Doanh nghiệp cơ khí sẵn sàng hội nhập

Tháng Hai 14 12:45 2016

Ngành cơ khí trong nước đã và đang có những bước tiến đáng kể nhờ vào sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như các chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía nhà nước. Song, để hội nhập hiệu quả, ngành cơ khí cần có sự liên kết chặt chẽ, những chiến lược đột phá và chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể hơn. Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam – ông Nguyễn Văn Thụ, phân tích:

Trong năm qua, doanh nghiệp ngành cơ khí đã có nhiều cố gắng đổi mới cơ cấu tổ chức, đẩy mạnh cổ phần hóa và tập trung vào ngành nghề chính nên đã thực hiện đúng và vượt tiến độ nhiều công trình như: Thủy điện Lai Châu, Nhà máy xử lý nước Pomosa Hà Tĩnh, Công trình tuyển quặng Tân Rai. Bên cạnh đó, ngành cơ khí cũng đẩy mạnh đầu tư thiết bị và chế tạo thành công nhiều sản phẩm cơ khí phức tạp, siêu trường siêu trọng; sản xuất lắp ráp ô tô tăng trên 55%, sản xuất kim loại tăng hơn 23%… Đó là những tín hiệu tích cực trong sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cơ khí; đã khắc phục mọi khó khăn trở ngại để phát triển sản xuất.

PV: Được biết, gần đây ngành cơ khí triển khai cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, qua đó đã gặt hái được một số thành quả ban đầu, song cũng còn một số vướng mắc. Vậy, ông có thể chia sẻ đôi nét trong quá trình triển khai cơ chế thí điểm này?

Thực hiện Quyết định số 1791/QĐ-TTg, ngày 29-12-2012 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, đến nay, chương trình đã đi vào thực chất hơn, các doanh nghiệp cơ khí trong nước có thể tham gia vào các hạng mục thiết bị. Tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp FDI đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ giá trị thực hiện của các doanh nghiệp trong nước trên tổng giá trị hợp đồng EPC tại các dự án nhà máy như nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đạt khoảng 36%, Thái Bình 37,5%, Sông Hậu 1 khoảng 40%… Nếu tính cả giá trị thực hiện ngoài gói thầu EPC, tỷ lệ giá trị thực hiện của các doanh nghiệp cơ khí trong nước trên tổng mức đầu tư của các dự án còn cao hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình thí điểm tại QĐ 1791 cũng còn một số điểm hạn chế cần sớm được khắc phục. Cụ thể, cần có đánh giá chi tiết hơn nữa về tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp trong nước trên tổng mức đầu tư của dự án đối với từng hạng mục như: xây lắp, lắp đặt, tư vấn thiết kế, chế tạo thiết bị, gia công. Bởi tại QĐ 1791, quy định 11 hạng mục thiết bị phụ của nhà máy nhiệt điện được thí điểm thực hiện thiết kế và chế tạo trong nước. Do đó, nếu thực hiện tất cá các hạng mục, giá trị thực hiện sẽ đạt khoảng 400 – 500 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay chưa dự án nào thực hiện được tất cả các hạng mục. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp cơ khí trong nước quy mô nhỏ, năng lực còn hạn chế và khó khăn trong việc thu xếp vốn lưu động.

Doanh-nghiep-co-khi-san-sang-hoi-nhapSản xuất khuôn mẫu cơ khí chính xác tại Nhà máy Amura

PV: Trong thời gian tới, cộng đồng cơ khí cần có những giải pháp, chiến lược cũng như kiến nghị gì để phát triển bền vững, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ và cạnh tranh gay gắt, thưa ông?

Về phía các doanh nghiệp, cần tích cực liên kết, hợp tác sản xuất, xây dựng các ban chuyên ngành như: Sản phẩm cho công nghiệp hỗ trợ, trang thiết bị kinh tế biển, thiết bị thi công công trình, máy động lực và thiết bị nông-lâm-ngư nghiệp, thiết bị điện – điện tử… để đủ năng lực tham gia các dự án, công trình công nghiệp trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu có hiệu quả. Đồng thời, để sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước đứng vững và phát triển lâu dài, các doanh nghiệp cần tự thay đổi công tác quản trị doanh nghiệp, có ý thức đảm bảo chất lượng sản phẩm cơ khí đồng đều, tạo được uy tín lâu dài với khác hàng và tiến tới thay thế hàng nhập khẩu. Tóm lại, trong tình hình diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới và trong nước, cộng đồng doanh nghiệp cơ khí phải chủ động, tích cực vượt khó liên kết chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp để ứng phó trước sức ép cạnh tranh của hội nhập kinh tế toàn cầu.

Về phía quản lý nhà nước, kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn nữa trong đầu tư và xuất khẩu sản phẩm cơ khí. Có định hướng dành các đơn hàng chế tạo thiết bị, sản phẩm cơ khí trong các chương trình, dự án mà doanh nghiệp cơ khí trong nước có đủ khả năng chế tạo và cung cấp. Cụ thể, đối với các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cần giao về một đầu mối có đủ năng lực, kinh nghiệm nhằm bóc tách những sản phẩm, thiết bị chế tạo được trong nước đảm bảo chất lượng, không cần nhập khẩu, trước khi được Bộ chủ quản duyệt; nhằm xác định tỷ lệ nội địa hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước thiết kế, chế tạo; đồng thời, giảm nhập siêu đối với dự án trong tương lai. Đối với lãi suất vay cho đầu tư sản suất và Thuế VAT sản phẩm cơ khí giảm về 5%. Riêng sản phẩm cơ khí trọng điểm và sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp có thuế suất là 0%. Ngoài ra, Quốc hội và Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi thuế đất đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung và doanh nghiệp cơ khí nói riêng. Vì Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010, khi thi hành còn nhiều khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là doanh nghiệp cơ khí. Lý do là diện tích đất dùng để sản xuất sản phẩm cơ khí thường cần diện tích rất lớn nên theo luật thuế này và áp dụng vào thời điểm khó khăn hiện nay doanh nghiệp cơ khí không thể chịu nổi. Hơn thế nữa, chính sách về thuế đất bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, dẫn đến vô hình trung làm tăng giá sản phẩm cơ khí do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

(Nguồn: sggp.org.vn – Lạc Phong)

Bình luận hay chia sẻ thông tin