiến lại hệ thống thắng cùng thiết kế được thay đổi một chút, hợp kim nhôm được sử dụng thay cho vật liệu đồng trên E1 series. Toa tàu đầu tiên có chiều dài 11.5m, dài hơn một chút so với E1 series chỉ có 9.4m. Vẻ bên ngoài mang hình dáng của “thú mỏ vịt“, một dạng thiết kế đặc trưng của các thế hệ sau này. E4 series có loại 8 toa với sức chứa 817 người. Còn loại 16 toa thì chỉ là do hai đoàn tàu 8 toa nhập lại với nhau, hơi khác so với các thế hệ Shinkansen Nozomi ở miền Tây Nhật Bản, các thế hệ đó có 16 toa thiết kế riêng biệt. E4 series có tốc độ không thay đổi so với E1 series, vẫn được giới hạn ở mức 240km/h. Hitachi và Kawasaki Industry là hai hãng phụ trách sản xuất, đưa vào hoạt động từ ngày 20/12/1997. E4 series vẫn được mang tên MAX như E1 series, bên trong toa tàu khá rộng với 6 hàng ghế cho một số toa hạng thường, bốn hàng ghế cho toa hạng sang. E4 series được dự báo sẽ hoạt động đến năm 2016 thì nghỉ hưu, khi thế hệ E5 được tăng sản lượng trong các năm tiếp theo.

Gioi thieu khai quat Shinkansen_17

E4 series loại 16 toa

E6 series

Giống với E5 series, thế hệ thứ tám này là phiên bản phát triển từ dự án FASTECH 360 được khởi động từ năm 2002. Dự án này cạnh tranh với dự án Linear Chuo của JR Tokai, với mục đích tạo ra các thế hệ Shinkansen mới với vận tốc từ 300 – 360km/h trong thế kỷ 21 trên tuyến Tohoku. Vận tốc của E6 series là 300km/h khi vừa được thương mại vào năm 2013, đến năm 2014 sẽ được nâng lên 320km/h. Tuy là thế hệ mới nhất nhưng E6 series chỉ đươc gọi là mini Shinkansen, do mục đích chính của E6 series là thay thế cho E2 series, chạy trên tuyến phụ Akita nối liền với tuyến chính Tohoku. Hitachi và Kawasaki Industry vẫn phụ trách sản xuất, tàu có bảy toa với 338 ghế. Thiết kế cho E6 series là nhà thiết kế Ken Okuyama, người nổi tiếng toàn cầu với các tác phẩm Ferrari Enzo, 599, 612, California… Bên ngoài của E6 series có vài nét tương đồng với các mẫu xe Ferrari với màu đỏ đặc trưng. Phần mũi của toa tàu đầu tiên dài 13m, một đặc trưng của các thế hệ trong dự án FASTECH 360. E6 series là thế hệ khá quan trọng, vì không những nó sẽ thay thế hoàn toàn E1 series, mà các thế hệ khác như E2, E3 series cũng sẽ được thay hoàn toàn bằng E6 series trong vài năm tới.

Gioi thieu khai quat Shinkansen_18

E6 series loại 7 toa

Gioi thieu khai quat Shinkansen_19

Phần mũi khá dài

Nếu bạn để ý, sẽ thấy các thế hệ Shinkansen của Nhật luôn có tốc độ thực trên từ 300 – 350km/h, nhưng đưa vô chạy chính thức chỉ còn từ 240 – 300km/h. Ngay cả thế hệ E5, E6 series có tốc độ cực đại là 409km/h nhưng chỉ được phép đạt vận tốc 300km/h khi chạy thương mại và bắt buộc phải chạy trên một năm mới được phép tăng lên 320km/h. Đây là một đặc trưng của Shinkansen Nhật Bản, một sự bắt buộc mang tính nghiêm khắc trong vấn đề an toàn, điều mà khó thấy được ở các nước khác.

Mỗi một thế hệ Shinkansen khi vừa ra lò đều được cho chạy thử nghiệm từ 18 tháng trở lên mới được phép đưa vào thương mại. Ba thế hệ gần nhất là N700 series, E5 series và E6 series được chạy thử nghiệm trên hai năm, Linear 0 series được chạy thử nghiệm trên bốn năm tính từ năm 2008 đến nay, trước đó đã có hai thế hệ Linear khác đều được chạy thử nghiệm trên mười năm mà vẫn chưa được chạy thương mại do Nhật vẫn chưa hài lòng về độ an toàn của nó. Phần cuối sẽ nói về Linear Shinkansen. Trong quá trình chạy thử nghiệm, mỗi lần chạy các thế hệ đều được thử nghiệm với tổng số toa trong một đoàn tàu, trên tàu đều có người ngồi là các nhân viên có liên quan và các tình nguyện viên, trong một năm rưỡi đó hầu như được chạy trên 5 chuyến mỗi ngày, kinh phí cho việc chạy thử nghiệm này cũng là con số không hề nhỏ. Do đó, một số nước khác đã giảm thời gian chạy thử nghiệm xuống còn từ một năm hay 10 tháng, thậm chí điển hình như Trung Quốc có một vài thế hệ chỉ có khoảng 5 – 7 tháng chạy thử nghiệm là được đưa vào thương mại với tốc độ gần bằng với tốc độ thử nghiệm.

(Nguồn tinhte.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin