Tuyển doanh nghiệp làm ốc vít, sạc pin cho Samsung

Tháng Mười 24 08:00 2014

Trong 100 đối tác của các nhà máy Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, chỉ có bảy công ty nội mà chủ yếu làm “bao bì và đóng gói”.

Samsung Vina được coi là ví dụ tiêu biểu cho thành công về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam những năm qua. Nhưng tại buổi gặp gỡ các nhà cung cấp trong nước vào tháng 09/2014, lãnh đạo công ty cho biết để xuất khẩu 24 tỷ USD mỗi năm, hãng này phải nhập về một lượng nguyên liệu đầu vào tương đương 19,8 tỷ USD. Đây cũng là câu chuyện cho thấy nhu cầu bức thiết phải phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam, vốn đang được Chính phủ kỳ vọng sẽ chiếm 33% giá trị ngành chế biến – chế tạo vào năm 2020.

Trao đổi tại diễn đàn sáng nay, đại diện Samsung cho biết trong số 100 đối tác cung cấp linh kiện cho các nhà máy tại Thái Nguyễn và Bắc Ninh, chỉ có bảy công ty nội, mà chủ yếu “làm bao bì và đóng gói”. Con số này cùng câu chuyện một lãnh đạo Bộ Công Thương mới đây chia sẻ, rằng các doanh nghiệp Việt không thể sản xuất nổi cái ốc vít, sạc pin mà Samsung đặt hàng khiến không ít chủ doanh nghiệp “nóng mặt”.

Dẫu vậy, phần lớn trong số 200 doanh nghiệp tới tọa đàm đều hy vọng sẽ nghe được một cam kết từ phía Samsung về hỗ trợ đầu ra, thì công ty Việt mới dám bung mình để sản xuất.

Ông Lưu Hoàng Long, tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử (VEIA) khẳng định rằng việc đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện cho Samsung không khó. Điều ông lo ngại là sau khi bỏ cả triệu USD để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng thì liệu hãng có bao tiêu sản phẩm. “Samsung có thể ký thỏa thuận khung làm cơ sở để doanh nghiệp yên tâm đầu tư không”, ông Long đặt điều kiện.

Tuyen doanh nghiep lam oc vit, sac pin cho Samsung_01

Đại diện Samsung giới thiệu các linh kiện cần doanh nghiệp nội cung cấp

Tự nhận là doanh nghiệp nội đầu tiên cung cấp linh kiện Samsung, dù chỉ ở mức bán lẻ qua đại lý cấp I, giám đốc Công ty Bắc Việt – Trần Anh Vương cho hay nếu được Samsung hỗ trợ và minh bạch về điều kiện, doanh nghiệp ông đủ khả năng sản xuất được khuôn mẫu và thành đại lý trực tiếp.

Ông Vũ Duy Hiểu – đại diện một công ty cơ khí tại thành phố Hồ Chí Minh, từng sản xuất ốc vít cho các công ty nước ngoài nhận xét: “Nếu không có một cam kết từ Samsung hay chính phủ thì câu chuyện này cũng như vấn đề con gà có trước hay quả trứng có trước”.

Theo ông Hiểu, ít nhất phải ưu tiên cho doanh nghiệp nội về đầu ra sản phẩm hoặc có chính sách chọn giá rẻ thì may ra công ty mới dám đầu tư dây chuyền mới để cung cấp cho Samsung.

Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn nói nếu không thể cam kết về bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ về công nghệ thì ít ra doanh nghiệp có thể hy vọng tham gia vào các công ty liên kết với công ty con của Samsung. “Nếu không, chiếu vào các điều kiện mà các ông đưa ra, tôi e khó doanh nghiệp nào ở đây đáp ứng được”, ông Toàn bi quan.

Là một công ty cơ khí có tiếng ở miền Bắc, đại diện Cơ khí Đông Anh cho biết doanh nghiệp của ông đã cung cấp được ống máy hút bụi cho tập đoàn LG. Thế nhưng hoàn thiện sản phẩm này theo yêu cầu của Samsung thì cần phải qua 10 công đoạn nữa. Do vậy, nếu không được Samsung chắp mối để hình thành chuỗi liên kết với các doanh nghiệp khác thì rất khó khăn.

Tuy nhiên, tổng giám đốc bán hàng của Samsung Việt Nam –  Jang Hoyoung cho biết tập đoàn không có thể thỏa thuận về vấn đề này vì không biết chắc năng lực của đối tác. Vị này cho rằng, nếu bản thân công ty cung cấp thấy đủ điều kiện về tài chính, công nghệ, pháp luật, giá thành mà tập đoàn đã công bố thì có thể được ghi vào danh sách dưới dạng “đối tác tiềm năng” mà thôi.

“Chúng tôi cũng không có quyền can thiệp vào kinh doanh của các nhà cung cấp. Samsung không thể can dự để bảo đối tác này phải liên doanh với công ty kia. Chúng tôi không thể áp đặt”, câu trả lời tiếp theo này của ông Jang Hoyoung đã khiến không ít doanh nghiệp chạnh lòng.

Chắp nối cuộc gặp gỡ của Samsung với các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ, cục trưởng đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) – Đỗ Nhất Hoàng nói rằng, nhà nước cũng không quá kỳ vọng ngay sau cuộc gặp sẽ tìm ra được thêm doanh nghiệp nội cung cấp linh kiện cho Samsung. Ông Hoàng coi đây như là buổi “kiểm tra sức khỏe” của với khối doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ để biết năng lực của mình đang ở đâu, thiếu cái gì.

Ông Hoàng khẳng định đã đề nghị Samsung cho biết họ cần những mặt hàng gì, tiêu chuẩn ra sao, tỷ lệ thế nào. Từ đó, cơ quan này sẽ tiếp tục ngồi với từng ngành nghề nhựa, cơ điện tử, cơ khí… nhằm sàng lọc sức khỏe doanh nghiệp với mong muốn sớm tìm ra những đơn vị có năng lực lọt vào danh sách đối tác của hãng này.

(Nguồn: vnexpress.net)

Bình luận hay chia sẻ thông tin