Công nghiệp hỗ trợ CNC: Thêm màu cho “thị trường trắng”

Tháng Mười 18 15:00 2013

Nguyên vật liệu phục vụ cho CNC được nhập khẩu 100% từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… nên giá thành cao. Bất lợi về nguồn nguyên vật liệu này làm cho khả cạnh tranh của các doanh nghiệp CNC với các thị trường khác gặp rất nhiều khó khăn.

TT_Cong nghiep ho tro CNC-Them mau cho thi truong trang

Ông Lê Tấn Hưng, Phó giám đốc Công ty Kiwa, cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ CNC tại Việt Nam được xem là “thị trường trắng” vì hầu hết các nhà sản xuất CNC tại Việt Nam phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. Cảnh báo đã được đưa ra là: Cạnh tranh với các thị trường khác chủ yếu là nguồn nhân lực giá rẻ cũng đang dần mất đi. Vì thế, đẩy mạnh đầu tư công nghiệp hỗ trợ CNC là nhu cầu sống còn của của cả ngành CNC Việt Nam.

Hiện nay, sản phẩm CNC của Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) chiếm khoảng 90% giá trị xuất khẩu của TP.HCM. Giá trị gia tăng của sản phẩm qua các năm thì 2010 là 15%, năm 2011 là 18%, năm 2012 là 20%, và trong sáu tháng đầu năm 2013 tổng giá trị gia tăng là 25%. Tuy nhiên, để đạt được theo yêu cầu của quốc gia cũng như của TP.HCM phải đạt được giá trị gia tăng 40%.

Sự gia tăng của sản phẩm CNC cũng như mức đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này kéo theo nhu cầu về nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ cho ngành CNC trở thành cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, công nghiệp hỗ trợ CNC của Việt Nam chủ yếu là lắp ráp, không tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho doanh nghiệp nội địa, không có khả năng về nội địa hóa nguyên liệu đầu vào.

“Hay nói cách khác, công nghiệp hỗ trợ CNC tại Việt Nam hầu như không có”, một chuyên gia của SHTP nhận định. Theo Phòng Thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO), trong 5 năm (từ 2002 – 2007), tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ cải thiện được 1,5% (dừng lại ở con số 26,5%).

Trong khi đó, Indonesia đã cải thiện được đến hơn 4%. Riêng tỷ lệ nội địa hóa cho các công ty Nhật Bản, đến năm 2012 Việt Nam chỉ mới đạt 28%, thấp hơn rất nhiều nếu so với Trung Quốc (61%) và Thái Lan (53%).

Hoạt động sản xuất linh phụ kiện phục vụ các ngành công nghiệp CNC của Việt Nam hiện chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện do lợi thế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý cũng như quan hệ lâu năm với các nhà sản xuất, lắp ráp lớn trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong khi đó, TP.HCM đã đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong khu CNC của thành phố tới năm 2015 là 25%, đạt 10 tỷ USD.

Nhận định về ngành công nghiệp hỗ trợ CNC Việt Nam, ông Peter Opdahl, Chủ tịch Tập đoàn ITO, cho biết, lĩnh vực này đang được sự ủng hộ bằng nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ và TP.HCM, kết hợp với thị trường về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, điện tử, tin học, thực phẩm, ô tô…

Theo bà Nguyễn Thị Như Phương, Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), muốn xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ cho CNC thì phải có chính sách với các doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn, muốn đầu tư nhà máy tại Việt Nam, phải có kế hoạch xây dựng nhà máy hỗ trợ và quy trình chuyển giao quản lý theo tiểu chuẩn quốc tế để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được công nghệ mới, chứ không nhất thiết phải tiếp tục sinh thêm doanh nghiệp phụ trợ có vốn FDI…

(Nguồn: doanhnhansaigon.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin