Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thực tế ở Việt Nam và bài học từ Hàn Quốc

Tháng Hai 23 12:45 2016

Câu chuyện về phát triển ngành công nghiệp “xương sống” của Hàn Quốc là kinh nghiệm giúp Việt Nam trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ.

Việt Nam: Loay hoay gia công, bị động về nguyên liệu

Theo chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010, có xét đến năm 2020, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) – cho biết, tỷ lệ giá trị xuất khẩu cơ khí trên tổng giá trị ngành cơ khí trong năm 2014 đạt 32,12%, đã vượt chỉ tiêu chiến lược là 30%. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu ngành cơ khí năm 2014 là 26,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 15,23 tỷ USD!

Sở dĩ, tỷ trọng xuất nhập khẩu bị “vênh” là do ngành cơ khí chế tạo nước ta vẫn chỉ dừng ở mức làm gia công cho nước ngoài, chưa làm chủ được công nghệ và chưa có những sản phẩm mang thương hiệu riêng. Thậm chí, ngay cả với việc gia công thì nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng chưa có được hợp đồng ổn định. Với tình trạng hiện nay, một số DN hỗ trợ của Việt Nam còn phải “chiến đấu” với các nước trong khu vực, đặc biệt là một số quốc gia được gọi là “công xưởng” của thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ thì mới có được đơn hàng gia công. Vì vậy, theo thống kê, tỷ lệ nội địa hóa vẫn chỉ ở mức dưới 30%, thấp hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc 64%, Thái Lan 53%, Malaysia 42%..

Ông Nguyễn Khắc Thành – phó tổng giám đốc Công ty CP Lilama 18 – đơn vị chuyên gia công chế tạo kết cấu thép cẩu container duy nhất tại Việt Nam cho hãng Kocks Ardelt Kranbau – chia sẻ, thực tế năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất kém, vì đa phần là gia công. Thậm chí, khi các DN nước ngoài vào Việt Nam thuê gia công thì họ cũng thẩm định chán chê, rồi thương lượng về giá trên cơ sở lấy giá thành của Trung Quốc vốn rất rẻ để ép giá DN Việt…

Cong-nghiep-ho-tro

Chỉ tính riêng ngành công nghiệp cơ khí, trong khi chúng ta có nhiều nguyên liệu nguồn như quặng sắt, đồng, chì, kẽm… nhưng cả nước hiện chỉ duy nhất Công ty gang thép Thái Nguyên là sản xuất ra thép thành phẩm từ quặng sắt, so với nhu cầu vẫn chỉ là muối bỏ bể. Trong ngành công nghiệp đóng tàu, để chế tạo ra một con tàu mà Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang đóng mới thì có tới hơn 80% nguyên vật liệu tàu vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Việc nhập siêu các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước thời gian qua cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được chú trọng đầu tư và còn quá non yếu. Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, muốn hạn chế nhập siêu thì không có cách nào khác là phải phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất trong nước.

Hàn Quốc: Đầu tư cho ngành công nghiệp chiến lược

Giáo sư Johng IhI Lee –trường Đại học SUNY Korea (Hàn Quốc) – cho hay: Những năm 50 của thế kỷ trước, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đất nước bị tàn phá vì trải qua chiến tranh. Thế nhưng, từ những thập niên 70-80, khi chính phủ đưa ra những quyết sách được coi là “xương sống” cho sự phát triển. Giáo sư Lee cho biết, “từ khóa” để phát triển của giai đoạn này đó chính là “công nghiệp”. Chính phủ Hàn Quốc đã mạnh dạn đầu tư vào bốn ngành công nghiệp mũi nhọn: Đóng tàu, lọc hóa dầu, ôtô và bán dẫn. Bốn ngành mũi nhọn này đã đem lại cho Hàn Quốc kim ngạch xuất khẩu cực lớn. Năm 1971, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 1 tỷ USD, đến năm 1977, con số này đã tăng lên 100 tỷ USD. Và đến năm 2014, con số này đã tăng gấp hơn 500 lần, đạt 573 tỷ USD.

Sở dĩ giai đoạn này xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến của Hàn Quốc thành công là do nước này chủ định giảm giá đồng won, bảo hộ thị trường trong nước, quản lý chặt chẽ ngoại hối, do đó sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc dù không tốt bằng Nhật Bản nhưng rẻ hơn nhiều nên có thể vào thị trường châu Âu và Mỹ. Kết quả của thời kỳ này là Hàn Quốc đã hình thành các ngành công nghiệp nặng khá phát triển dựa trên các tập đoàn kinh tế lớn.

Từ câu chuyện của Hàn Quốc, giáo sư Lee đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu: Thứ nhất, chính sách phát triển công nghiệp của Hàn Quốc dựa trên sự phân tích sâu sắc những đặc điểm từng thời kỳ của kinh tế thế giới, Hàn Quốc đã xây dựng nền công nghiệp nặng hướng về xuất khẩu từ rất sớm. Ngay từ thời kỳ các nước đang phát triển, tập trung vào chiến lược công nghiệp hóa thay thế hàng nhập khẩu, Hàn Quốc đã sáng suốt lựa chọn chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu.

Thứ hai, chính sách phát triển công nghiệp được ưu tiên tuyệt đối so với chính sách phát triển nông nghiệp, chính sách xã hội, do đó đã tập trung được nguồn vốn quý báu đẩy công nghiệp phát triển với tốc độ cao trong nhiều năm.

Như vậy, những chính sách của chính phủ trong từng giai đoạn rất quan trọng, có tính quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế, mặc dù không có tài nguyên, không có công nghệ, không có vốn, chỉ có lao động rẻ, được đào tạo và một chính sách điều hành linh hoạt, có hiệu lực, Hàn Quốc đã tận dụng được cơ hội, biến nó thành sức mạnh để công nghiệp hóa nhanh.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển công nghiệp nặng hướng đến xuất khẩu, Hàn Quốc đã định rõ các ngành chiến lược và đổ nguồn vốn ưu đãi vào đây khá lớn, đồng thời thi hành chính sách bảo hộ cho các DN trong các ngành chiến lược. Với sự hỗ trợ rất lớn của chính phủ, các cơ sở công nghiệp luyện kim, chế tạo ôtô, sản xuất xăng dầu của Hàn Quốc đã hình thành, có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nhiều nước.

(Nguồn: www.cokhivietnam.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin