Chính phủ phê duyệt chiến lược năng lượng tái tạo

Tháng Mười Hai 24 12:45 2015

Thủ tướng chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2020, hầu hết số hộ dân có điện; đến năm 2030, hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý.

Chiến lược phát triển năng lượng yêu cầu phát triển nguồn thủy điện truyền thống góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương; cung cấp nguồn điện tại chỗ, nâng cao an toàn cung cấp điện; phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn thủy điện vừa và nhỏ của các địa phương, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động đến môi trường.

Chinh-phu-phe-duyet-chien-luoc-nang-luong-tai-taoViệt Nam có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo

Giai đoạn đến năm 2030, phải ưu tiên phát triển nguồn điện gió trên đất liền. Sau năm 2030, nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, trên thềm lục địa. Bên cạnh đó, phải phát triển điện mặt trời để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, chưa thể cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia.

Ngoài ra, chiến lược phát triển năng lượng cũng đặt ra định mức tiêu chuẩn sản xuất điện trong các giai đoạn.

Theo đó, lượng điện năng được sản xuất từ năng lượng mặt trời sẽ tăng từ khoảng 10 triệu kWh (2015) lên 1,4 tỷ kWh (2020), đạt 35,4 tỷ kWh (2030) và 210 tỷ kWh (2050). Với mục tiêu sản lượng như vậy, sản lượng điện sản xuất sẽ đạt gần 0,5% vào năm 2020; 6% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050.

Theo chuyên gia năng lượng, giám đốc Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phát biểu tại hội thảo “Năng lượng gió tại Việt Nam – Cơ hội mới với giá điện FiT mới” hôm 23/11, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo phân bổ rộng rãi trên khắp cả nước.

Ông Peter Cattelaens nhận định, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong ngành năng lượng khi hơn 96% hộ dân được nối lưới điện. Tuy nhiên, phần lớn điện năng vẫn được sản xuất từ các loại năng lượng không tái tạo như than đá, dầu mỏ… và điều này cần phải được thay đổi trong tương lai.

Vị chuyên gia người Đức đánh giá, bên cạnh rất nhiều chính sách hỗ trợ đi kèm như miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi về đất đai và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, việc Chính phủ Việt Nam đang xem xét tăng bảng giá điện trong thời gian tới (hiện nay là 7,8 cent, tương đương 1,800 đồng) chính là một động thái thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu có một lộ trình đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia xuất khẩu năng lượng trong tương lai.

Theo ông Phạm Trọng Thực, vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng lắng nghe và hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có đủ trình độ công nghệ, năng lực sản xuất đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

(Nguồn: baodatviet.vn – Cúc Phương)

Bình luận hay chia sẻ thông tin