Vì sao Việt Nam chọn điện hạt nhân?

Tháng Một 03 07:45 2016

Tính đến năm 2015, công suất nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng trên 38.000 MW, nhưng theo tính toán của các chuyên gia, đến năm 2025, công suất nguồn của hệ thống điện vào khoảng 84.500 MW, năm 2035 là gần 150.000 MW. Trong khi đó, khả năng cung cấp nhiên liệu từ các nguồn năng lượng sơ cấp đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế chúng ta nên chọn nguồn điện hạt nhân

Trên thực tế, nguồn thủy điện của Việt Nam đến năm 2017 cơ bản khai thác hết; nguồn thủy điện nhỏ không đáng kể; nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, khí đang dần cạn kiệt, việc nhập khẩu nhiên liệu gặp nhiều khó khăn…Bên cạnh đó, thủy điện và nhiệt điện còn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường xã hội; nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió…cần nguồn vốn đầu tư lớn sẽ đẩy giá thành sản xuất lên rất cao, khó cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay sự phân bố về cơ cấu nguồn điện ở Việt Nam không đồng đều, các thủy điện đa mục tiêu lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu ở miền Bắc, trong khi đó nhu cầu về điện ở khu vực phía Nam rất cao. Việc truyền tải điện từ Bắc vào miền Trung và miền Nam đang gặp nhiều khó khăn do đường dây dài, chịu nhiều tổn thất do đó ảnh hưởng đến chất lượng điện cuối nguồn.

Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, xã hội, hàng năm nhu cầu về năng lượng điện ở nước ta ước khoảng 17%, nhưng thực tế mới chỉ sản xuất được 13-14%/năm. Khả năng thiếu hụt nguồn năng lượng đang là một thách thức lớn.

Ngoài những thách thức nêu trên, Việt Nam còn là 1 trong 7 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Việc phát triển nhiệt điện than nếu không kiểm soát, sẽ càng thêm nguy cơ ô nhiễm môi trường và khí gây hiệu ứng nhà kính như SO2, CO2.

Vi-sao-Viet-Nam-chon-dien-hat-nhan-01Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt

Lợi ích của điện hạt nhân
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, điện hạt nhân (ĐHN) là nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí có hiệu ứng nhà kính, không hề có khí CO2 và cũng không tạo ra khói bụi. Do đó việc sản xuất điện hạt nhân sẽ giải quyết được tình trạng thiếu điện, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường. Chi phí ban đầu để xây dựng nhà máy ĐHN rất tốn kém tuy nhiên, tính cả quá trình vận hành hơn 60 năm thì giá thành sản xuất điện hoàn toàn có thể cạnh tranh với nguồn năng lượng khác. ĐHN không chỉ cung cấp nguồn điện lớn mà còn rất ổn định. Đơn cử như nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 với 4 tổ máy x 1.000 MW, khi đi vào vận hành sẽ đóng góp khoảng 3-4% trong tổng nhu cầu điện năng của cả nước.

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia đều lựa chọn ĐHN như một giải pháp quan trọng nhằm giải quyết bài toán năng lượng. Tính đến nay, trên thế giới đã có 440 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất đặt trên 377,7 Gwe, chiếm tỷ lệ hơn 16% tổng công suất của các nguồn điện năng toàn cầu. Ở Tây và Trung Âu, năng lượng hạt nhân là nguồn điện lớn nhất, chiếm 35% tổng sản lượng. Ở Nhật Bản, tỷ trọng hạt nhân là 30%. Tỷ lệ này là 75% ở Pháp và 20% ở Hoa Kỳ.

Các nhà khoa học cũng chứng minh rằng, chất thải phóng xạ – nỗi lo của con người, không phải là điểm yếu của ĐHN nếu được quản lý và kiểm soát chặt chẽ bằng cách chôn giữ đúng quy trình, quy định. Ngoài các sự cố hạt nhân đã diễn ra, cho đến nay chưa ghi nhận thêm sự cố nào lớn liên quan đến chất thải phóng xạ từ nhà máy ĐHN dù đã có hơn 100 lò phản ứng chấm dứt hoạt động và đang trong giai đoạn thanh lý, 9 lò đã xong phần tháo dỡ hạt nhân.

Các chuyên gia kẳng định, với công nghệ năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình ngày càng được cải tiến nên việc xây dựng các nhà máy ĐHN là điều cần thiết phục vụ phát triển kinh tế, xã hội quốc gia bền vững hơn.

(Nguồn: baocongthuong.com.vn – Đình Dũng)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: