Triton – thiết bị mới giúp thu thập hiệu quả năng lượng sóng biển

Tháng Tư 20 07:30 2016

Sóng được tạo nên bởi gió thổi trên bề mặt của đại dương. Những con sóng có thể thay đổi kích thước, có khi đạt đến chiều cao của một tòa nhà 10 tầng. Sóng giữ rất nhiều năng lượng bên trong nó và ngày nay các nhà khoa học đang tìm cách khai thác năng lượng sóng biển để tạo ra điện.

Năng lượng sóng là năng lượng tái tạo có nguồn gốc từ sóng biển. Nó là động năng của gió tương tác với nước và tạo ra sóng. Năng lượng sóng có thể làm được nhiều việc hữu ích như phát điện, khử muối trong nước và bơm nước vào các hồ chứa… Hầu hết năng lượng được sinh ra bởi trạng thái lên xuống của sóng nước và truyền vào những vật tiếp xúc trực tiếp với những con sóng.

Thiet-bi-moi-giup-thu-thap-nang-luong-song-hieu-quaBản vẽ mô phỏng của thiết bị Triton khi nó đang hoạt động trên biển

Năng lượng sóng là chủ đề được nhắc đến trong suốt thập kỷ qua. Nhiều công nghệ về năng lượng sóng đã đưa ra trong nhiều năm qua, nhưng phần lớn đều thất bại, bởi chúng ta chưa đánh giá đúng tiềm năng của nguồn năng lượng sóng. Điều này cũng khiến nhiều nhà đầu tư rút lui ra khỏi lĩnh vực này.

Hiện nay, chúng ta đã có thể khai thác hiệu quả hơn lượng năng lượng khổng lồ của đại dương bằng một thiết bị có tên là Triton. Các nhà khoa học tính toán rằng có thể sử dụng thiết bị này trên một khu vực có kích thước lên đến 1.385.999.652,41km3 nước biển. Vì thế, năng lượng biển dưới dạng sóng có thể thu thập được sẽ lớn đến mức khó tưởng tượng. Triton mang đến tham vọng cung cấp thêm lượng điện năng hiện nay mà loài người đang sử dụng tăng lên gấp ba lần.

Thiết bị này là kết quả của công trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm của Oscilla Power, một công ty chuyên về năng lượng tái tạo có trụ sở đặt tại Mỹ.

Máy Triton có các chi tiết kỹ thuật như sau: Một bệ máy nổi được trên mặt nước, trên bệ máy lắp nhiều máy phát điện – bộ phận chính của Triton. Những máy phát điện này sẽ được làm từ một loại hợp kim đặc biệt và được nối với một đĩa kim loại nặng đặt dưới mặt nước. Bình thường, đĩa kim loại này sẽ đứng yên, nhưng khi có sóng, đĩa sẽ chuyển động, tạo ra sức căng. Sau đó, các máy phát điện sẽ biến sức căng này thành điện năng.

Đặc điểm khiến Triton khác biệt hoàn toàn so với các công nghệ hiện nay là nó có độ bền đáng kinh ngạc. Loại máy này hầu như không có bộ phận chuyển động nào. Điều này cũng làm cho người sử dụng không mất nhiều thời gian và chi phí bảo dưỡng cho Triton.

Nhóm nghiên cứu cho biết mỗi Triton có thể sản xuất 600kW điện. Khi sử dụng dưới quy mô lớn thì lượng điện năng khai thác được sẽ rất cao.

(Nguồn: khoahoc.tv)

Bình luận hay chia sẻ thông tin