Sử dụng nhiên liệu diesel sinh học trên đầu máy

Tháng Năm 13 09:00 2014

Diesel sinh học – nhiên liệu thân thiện với môi trường
Hiện nay, dầu mỏ và khí đốt đang chiếm khoảng 60 – 80% nguồn năng lượng thế giới. Theo các nhà khoa học, với tốc độ tiêu thụ như hiện nay thì nguồn năng lượng này sẽ cạn kiệt trong vòng 40 – 50 năm tới; vì vậy, việc tìm nguồn năng lượng thay thế đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia. Trong đó, những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường và tái sinh như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học… được ưu tiên hàng đầu.

Diesel sinh học là nhiên liệu sinh học ở dạng lỏng, có tính chất tương tự và có thể sử dụng thay thế cho dầu diesel thông thường. Trong thời gian qua, với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu lượng khí thải độc hại phát tán vào môi trường, thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn trong nhiên liệu sinh học theo QĐ 53/2012/QĐ-TTg của chính phủ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã phối hợp với công ty Revo International (Nhật Bản) triển khai thử nghiệm áp dụng nguyên liệu phối trộn B5 (5% diesel sinh học + 95% diesel thường) và B10 (10% diesel sinh học + 90% diesel thường) vào vận tải ĐS. Hiện nay, tổng công ty ĐSVN hiện đang có 331 đầu máy, mỗi năm tiêu thụ trên 50.000 tấn nhiên liệu diesel thông thường, trong đó 80% nhiên liệu sử dụng để vận hành đầu máy, 15,8% nhiên liệu dùng cho toa xe và 4,2% nhiên liệu cho các hoạt động khác. Trung bình từ năm 2010 đến 2012, lượng khí thải động hại phát tán ra môi trường khi sử dụng nhiện liệu diesel thông thường khá lớn, trong đó: CO là 1.060,9 tấn; NO2 là 918,19 tấn; C02 là 162.582,4 tấn… Việc thử nghiệm và tiến tới áp dụng nhiên liệu B5, B10 vào vận tải ĐS sẽ giảm thiệu được lượng lớn khí thải độc hại và thay thế được nguồn nhiên liệu dầu mỏ, khí đốt đang cạn kiệt.

Su dung nhien lieu diesel sinh hoc tren dau may_01Sử dụng nhiên liệu diesel sinh học sẽ góp phần bảo vệ môi trường

Để đánh giá chính xác các thông số như: lượng khí thải, lượng nhiên liệu tiêu hao…, Tổng công ty ĐSVN đã tiến hành thử nghiệm tĩnh và động với 48.000 lít nhiên liệu Diesel sinh học do Công ty Revo International sản xuất. Thử nghiệm động được tiến hành trên đầu máy D12E và D9E; chạy trên 2 tuyến Hà Nội – Hải Phòng (tuyến đường bằng phẳng) và Yên Viên – Đồng Đăng (tuyến đường đồi, núi, nhiều khúc cua)… Sau quá trình thử nghiệm, tổng công ty ĐSVN đánh giá dầu diesel sinh học (B100 – 100% dầu diesel sinh học) vận hành trên đầu máy hoạt động bình thường, không gặp sự cố phát sinh, công suất tiêu hao của nhiên liệu sinh học cao hơn dầu diesel thường từ 10 – 20% lượng nhiên liệu; thân thiện với môi trường, hàm lượng khí CO giảm 40%, khí SO2 giảm 98,5%, khí NO2 giảm 99,1%… Hỗn hợp B5, B10, B20 khi sử dụng có lượng khí thải tác động xấu đến môi trường giảm theo tỉ lệ nghịch so với % diesel sinh học trong hỗn hợp… Theo ông Lê Trọng Tuấn – Trưởng ban Khoa học công nghệ tổng công ty ĐSVN cho biết, việc áp dụng hỗn hợp B5, B10 trong vận tải ĐS là khả thi. Tuy nhiên, do thời gian thử nghiệm còn ngắn nên việc xác định mức độ ảnh hưởng của nguyên liệu diesel sinh học lên động cơ vẫn còn hạn chế.

