Phát triển năng lượng tái tạo: cần sự hỗ trợ từ Chính phủ

Tháng Hai 22 08:00 2014

Phóng viên báo điện tử renewableenergy.org.vn vừa qua đã có buổi phỏng vấn ông Werner Kossmann – cố vấn phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Bài viết như sau:

Thưa ông Werner, là một tổ chức tư vấn cho Bộ Công thương về phát triển năng lượng tái tạo, ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

Theo đánh giá của tôi, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, không thua kém so với các quốc gia khác trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Malaysia. Bởi vì, Việt Nam có bờ biển dài, nhiều gió. Đây chính là một nguồn năng lượng tái tạo lớn và rất quan trọng. Thêm nữa, Việt Nam là một nước nông nghiệp, quá trình sản xuất sẽ tạo ra nhiều phế phẩm từ nông nghiệp. Những phế phẩm đó có nhiều cách để tái chế và biến thành nguồn năng lượng sinh khối, nhiên liệu sinh học và sản xuất ra điện. Một tiềm năng nữa để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam là năng lượng mặt trời, rất dồi dào ở miền Trung và miền Nam.

Phat trien nang luong tai tao can su ho tro cua chinh phu_01

Ông Werner Kossmann

Theo ông, rào cản nào khiến tiềm năng đó khó phát triển trên thực tế?

Theo tôi, giá mua điện thấp là rào cản lớn nhất làm cho nhiều dự án điện tái tạo không triển khai được, mặc dù chính phủ đã có cơ chế hỗ trợ. Đây là ngành kỹ thuật mới, khi nhảy vào lĩnh vực này, nhà đầu tư gặp rất nhiều rủi ro nếu không có mức giá mua ổn định và đủ sức hấp dẫn. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của chính phủ trong giai đoạn ban đầu.

Nhưng, chính phủ Việt Nam tương đối chậm trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ giá này. Nhìn sang khu vực, các nước như Thái Lan, Malaysia đã làm từ rất lâu rồi. Cũng thấy ngay được kết quả, nếu có một cơ chế đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư thì sẽ có một thị trường năng lượng tái tạo phát triển mạnh.

Tuy nhiên, dù trễ thì chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện thông qua dự án hỗ trợ của GIZ. Cơ chế cho điện gió đã được đưa ra cách đây hai năm. Hiện tại, GIZ đang hỗ trợ chính phủ xây dựng cơ chế cho năng lượng tái tạo từ nhiên liệu sinh khối và từ rác thải. Dự thảo đã được Bộ Công thương giới thiệu và kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến. Dự kiến, cuối năm nay sẽ có cơ chế hỗ trợ mới cho năng lượng tái tạo từ nhiên liệu sinh khối.

Ngoài hỗ trợ về giá, sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng không thể thiếu và phải được tiến hành cùng lúc. Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn bị một nguồn nhân lực đủ tốt, có đủ năng lực. Có thể, trong giai đoạn đầu phải nhập khẩu công nghệ từ bên ngoài nhưng Việt Nam sẽ phát triển được công nghệ riêng của mình, đưa ra được điều kiện tốt để khuyến khích phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Phat trien nang luong tai tao can su ho tro cua chinh phu_02

Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

Riêng về cơ chế hỗ trợ cho dự án điện gió, chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ – TTG, nhưng đến nay, vẫn không có nhiều dự án loại này được triển khai. Vấn đề nằm ở đâu?

Hiện nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có điều kiện gió tốt, nhưng thực tế với nhiều dự án sau khi khảo sát điều kiện gió cũng không như kỳ vọng ban đầu. Về yếu tố kỹ thuật, với mức giá 7,8 cent/kW thì nhà đầu tư sẽ phải cân đối giữa công nghệ cao và công nghệ thấp. Nếu đầu tư công nghệ cao sẽ không đem lại lợi nhuận. Chọn công nghệ thấp sẽ có lợi nhuận, nhưng chi phí vận hành và bảo trì sẽ rất cao. Như vậy, về lâu dài thì mức giá này cũng không hấp dẫn nhà đầu tư, trong cả hai phương án công nghệ nói trên.

Trên thị trường mới có hai dự án điện gió triển khai được, nhưng so với 50 – 60 nhà đầu tư đăng ký và đang đợi điều kiện tốt hơn để tiến hành đầu tư vào lĩnh vực này thì còn rất khiêm tốn. Tôi nghĩ, chính phủ cần cân nhắc tới câu hỏi: Tại sao các nhà đầu tư lại không triển khai dự án năng lượng gió vào thời điểm này, theo cơ chế hỗ trợ hiện hành? Việc chính phủ xem xét lại cơ chế hỗ trợ để thực sự hấp dẫn nhà đầu tư là điều rất quan trọng.

GIZ đã thực hiện chương trình tư vấn phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam nhiều năm nay. Ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới?

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi và còn nhiều việc phải làm. Đầu tiên là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Nhưng cùng thời gian đó cũng phải bảo vệ môi trường sống. Bởi vì, trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhanh nhưng người dân lại chịu nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường.

Việt Nam đã có chiến lược phát triển xanh, cho thấy chính phủ đã nghiêm túc trong việc bảo vệ môi trường trong tương lai. Nhưng Việt Nam cũng cần nhiều điện cho phát triển kinh tế. Nhu cầu điện có thể tăng gấp ba lần trong tương lai và đây là một thách thức lớn. Tôi cho rằng, năng lượng tái tạo sẽ có đóng góp lớn hơn vào nguồn cung cấp điện trong thời gian tới. Các chính sách của chính phủ sẽ khuyến khích nhà đầu tư phát triển lĩnh vực này nhiều hơn.

Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: renewableenergy.org.vn)

 

Bình luận hay chia sẻ thông tin