Ký hợp đồng EPC dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình

Tháng Một 21 08:00 2014

Chiều ngày 26/12/2013 tại Hà Nội, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng gói thầu số 11 – nhà máy chính của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình, theo hình thức EPC (thiết kế – cung cấp vật tư thiết bị – xây dựng lắp đặt) với nhà thầu là tập đoàn Marubeni Coporation (Nhật Bản).

Ky hop dong EPC du an xay dung nha may nhiet dien Thai Binh_01

Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình do EVN làm chủ đầu tư, có quy mô công suất 600 MW gồm hai tổ máy 300MW, nằm trong Trung tâm điện lực Thái Bình. Trung tâm điện lực Thái Bình bao gồm hai nhà máy nhiệt điện, với tổng quy mô công suất 1.800 MW, tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Tổng mức đầu tư của dự án nhiệt điện Thái Bình là 26,5 nghìn tỷ VND, trong đó vốn vay ODA của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 85%, 15% còn lại là vốn đối ứng của EVN. Giá trị hợp đồng EPC được ký kết là 819,6 triệu USD và 20 tỷ Yên Nhật.

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn, là loại công nghệ đã được áp dụng nhiều trên thế giới. Nhà máy được áp dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Quá trình phát hành hồ sơ, công tác đánh giá thầu và thương thảo hợp đồng đã được các đơn vị của EVN và tư vấn tiến hành một cách chặt chẽ, đúng trình tự, thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và các Quy định của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Nhà thầu được lựa chọn là Tập đoàn Marubeni Corporation, là nhà thầu có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các dự án nhà máy nhiệt điện đốt than.

Theo kế hoạch, sau khi hợp đồng EPC được ký kết, Nhà máy sẽ dự kiến khởi công vào Quý I/2014, tổ máy đầu tiên của Nhà máy sẽ được đưa vào vận hành sau 43 tháng lắp đặt, xây dựng (dự kiến quý IV/2017), tổ máy thứ hai dự kiến cuối quý II/2018.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy hàng năm sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 3,276 tỷ kWh, góp phần cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực đồng bằng sông Hồng, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện….

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Phạm Mạnh Thắng – tổng cục trưởng tổng cục năng lượng (bộ công thương) cho biết, theo quyết định số 2414, về việc điều chỉnh danh mục một số dự án nguồn và lưới điện trong giai đoạn 2013 – 2020 và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách, vừa được chính phủ phê duyệt. Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, tổ máy 1 sẽ được vận hành năm 2017 và tổ máy 2 vận hành trong năm 2018, việc ký hợp đồng EPC ngày hôm nay là mốc quan trọng của dự án.

Hợp đồng EPC dự án được thực thực hiện bởi nhà thầu Marubeni là nhà thầu có nhiều kinh nghiệm trong phát triển dự án nhiệt điện, đồng thời các nhà thầu phụ của Việt Nam tham gia một số hạng mục phụ trợ, nhằm phát huy nội lực trong nước. Đây là hợp đồng thể hiện sự hợp tác, chia sẻ hỗ trợ hiệu quả giữa tổng thầu, chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong nước.

Để dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình đưa vào vận hành đúng tiến độ, bộ công thương đề nghị tập đoàn điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, sớm đưa hợp đồng có hiệu lực và khởi công dự án, thực hiện quản lý đầu tư dự án đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Bên cạnh đó, bộ công thương đề nghị ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tạo điều kiện giúp đỡ đảm bảo an ninh khu vực để dự án được triển khai thuận lợi.

Tổng cục năng lượng thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với dự án sử dụng nguồn vốn ODA cam kết sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện tốt nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký kết.

(Nguồn: hiendaihoa.com)

Bình luận hay chia sẻ thông tin