[Hannover Messe 2020] Bề mặt chống thấm nước và làm chậm quá trình hình thành băng

Tháng Mười Hai 04 07:00 2019

Hannover Messe 2020 – hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và máy móc công nghiệp, là sự kiện thường niên được tổ chức bởi Deutsche Messe AG (CHLB Đức) tại Hannover. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 24/04/2020. Để Quý vị có được những thông tin mới nhất, những xu thế và xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp và công nghệ trọng yếu hiện tại và trong tương lai, technologyMAG.net sẽ lần lượt có những tin bài, hình ảnh, video … về các chủ đề quan trọng nhất đã hiện diện tại sự kiện lớn nhất hành tinh này.

Nhà nghiên cứu trẻ 28 tuổi – Stephan Milles đến từ trường Đại học Kỹ thuật Dresden đã dành hai năm để nghiên cứu tạo ra bề mặt chống thấm nước và làm chậm quá trình hình thành băng cho nhôm – một trong những vật liệu quan trọng của ngành công nghiệp. Stephan Milles cho biết: “Khi một chiếc máy bay bay qua các đám mây, việc trì hoãn quá trình hình thành băng trên cánh, động cơ và các bộ phận cảm biến diễn ra chỉ trong vài giây sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn. Không chỉ riêng ngành hàng không, các cánh quạt trên tua bin gió, bể chứa chất lỏng trong ngành công nghiệp thực phẩm và dụng cụ đo lường cũng có thể sử dụng vật liệu này để thay thế cho các vật liệu tổng hợp và lớp phủ bề mặt hiện có. Phát minh mới của Stephan Milles sẽ không cần đến bất kỳ hóa chất bổ sung hay điều kiện phòng sạch nào để ra tạo kết cấu bề mặt chống nước và băng cho nhôm.

Milles nhấn mạnh rằng: “Việc một bề mặt chống thấm nước không đồng nghĩa với việc nó sẽ cản trở sự hình thành của băng, nhưng cấu trúc bề mặt mà tôi tạo ra có thể đảm nhiệm cả hai chức năng đó!”. Milles cho biết anh là người đầu tiên sử dụng quy trình laser đặc biệt để khắc một kết cấu vi mô và nano phức tạp nhằm tạo ra hiệu ứng lá sen (Trong khoa học vật liệu, hiệu ứng lá sen chỉ sự không thấm nước của bề mặt một số lá cây, điển hình là lá sen. Nước bị đẩy lùi khỏi bề mặt của lá nhờ các sợi lông nhỏ mịn trên bề mặt). Milles giải thích: “Thách thức chính nằm ở quá trình xác định và khắc trên một cấu trúc nhỏ hơn mười lần so với tóc của con người. Vì vậy, để khắc các bề mặt khác nhau với tốc độ cao một cách tinh xảo, phải cần đến sự can thiệp của laser. Quá trình này chỉ mất khoảng vài phút cho một mét vuông nhôm. Tuy nhiên, đối với các phương pháp hiện tại, sẽ mất vài giờ cho một mét vuông nhưng cũng khó có thể tạo ra cấu trúc vi mô cần thiết.

Stephan Milles đang nghiên cứu để sản xuất các kết cấu lớn, cấp 2 và 3 với bề mặt đa năng bằng phương pháp laser. Đây cũng chính là chủ đề luận án tiến sỹ của Milles được giám sát bởi chuyên gia laser, giáo sư Andrés Fabián Lasagni. Vì luận án này là một phần của dự án Reinhart Koselleck nên Milles đã được Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG) tài trợ nghiên cứu. Ngoài ra, anh còn nhận được giải thưởng tại Hội nghị quốc tế về Kỹ thuật bề mặt lấy cảm hứng từ thiên nhiên năm 2019 tại New Jersey, Hoa Kỳ, vào tháng 6. Tóm lại, nghiên cứu của Stephan Milles chính là một triển vọng đầy thách thức cho ngành công nghiệp.

Stephan Milles tại Hội nghị quốc tế về Kỹ thuật bề mặt lấy cảm hứng từ thiên nhiên

Để xem các tin bài khác về Hannover Messe 2020, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Hannover Messe 2020/ www.hannovermesse.de/en)

Bình luận hay chia sẻ thông tin