Xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Việt nam: Đánh thức nguồn năng lượng thân thiện

Tháng Mười 06 10:00 2013

Tỉnh Quảng Trị đã được cấp phép đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Đakrông với công suất 25MW, mở đầu cho việc khai thác nguồn năng lượng mới trong tương lai gần.

Thế nào là năng lượng địa nhiệt?

Năng lượng địa nhiệt là năng lượng được tách ra từ nhiệt trong lòng trái đất. Năng lượng này có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật, và từ năng lượng mặt trời được hấp thụ tại bề mặt Trái đất. Nguồn địa nhiệt bản thân không thể giải quyết được căn bản các vấn đề năng lượng nhưng góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Chúng đã được sử dụng để nung và tắm kể từ thời La Mã cổ đại, nhưng ngày nay nó được dùng để phát điện. Có khoảng 10 GW công suất điện địa nhiệt được lắp đặt trên thế giới đến năm 2007, cung cấp 0,3% nhu cầu điện toàn cầu. Thêm vào đó, 28 GW công suất nhiệt địa nhiệt trực tiếp được lắp đặt phục vụ cho sưởi, spa, các quá trình công nghiệp, lọc nước biển và nông nghiệp ở một số khu vực.

Nha may dien dia nhiet_01

Một nhà máy địa nhiệt điện (Ảnh từ internet)

Khai thác địa nhiệt trên thế giới hiện nay

Năng lượng địa nhiệt đã được khai thác và sử dụng từ những năm đầu thế kỷ 20 cho mục đích sưởi ấm, sấy nông sản, tắm thư giãn,… Từ đó đến nay việc nghiên cứu và phát triển công nghệ khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt ngày càng phát triển nhanh về quy mô và hiệu suất. Các nhà máy sản xuất điện từ địa nhiệt (cho giá thành rẻ và sạch về sinh thái) đã được xây dựng tương đối phổ biến tại nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, New Zealand, Nhật, Philippines, Canada, Úc… Nếu tính cả việc sử dụng trực tiếp, năng lượng địa nhiệt đang được sử dụng ở 70 quốc gia trên khắp thế giới.

Mỹ đang là nước đi đầu trong việc sản xuất địa nhiệt. Công suất điện địa nhiệt của Mỹ hiện chiếm 32% công suất địa nhiệt của các nhà máy trên thế giới. Trong thời gian tới nước Mỹ có thể sản xuất tới 100.000 MW điện địa nhiệt đủ cung cấp điện cho 25 triệu hộ cư dân trong 50 năm (chi phí khoảng 40 triệu USD/năm) trong khi chi phí ban đầu chỉ vào khoảng 0,8-1 tỷ USD.

Hiệu quả kinh tế

Khai thác năng lượng địa nhiệt có hiệu quả về kinh tế cao, có khả năng thực hiện và thân thiện với môi trường, nhưng trước đây bị giới hạn về mặt địa lý đối với các khu vực gần các ranh giới kiến tạo mảng. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật gần đây đã từng bước mở rộng phạm vi và quy mô của các tài nguyên tiềm năng này.

Cách khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt theo cách hiểu đơn giản nhất là người ta chỉ cần khoan các giếng sâu 4-5km. Sau đó, đưa nước xuống độ sâu này là tới vùng có nhiệt độ khoảng 2.000 độ C. Nước khi đó sẽ được làm sôi lên và sẽ theo ống dẫn lên, làm chạy máy phát điện. Hệ thống công nghệ này được gọi là Công nghệ HDR (Hot Dry Rock). Công nghệ này có khả năng giúp giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu nếu nó được triển khai rộng rãi.

Thực tế cho thấy, nhà máy điện địa nhiệt có thể hoạt động liên tục suốt ngày đêm, không phụ thuộc vào yếu tố khí hậu như năng lượng mặt trời, gió hoặc sóng biển… Nguồn năng lượng địa nhiệt trong lòng đất vô cùng vô tận, bảo đảm cho nhà máy điện địa nhiệt hoạt động bền vững, lâu dài. Đồng thời, xây dựng nhà máy điện địa nhiệt cũng tốn rất ít diện tích. Các nhà máy điện địa nhiệt không đốt bất cứ một loại nhiên liệu nào nên sạch cho môi trường hơn mọi nhà máy điện khác.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn năng lượng này lại gặp khó khăn lớn là đòi hỏi phải có những công nghệ hiện đại cùng với nguồn vốn đầu tư lớn, ước tính có thể lên tới 2,5 triệu Euro cho 1MW công suất theo thiết kế, chi phí vận hành chiếm khoảng 0.04-0.10€/1kWh. Kỹ thuật xử lý địa chất cũng rất phức tạp vì phải tìm kiếm đúng vùng địa nhiệt có nhiệt độ cao thì việc khai thác địa nhiệt mới hiệu quả.

Triển vọng khai thác và sử dụng điện địa nhiệt ở Việt Nam

Dù phải đứng trước những thách thức về kinh tế, kỹ thuật như trên, các nhà khoa học về năng lượng địa nhiệt vẫn có những dự báo lạc quan rằng khai thác địa nhiệt đã và sẽ được vượt qua khó khăn ban đầu để năng lượng địa nhiệt sẽ thực sự có vị trí quan trọng trong các nguồn năng lượng của tương lai.

Ở Việt Nam, theo khảo sát và đánh giá của các nhà khoa học, hiện có khoảng 264 nguồn, suối nước nóng phân bố tương đối đều trên cả nước: như suối nước nóng Kim Bôi-Hòa Bình, Thạch Bích-Quảng Ngãi, Bình Châu-Bà Rịa-Vũng Tàu,….với nhiệt độ trung bình từ 70-100oC ở độ sâu 3km. Ông Tạ Hường, Phó chủ tịch hội nhiệt Việt Nam cũng nhận định, nước ta được đánh giá là có tiềm năng địa nhiệt trung bình so với thế giới. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng này ở nước ta còn có ưu điểm là phân bố đều trên khắp lãnh thổ cả nước nên cho phép sử dụng rộng rãi ở hầu hết các địa phương như Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị…

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Đakrông – Quảng Trị. Nhà máy dự kiến có công suất 25MW với vốn đầu tư khoảng 50 triệu đô la Mỹ. Việc xây dựng nhà máy điện địa nhiệt tại huyện Đakrông sẽ tận dụng được nguồn tiềm năng thiên nhiên từ khu mỏ nước nóng tại đây và còn có thêm một ý nghĩa nữa, đó là góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc Vân Kiều đang sinh sống tại địa bàn. Trong quá trình hoạt động, Nhà máy Điện địa nhiệt còn giúp cải thiện môi trường xung quanh và có thể tận dụng để phát triển du lịch.

Quyết định này được xem là động thái đầu tiên của Chính phủ nhằm đánh thức tiềm năng lớn về nguồn năng lượng sạch của nước ta; đồng thời mở ra triển vọng khai thác và ứng dụng nguồn năng lượng hữu ích này rộng rãi vào đời sống kinh tế xã hội của đất nước, vừa giải quyết được bài toán kinh tế vừa thân thiện với môi trường.

(Nguồn vinacomin.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin