Thiết bị hiển thị rõ mức độ cơn đau của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật

Tháng Năm 24 08:00 2023

ISRAEL – Quý vị sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trong khi phẫu thuật, bệnh nhân vẫn được dùng thuốc giảm đau mặc dù đã gây mê toàn thân (có nghĩa là họ đang bất tỉnh).

Cơ thể bệnh nhân vẫn phản ứng với các kích thích do cơn đau, bằng cách tăng huyết áp hoặc tăng nhịp tim. Điều này có thể gây nguy hiểm, đặc biệt đối với những bệnh nhân bị suy nhược hoặc những người có vấn đề về tim.

Thách thức đối với các bác sĩ gây mê là: kiểm soát cơn đau, đồng thời theo dõi các chức năng quan trọng của cơ thể và gây mê trong quá trình phẫu thuật.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ chỉ có một thông tin sơ bộ về những gì bệnh nhân phải chịu đựng trong quá trình phẫu thuật, do họ bất tỉnh và không có các biểu hiện khi đau. 

Vì vậy, bác sĩ không biết lượng thuốc giảm đau cần phân phối, hoặc mức độ cơn đau sau phẫu thuật mà bệnh nhân phải chịu đựng. 

Một thiết bị hỗ trợ mới ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI, được phát triển bởi Medasense – một công ty khởi nghiệp tại Israel. Thiết bị được kết nối với ngón tay của bệnh nhân để theo dõi vô số các thông tin liên quan đến tình trạng của họ.

PMD-200 là một thiết bị hỗ trợ AI do công ty Medasense phát triển.

Thiết bị sẽ ghi lại những thay đổi về lượng máu và tốc độ lưu thông máu, tình trạng tiết mồ hôi (do phản ứng lại quá trình mà cơ thể đang trải qua), nhiệt độ (chẳng hạn như nhiệt độ ngón tay của bệnh nhân), …

Thiết bị theo dõi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI, đưa ra thang điểm từ 0 đến 100, cho phép các bác sĩ điều chỉnh lượng thuốc giảm đau trong suốt quá trình phẫu thuật. 

Thiết bị PMD-200 đã được FDA (1) cấp chứng nhận đạt chuẩn vào tháng 2.2023, và được sử dụng tại các bệnh viện ở Hoa Kỳ. Thiết bị đã được sử dụng trong 60.000 ca phẫu thuật tại châu Âu, châu Mỹ Latinh, Canada, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.
(1) FDA (Food and Drug Administration): Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Đây là cơ sở quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ, thuộc bộ Y Tế vụ nhân sinh Hoa Kỳ. 

Một đầu dò không xâm lấn kết nối với ngón tay của bệnh nhân để theo dõi nhiều thông số.

Khả năng kiểm soát tốt cơn đau trong khi phẫu thuật đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ ít đau hơn khi họ tỉnh dậy. Điều này cực kỳ có lợi, vì một nửa số bệnh nhân bị đau từ trung bình đến nặng trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật. 

Điều đó có thể dẫn đến việc bệnh nhân nghiện thuốc giảm đau theo toa nhằm kiểm soát cơn đau, như: morphine, oxycodone (oxycontin) và hydrocodone (vicodin).

Khả năng kiểm soát cơn đau tốt hơn trong khi phẫu thuật có nghĩa là bệnh nhân sẽ ít đau hơn khi họ tỉnh dậy.

Công ty Medasense cho biết một phần sứ mệnh của họ là giải quyết cơn đau trong khi phẫu thuật, nhằm giúp bệnh nhân giảm đau và ít rơi vào tình trạng sử dụng hoặc lạm dụng thuốc giảm đau opioid.

Năm 2022 tại Mỹ, đã có 110.236 người chết (một con số kỷ lục) vì dùng thuốc giảm đau quá liều, chủ yếu là do sử dụng chất fentanyl bất hợp pháp, một loại thuốc phiện tổng hợp.

Bà Galit Zuckerman là người đã thành lập công ty Medasense, một phần để giải quyết tình trạng sử dụng thuốc quá liều. Bà Zuckerman nói rằng, cách tốt nhất để ngăn bệnh nhân rơi vào tình trạng lạm dụng thuốc phiện là giải quyết nỗi đau của họ trước khi họ nhận thức được trong khi phẫu thuật. 

Bà Zuckerman giải thích rằng: “Khi chúng ta trải qua cơn đau, cho dù chúng ta tỉnh hay mê, có ý thức hay vô thức, cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy (the fight or flight response) (2)”.
(2) The fight or flight response: Phản ứng chống trả hay bỏ chạy, còn được biết đến với tên gọi “phản ứng căng thẳng cấp tính”, là một phản ứng sinh lý xuất hiện khi có mặt một thứ gì đó gây khiếp sợ cho chủ thể, cả về cơ thể và tinh thần. 

Các loại thuốc giảm đau: opioid tổng hợp carfentanil (giữa) và fentanyl (phải) có thể gây chết người ở liều thấp hơn nhiều so với heroin (trái). Được cấp phép bởi Cục Quản lý Thực thi Ma túy Hoa Kỳ.

Bà Zuckerman nói tiếp: “Bản chất cơ bản của con người hoặc động vật là cố gắng bảo vệ cơ thể khi có điều gì đó xảy ra. Bằng các phản ứng như: tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng tiết mồ hôi. Do đó, các bác sĩ cần điều trị cơn đau sinh lý hoặc cảm giác đau (phản ứng của cơ thể với các kích thích đau) trong quá trình phẫu thuật, vì vậy sẽ không có phản ứng xấu và nghiêm trọng đối với cơn đau”.

Bà Zuckerman nói thêm: “Bản thân sự căng thẳng cũng có tác động đến hệ thống miễn dịch của chúng ta, vì cơ thể tập trung vào việc xử lý căng thẳng hơn là điều trị bệnh. Và điều này có ảnh hưởng đến thời gian phục hồi hậu phẫu.”

Thiết bị PMD-200 đo được nhiều thông số sinh lý trong cơ thể và sử dụng AI để xem xét dấu hiệu của cơn đau.

Một khi có điều gì đó xảy ra với cơ thể, nhịp tim, huyết áp và mồ hôi sẽ tăng lên.

Thiết bị theo dõi được kết nối với bệnh nhân trước khi phẫu thuật bắt đầu, để xác định các thông số cơ bản trước khi họ cảm thấy đau và liên tục đánh giá những thông số thay đổi. 

Sau khi AI nắm bắt được các thông số, thiết bị sẽ chuyển chúng thành một con số từ 0 đến 100, được gọi là chỉ số NOL – cho thấy mức độ phản ứng của cơ thể bệnh nhân đối với các cơn đau. Con số này được hiển thị trên màn hình bên cạnh bệnh nhân trong phòng mổ.

Bà Zuckerman giải thích: “Dựa trên cơ sở này, các bác sĩ có thể cân nhắc việc thay đổi liệu trình điều trị kịp thời. Ví dụ, nếu con số trên 25 trong hơn một phút, họ sẽ cân nhắc sử dụng thêm thuốc giảm đau”.

Một y tá đang áp đầu dò ngón tay cho bệnh nhân, giúp kết nối với màn hình PMD-200.

Tại Mỹ, thiết bị theo dõi được sử dụng cho bệnh nhân phẫu thuật gây mê toàn thân. Ở các quốc gia khác, thiết bị cũng được áp dụng cho bệnh nhân sử dụng máy hỗ trợ hô hấp tại phòng chăm sóc đặc biệt.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ bệnh nhân đau dữ dội sau phẫu thuật được theo dõi bằng thiết bị PMD-200 thấp hơn sáu lần so với thiết bị theo dõi tiêu chuẩn. Thiết bị cũng giúp giảm 70% tỷ lệ bệnh nhân phản ứng với cơn đau dữ dội.

Thiết bị theo dõi PMD-200 được kết nối với bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật, giống như các bác sĩ liên tục theo dõi tất cả các dấu hiệu phản ứng của bệnh nhân cho đến khi cuộc phẫu thuật kết thúc. Đối với bệnh nhân sử dụng máy hỗ trợ hô hấp tại phòng chăm sóc đặc biệt, thiết bị sẽ thực hiện các phép đo vài giờ một lần. 

Thiết bị PMD-200 được kết nối với bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật.

Công ty Medasense muốn phát triển hơn nữa ứng dụng thiết bị theo dõi trong các môi trường khác, chẳng hạn như trong việc đánh giá mức độ đau của bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ không giao tiếp, để giúp các bác sĩ thiết lập liệu trình điều trị cơn đau. 

Các thiết bị theo dõi do công ty khác sản xuất tại châu Âu, chỉ đo một tín hiệu sinh lý, như nhịp tim hoặc sóng mạch. 

Công ty Medasense là công ty đầu tiên sử dụng nhiều tham số và là công ty duy nhất sử dụng AI để đánh giá mức độ phản ứng của cơ thể theo thang điểm 100 một cách dễ hiểu. 

Bà Zuckerman nói rằng: “Khi bạn đang phân tích một tham số, thì bạn không cần AI. Nhưng chúng tôi nghiên cứu nhiều tham số, nên sản phẩm của chúng tôi áp dụng được cho nhiều tình huống, không giống như các thiết bị khác chỉ sử dụng một tham số. Chẳng hạn như: nếu thiết bị của bạn chỉ đo nhịp tim, nhưng bạn là bệnh nhân đang dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, thì đó không phải là thiết bị theo dõi phù hợp”.

Để xem các tin bài khác về “Công nghệ Y tế – Y khoa”, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Nocamels)

Bình luận hay chia sẻ thông tin