Uruguay: 95% điện năng từ năng lượng sạch

Tháng Một 15 07:45 2016

Trong vòng chưa đầy 10 năm, nhờ chính sách phát triển năng lượng sạch, Uruguay đã cắt giảm lượng khí thải carbon và hạ chi phí điện năng mà không cần trợ cấp của chính phủ.

Theo Ramón Méndez, người đứng đầu của Uruguay về chính sách biến đổi khí hậu, hiện nay nguồn năng lượng tái tạo cung cấp 94.5% lượng điện năng của nước này, và giá thành thì thấp hơn so với trước đây trong tương quan với lạm phát, và tình trạng mất điện cũng giảm so với trước nhờ sự đa dạng của các nguồn năng lượng.

Bước chuyển mình nhanh chóng
Chỉ 15 năm trước, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Vào hồi đầu thế kỉ, dầu vẫn chiếm 27% sản phẩm nhập khẩu của Uruguay và một đường ống mới đang bắt đầu cung cấp ga từ Argentina vào đất nước này.

Hiện nay, sản phẩm lớn nhất trong hoá đơn nhập khẩu của Uruguay là tua-bin gió, chuẩn bị được lắp đặt đầy các cảng của đất nước. Nhiên liệu sinh khối và năng lượng Mặt trời cũng đang được đẩy mạnh. Cộng thêm vào nguồn thuỷ điện hiện có thì năng lượng tái tạo chiếm 55% năng lượng tổng thể các nguồn của Uruguay (bao gồm cả nhiên liệu vận tải), trong khi thị phần trung bình toàn cầu là 12%.

Những xe tải chở tua-bin, tháp và cánh quạt giờ đây là một cảnh tượng thường thấy trên những xa lộ của Uruguay

Giờ đây, Uruguay còn được công nhận những tiến bộ về giảm thiểu khí thải carbon trong nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới và Uỷ ban Kinh tế Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê; và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã đưa Uruguay vào danh sách “Những nước dẫn đầu về năng lượng xanh”.

Củng cố thêm danh tiếng này, Méndez- nguyên giám đốc quốc gia về năng lượng của Uruguay- đã đưa ra một trong những cam kết quốc gia tham vọng nhất thế giới tại các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc, đó là cắt giảm 88% lượng khí thải carbon vào năm 2017 so với mức trung bình của năm 2009 – 2013.

Chìa khóa thành công
Điều này không đòi hỏi một phép lạ công nghệ nào, cũng hoàn toàn không sử dụng năng lượng hạt nhân, và không có năng lượng thuỷ điện mới nào được sử dụng trong hai thập kỷ qua. Thay vào đó, ông Méndez cho biết, chìa khoá thành công của họ nghe có vẻ nhàm nhưng lại dễ dàng nhân rộng: đó là việc ra quyết định rõ ràng, môi trường pháp lý khuyến khích và sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ phận công và tư nhân.

Kết quả là đầu tư năng lượng của Uruguay trong năm năm vừa qua, hầu hết là cho năng lượng tái tạo, đã tăng lên bảy tỉ USD, tức là 15% GDP hằng năm của đất nước. Con số này cao gấp năm lần mức đầu tư trung bình tại Mỹ La-tinh và gấp ba lần thị phần toàn cầu mà nhà kinh tế học khí hậu Nicholas Stern khuyến nghị. Theo ông Méndez: Phí xây dựng và duy trì Năng lượng tái tạo thấp, bởi vậy chỉ cần bạn tạo cho các nhà đầu tư một môi trường an toàn thì việc đầu tư này sẽ trở nên rất hấp dẫn.”

Hiệu quả được thấy rõ trên tuyến Đường số 5 từ Montevideo lên phía bắc. Chỉ chưa đầy 200 dặm, ta có thể đi qua ba nhà máy công nông nghiệp chạy bằng nhiên liệu sinh học và ba nhà máy năng lượng gió. Lớn nhất trong số này là nhà máy Peralta 115MW được xây dựng và vận hành bởi công ty Enercon của Đức. Các tua-bin khổng lồ cao 108m của nó đứng sừng sững trên đồng cỏ đầy gia súc và chim đà điểu.

Cùng với nguồn gió ổn định, tốc độ trung bình khoảng 8 dặm/giờ, thì điểm thu hút chính cho các nhà đầu tư nước ngoài như Enercon là mức giá cố định cho 20 năm được nhà nước đảm bảo. Kết quả là các công ty nước ngoài xếp hàng để giành các hợp đồng đầu tư năng lượng gió. Sự cạnh tranh giữa các nhà thầu đang hạ thấp giá giúp cắt giảm chi phí sản xuất điện xuống hơn 30% trong vòng ba năm qua. Christian Schaefer, kỹ thuật viên giám sát tại Enercon cho biết, công ty của ông đang hi vọng sẽ mở rộng, và một công ty Đức khác là Nordex đang xây dựng một nhà máy còn lớn hơn về phía bắc của Đường số 5. Những xe tải chở tua-bin, tháp và cánh quạt giờ đây là một cảnh tượng thường thấy trên những xa lộ của đất nước này.

Các nhà máy năng lượng gió như Peralta hiện giờ cũng cung cấp năng lượng cho các nhà máy thuỷ điện để các đập có thể duy trì hồ chứa lâu hơn sau mùa mưa. Theo ông Méndez, cách này đã làm giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán xuống 70% – một lợi ích không hề nhỏ bởi một năm chịu hạn hán tiêu tốn gần 2% GDP của đất nước.

Ông Méndez cho biết từ việc đầu tư vào năng lượng sạch, ba năm qua họ không phải nhập khẩu một kw/giờ nào. Thay vì phải dựa vào điện nhập khẩu từ Argentina như trước đây, bây giờ Uruguay đã xuất khẩu điện sang nước bạn, điển hình là hè năm ngoái, họ bán 1/3 lượng điện sản xuất được cho Argentina.

Bài học cho các nước khác
Ông Méndez cho rằng thành công của Uruguay là nhờ vào ba yếu tố then chốt: sự tín nhiệm (môt nền dân chủ ổn định, chưa bao giờ vỡ nợ, bởi vậy rất hấp dẫn các đầu tư dài hạn); điều kiện tự nhiên thuận lợi (gió tốt, bức xạ mặt trời tốt và rất nhiều sinh khối từ ngành nông nghiệp); và các doanh nghiệp nhà nước mạnh (là các đối tác đáng tin cậy cho các doanh nghiệp tư nhân và có thể làm việc cùng nhà nước để tạo ra môi trường hoạt động hấp dẫn).

Uruguay đã chứng minh rằng, năng lượng tái tạo có thể làm giảm giá thành sản xuất, cung cấp được hơn 90% nhu cầu điện năng mà không cần viện đến than đá dự trữ hay nhà máy điện hạt nhân, và các bộ phận công và tư nhân có thể hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực này.

Nhưng có lẽ bài học lớn nhất mà Uruguay có thể mang lại cho các nước khác là tầm quan trọng của việc ra quyết định quyết đoán. Như đã từng xảy ra tại vô số cuộc họp về biến đổi khí hậu khác của Liên Hợp Quốc, Uruguay cũng từng bị tê liệt bởi những tranh luận dường như vô tận và đầy ác ý về chính sách năng lượng. Họ phải trải qua khủng hoảng này trong khoảng 15 năm. Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 2008 khi Chính phủ Uruguay cuối cùng cũng đồng ý một kế hoạch dài hạn rõ ràng, thu hút sự ủng hộ từ khắp các bên. Hướng đi mới đó đã tạo điều kiện cho những chuyển biến nhanh chóng và giờ họ đang gặt hái thành quả.

(Nguồn: tiasang.com.vn – Khánh Minh)

Bình luận hay chia sẻ thông tin