Thách thức về nguồn năng lượng cho đô thị Việt

Tháng Mười Hai 24 08:00 2013

Sự gia tăng về dân số khiến việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trở thành một thách thức lớn, cần có giải pháp an toàn và bền vững.

Hơn 300 chuyên gia năng lượng, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, tham gia hội nghị và triển lãm về năng lượng Châu Á Ascope vừa diễn ra tại TP HCM. Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh dân số và kinh tế đô thị ngày một tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng cho 90 triệu người dân Việt Nam là một thách thức thực sự, đặc biệt là tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Thach thuc ve nguon nang luong_01

Ảnh minh họa

Tình trạng này cũng chung trên thế giới. Cứ mỗi ngày trôi qua, dân số thế giới lại tăng thêm khoảng 200.000 người, và dự kiến sẽ đạt 9 tỷ vào năm 2050. Ở khu vực Đông Nam Á, dân số đô thị đã tăng gần gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Khoảng 44% số dân đang sinh sống tại khu vực đô thị và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 2/3 cho đến năm 2050.

Trong vài thập kỷ tới, hàng chục triệu người sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế, phương tiện giao thông công cộng và nguồn năng lượng điện ổn định. Hàng triệu người bắt đầu chuyển sang sử dụng xe hơi, các sản phẩm gia dụng như tivi, tủ lạnh. Các xu hướng này sẽ làm gia tăng áp lực đáp ứng nhu cầu sản xuất điện đối với nhà hoạch định chính sách. Dự đoán đến năm 2020, mức tiêu thụ điện thế giới sẽ tăng khoảng 25-35% so với năm 2012.

Theo các chuyên gia, để giải quyết thách thức về năng lượng tại khu vực Đông Nam Á, cần phải ưu tiên giải quyết các vấn đề ô nhiễm ở khu vực đô thị. Nhiều quốc gia đã lập kế hoạch xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, trong đó giới hạn sử dụng than đốt và giải quyết vấn đề khí thải của phương tiện giao thông. Việc đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong toàn khu vực sẽ là bước đi quan trọng và đúng hướng.

Các chuyên gia hướng nhiều về khí thiên nhiên như một giải pháp an toàn và bền vững cho nguồn năng lượng tương lai của châu Á. Theo cơ quan năng lượng Quốc tế IEA, nguồn tài nguyên khí thiên nhiên này sẽ đủ để sử dụng trong hơn 250 năm nữa, với mức tiêu thụ như hiện tại.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính phủ các nước trong khu vực cần có chính sách ưu tiên hàng đầu sử dụng khí thiên nhiên do trữ lượng dồi dào, an toàn hơn cho môi trường và sức khỏe, chi phí thấp thay cho các nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm cao.

“Cần ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các khu vực đô thị, đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng không khí, loại bỏ các trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”, ông Van Bergen, Tổng giám đốc phát triển thị trường khí và khí thiên nhiên hóa lỏng của tập đoàn Royal Dutch Shell nói.

(Nguồn: vnexpress.net)

Bình luận hay chia sẻ thông tin