Công nghiệp phụ trợ trình độ thấp

Tháng Mười 19 09:00 2013

Theo điều tra mới nhất của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tỷ lệ nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất mà các công ty Nhật đang mua tại Việt Nam chủ yếu ở Hà Nội và các vùng lân cận còn thấp, chỉ đạt 28% trong khi tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, Thái Lan là 53% và Trung Quốc là 61%.

Cong nghiep phu tro trinh do thap_1

Còn theo số liệu từ Viện ngiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, tính đến nay, trên cả nước có khoảng 210 doanh nghiệp, phụ tùng cung cấp cho 50 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, nhưng các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, săm lốp, bộ phận tản nhiệt…

Mục tiêu quy hoạch đặt ra đến năm 2010 là các chi tiết, linh kiện quan trọng như động cơ, hộp số, cụm truyền động phải sản xuất được 100.000 bộ sản phẩm/năm đã không đạt được. Mỗi năm, ngành sản xuất ô tô trong nước phải nhập khẩu gần 2 tỷ USD linh kiện, phụ tùng. Mặc dù đã có nhiều năm phát triển, nhưng các sản phẩm hỗ trợ của ngành này được đánh giá là kém phát triển nhất hiện nay, với tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 5-10%. Ngành dệt may- da giày cũng là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng có tới 80- 85% tỷ lệ nguyên phụ liệu phải nhập khẩu bao gồm: vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại….

Theo tiến sĩ Đặng Đức Đạm, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh, nguyên nhân ngành công nghiệp phụ trợ ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không có sức cạnh tranh một phần do cơ cấu đầu tư nghiêng về những ngành Việt Nam không có lợi thế so sánh (những ngành thuộc công nghiệp nặng như sắt thép, xi măng, phân bón, luyện kim…), sản xuất chủ yếu là cho thị trường nội địa, FDI cũng tập trung nhiều vào những ngành thay thế nhập khẩu. Mặt khác, chính sách bảo hộ thiên lệch cho sản phẩm cuối cùng, bất bình đẳng đối với các sản phẩm phụ trợ. Những sản phẩm phụ trợ trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được rồi nhưng số lượng, chất lượng không đảm bảo thì được ưu đãi hơn về thuế nhập khẩu.

Để có thể phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, theo tiến sĩ Đặng Đức Đạm, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu: Một là, đẩy mạnh việc hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ; hai là, đổi mới các chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp phụ trợ; bốn là, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ; năm là, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển.

(Nguồn baocongthuong.com.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin