Phát triển công nghiệp hỗ trợ: thiếu đủ thứ

Tháng Mười Hai 29 12:45 2015

Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã được đưa ra bàn thảo nhiều năm nay và chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách phát triển ngành CNHT. Tuy nhiên, việc phát triển CNHT ở Việt Nam vẫn còn chậm và thiếu. Vậy nguyên nhân do đâu? Chính sách nào để phát triển CNHT trong thời gian tới? Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) trích đăng ý kiến của ông Hirotaka Yasuzumi, giám đốc điều hành JETRO Văn phòng thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và ông Kyoshiro Ichikawa, điều phối viên JETRO, những chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này.

Ông Hirotaka Yasuzumi, giám đốc điều hành JETRO Văn phòng TPHCM: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bản địa
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI Nhật Bản đang đầu tư vào CNHT ở các tỉnh phía Nam. Tỷ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản đã tăng lên 32,2%. Trong đó, ở miền Nam tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp (DN) bản địa Việt Nam là 14,8%, miền Bắc là 11,7%. Tuy nhiên, so với Thái Lan, Indonesia thì tỷ lệ cung ứng của các DN bản địa Việt Nam là thấp.

Sở dĩ, ngành CNHT ở Việt Nam chưa phát triển là do vốn đầu tư chưa đến được với DN vì lãi suất quá cao nên không thể vay vốn được (đối với các DN sản xuất thì lãi suất 8%-15%/năm). Đối với các doanh nghiệp CNHT có mức đánh giá tín dụng thấp còn nghiêm trọng hơn. Hiện nay vốn đang không đến được với các DN trong ngành sản xuất. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực còn chưa đủ do thiếu nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của DN cả về chất và lượng nên trình độ kỹ thuật của DN không được nâng cao, khó thực hiện chuyển giao kỹ thuật; có ít cơ hội đào tạo cho những người quản lý kinh doanh của các DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, thiếu các biện pháp ưu đãi, việc các biện pháp ưu đãi cho CNHT chưa được DN tận dụng là do có vấn đề trong chế độ ưu đãi. Mặt khác, trong định nghĩa về CNHT còn thiếu các quy trình như xử lý bề mặt. Đồng thời, không có nơi để các DN trong cùng ngành nghề gặp gỡ, tìm hiểu liên kết; không có thị trường lớn. Để phát triển CNHT ở Việt Nam, chính phủ phải hỗ trợ các DN bản địa Việt Nam, thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật. Nếu chỉ thu hút các doanh nghiệp FDI trong CNHT thì không thể mong đợi nhiều vào việc chuyển giao kỹ thuật hoặc sự phát triển của CNHT của Việt Nam.

Vì vậy, Chính phủ Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc thực hiện 3 biện pháp chính sách để hỗ trợ các DN bản địa Việt Nam. Cụ thể, chế độ cho vay lãi suất thấp từ 1% đến 3% để thúc đẩy đầu tư; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để chuyển giao kỹ thuật; biện pháp ưu đãi thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT và xem lại định nghĩa về CNHT để bổ sung thêm vào đó các quy trình. Mặt khác, thực hiện 5 hành động để phát triển CNHT ở Việt Nam bằng việc bắt tay vào mở rộng cả về chất và lượng các hoạt động sự nghiệp như tổ chức các buổi seminar, đào tạo, thực tập… để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu DN; tập trung, đề xuất các chính sách cần thiết để hỗ trợ tất cả các DN trong CNHT; lập danh sách các DN ưu tú bản địa Việt Nam trong CNHT; thực hiện các buổi trao đổi kinh doanh, triển lãm, giao lưu để đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN trong CNHT; truyền bá thông tin về CNHT ở Việt Nam ra toàn châu Á để đẩy mạnh sự liên kết giữa thị trường lớn và ngành CNHT ở Việt Nam.

Phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-01Thiết bị tự động công nghiệp của Công ty Kỹ thuật tự động Hưng Phú, TPHCM

Ông Kyoshiro Ichikawa, điều phối viên JETRO: Bắt tay vào hành động
Từ khi việc phát triển CNHT được đưa ra bàn bạc trao đổi cho đến nay đã trải qua 10 năm, giờ là lúc phải thực hiện chứ không phải là bàn bạc nữa. Để nâng cao sức cạnh tranh hướng tới xây dựng quốc gia công nghiệp vào năm 2020 thì việc phát triển CNHT là vấn đề quan trọng. Hai nước Nhật Bản – Việt Nam đã cùng hoạch định chính sách để phát triển những ngành công nghiệp trọng điểm như công nghiệp điện, điện tử; công nghiệp cơ khí nông nghiệp; công nghiệp xe hơi, linh kiện… để hướng đến công nghiệp hóa vào năm 2020. Vì vậy, cần có chính sách phát triển, hỗ trợ cụ thể cho DN Việt Nam. Cụ thể, phát triển nhân lực công nghiệp bằng việc cải thiện chế độ đào tạo, huấn luyện. Thực hiện chế độ hỗ trợ vốn cho các DN liên quan đến CNHT bằng việc tận dụng chế độ hỗ trợ vốn vay đặc thù; ngân hàng của Việt Nam tận dụng vốn cho vay của JICA và JBIC để cấp các khoản vay để làm vốn mua máy móc thiết bị cho các DN liên quan đến CNHT; hỗ trợ tìm kiếm đối tác cung cấp (giới thiệu doanh nghiệp lắp ráp nước ngoài). Riêng đối với các DN Việt Nam cần lưu ý để phát triển trong tương lai như: chất lượng, thời hạn giao hàng, chi phí là các điểm quan trọng; kinh doanh một cách dài hạn, đặc biệt là uy tín rất quan trọng; cần có thái độ tích cực trong kinh doanh…

(Nguồn: sggp.org.vn – Giang Đình)

Bình luận hay chia sẻ thông tin