Cần tiếp tục thử nghiệm để đánh giá ảnh hưởng của nhiên liệu diesel sinh học với các chi tiết đầu máy
Nhiên liệu diesel sinh học tuy có nhiều ưu điểm vượt trội so với nhiên liệu thông thường, đặc biệt khi sử dụng nhiên liệu này có thế tái chế được chất thải, giảm lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường… nhưng khi đưa vào thử nghiệm vận hành đầu máy vẫn còn một số nhược điểm so với diesel thông thường như: hiệu suất tiêu hao nhiên liệu lớn, khó khăn trong công tác bảo quản, có thể ăn mòn các chi tiết động cơ, hư hại các chi tiết được làm từ cao su hoặc nhựa…

Theo đại diện của công ty ĐS Hà Nội, khi sử dụng nhiên liệu diesel sinh học, các chỉ số gây ảnh hưởng đến môi trường đều giảm; tuy nhiên trong quá trình vận hành trên đầu máy D12E và D9E cho thấy mức tiêu hao nhiên liệu cao hơn nhiều so với sử dụng dầu diesel thông thường, đặc biệt khi vận hành trên địa hình đèo dốc lớn và khó khởi động động cơ hơn so với dầu diesel thông thường. Quá trình thử nghiệm còn quá ngắn, chưa thể đánh giá chính xác các chỉ tiêu kinh tế, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng của nhiên liệu lên đầu máy, dầu bôi trơn…

Cùng quan điểm, ban đầu máy toa xe – Tổng Công ty ĐSVN kiến nghị cần tiếp tục tiến hành thử nghiệm để đánh giá mức độ ăn mòn của nhiên liệu diesel sinh học với các chi tiết đầu máy, nhất là đối với những chi tiết được làm bằng cao su, nhựa…

Su dung nhien lieu diesel sinh hoc tren dau may_02

Giảm chi phí, kêu gọi đầu tư để năng lượng sạch được sử dụng rộng rãi
Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Chu Mạnh Hùng khẳng định, việc áp dụng diesel sinh học vào vận tải đang được chính phủ và Bộ GTVT rất quan tâm. Thủ tướng chính phủ đã quyết định ban hành lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, từ ngày 1/12/2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5; 1/12/2017 xăng E10 sẽ được sử dụng cho các phương tiện cơ giới và tiến tới áp dụng B5, B10 cho vận tải đường bộ, ĐS. Vụ trưởng cũng đề nghị công ty Revo International chủ động kiến nghị với Vụ Môi trường Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… hỗ trợ các dự án thử nghiệm tiếp theo nhằm đánh giá đúng các chỉ tiêu kỹ thuật, khắc phục những hạn chế của nhiên liệu diesel sinh học để có nhanh chóng đưa nguồn năng lượng sạch vào sử dụng rộng rãi.

Hiện nay, giá thành diesel sinh học đang cao hơn so với dầu diesel thông thường gần 2.000 VNĐ/lít. Nên để nhiên liệu diesel sinh học có thể thu hút được khách hàng, ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, sản xuất, nhà sản xuất đã tìm nhiều biện pháp để giảm giá thành sản phẩm. Đại diện của công ty Revo International cho biết, công ty đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để giảm giá thành sản phẩm; trong đó, giảm giá thành nguyên liệu đầu vào là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay; đồng thời, công ty Revo khẳng định sẽ bán nhiên liệu diesel sinh học đúng giá thị trường và sẽ giảm giá thành đến thấp nhất có thể. Đặc biệt, hiện nay, công ty đang tiến hành dự án trồng thử nghiệm cây dầu lai (jatropha curcas – nguyên liệu để chiết xuất ra diesel sinh học) ở một số vùng đất tại Ninh Thuận. Nếu dự án này thành công, công ty sẽ chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất và giảm giá thành sản phẩm nhiên liệu sinh học.

(Nguồn: baoduongsat.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin