DCM – Bước phát triển mới của ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam

Tháng Mười Hai 28 13:30 2014

Với việc ứng dụng chip vi điều khiển SG8V1 vào sản xuất thiết bị thu thập dữ liệu từ xa (DCM), ICDREC tiếp tục khẳng định vị thế Trung tâm hàng đầu của cả nước về nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch điện tử và đưa ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam vươn lên một tầm thế mới.

ICDREC và những con chip lịch sử
Được thành lập vào năm 2005, sau gần 10 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) được xem là trung tâm hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và đào tạo vi mạch cũng như phát triển các sản phẩm ứng dụng trên nền tảng vi mạch do chính trung tâm nghiên cứu, thiết kế.

Trong định hướng phát triển, ngoài nhiệm vụ chính là nghiên cứu, thiết kế và đào tạo trong lĩnh vực vi mạch điện tử, ICDREC đặc biệt chú trọng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm ứng dụng đủ khả năng cạnh tranh và thương mại hóa trên thị trường, hợp tác đầu tư với nhiều đối tác trong và ngoài nước, từng bước nắm bắt, làm chủ công nghệ và nội địa hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, giao thông vận tải, điện lực, hải quan, giáo dục đào tạo.

Nhắc đến thành công của ICDREC, đầu tiên tính đến việc thiết kế thành công chip vi xử lý 8 bit Sigma K3 vào đầu năm 2008, với những ứng dụng cho thiết bị điều khiển từ xa, các loại biển quang báo, màn hình trắng đen của các thiết bị định vị GPS

Print

Mẫu chip ICDREC

Dù rằng không được thương mại hóa nhưng SigmaK3 được coi là sản phẩm đặt nền móng và mở ra một hướng đi mới cho ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam. Với sự ra đời của chip SigmaK3, Việt Nam đã được ghi tên vào bản đồ ngành công nghiệp chip thế giới.

Tiếp nối thành công trên, ICDREC tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng thành công chip vi xử lý 32 bit VN 1632, dựa hoàn toàn trên bản thiết kế của Việt Nam để thương mại hóa sản phẩm.

Chưa dừng tại đó, ICDREC nhận thấy, đã có được nền tảng giờ đến lúc đặt ra mục tiêu xa hơn, xây dựng các sản phẩm chip đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chip SG8V1 – chi vi điều khiển thương mại đầu tiên của Việt Nam được ra đời chính thức cung cấp trên thị trường từ đó.

SG8V1 có thể sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện, điện tử với tính năng kỹ thuật, hiệu năng bằng hoặc cao hơn và giá thành chỉ bằng ½ Chip nhập ngoại cùng loại. Mặt khác, SG8V1 là chip đa dụng, hỗ trợ bộ nhớ chương trình và bộ nhớ dữ liệu lớn, tốc độ xử lý nhanh, tập lệnh dễ sử dụng và các ngoại vi cần thiết đều được tích hợp sẵn trên chip nên khả năng ứng dụng và tùy biến cao, không giới hạn ở bất kỳ lĩnh vực nào. Đặc biệt, nó có khả năng tùy biến và tích hợp các công nghệ bảo mật phục vụ an ninh quốc phòng, bảo mật thông tin quốc gia…

Thiết bị thu thập dữ liệu từ xa
Thiết bị thu thập dữ liệu từ xa (DCM – Data Concentration Modem) được sử dụng trong các ứng dụng thu thập dữ liệu từ xa nói chung, dữ liệu được thu thập qua giao tiếp RS232/RS485 và truyền về trung tâm qua GSM/GPRS.

DCM sử dụng chip vi điều khiển SG8V1 và được sử dụng trong hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu điện kế với nhiều tính năng nổi bật: giao tiếp được với nhiều chủng loại điện kế của 4 hãng: Elster, Genius, Landis & Gyr, Shenzhen, dữ liệu được bảo mật theo tiêu chuẩn AES-128, khả năng cập nhập firmware từ xa.

DCM có Port I/O mở rộng cho phép kết nối với các cảm biến ngoài (Input) và gửi dữ liệu điều khiển, cảnh báo từ trung tâm xuống thiết bị ngoài giao tiếp qua cổng I/O này (Output); có khả năng mã hóa dữ liệu (Base-64/AES-128) khi truyền nhận dữ liệu với trung tâm, đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin.

Print

Mẫu thiết bị GSM

Không những vậy, DCM còn có thể cảnh báo khi mất điện hoàn toàn; mất điện 1 pha bất kỳ; mất kết nối với điện kế; có Battery phục vụ cho backup dữ liệu và cảnh báo sự cố tức thời ngay cả khi mất nguồn điện; Có khả năng cập nhập firmware từ xa khi protocol thay đổi hay điện kế thay đổi, bổ sung loại điện kế mới…;

Ngoài ra, thiết bị này còn tự động phát hiện loại điện kế khi kết nối, tự động chuyển đổi giữa hai giao thức truyền dữ liệu RS232 và RS485 với nhau; hỗ trợ cáp giao tiếp cho các loại điện kế khác nhau (Elster, ShenZhen, Landis, Genius…).

Với các tính năng vượt trội nói trên, DCM đã vượt qua các đối thủ khác để thắng gói thầu cung cấp 3000 Modem cho EVN TPHCM với giá cho thuê dịch vụ 95.000VNĐ/ điểm đo/ tháng. Theo tính toán, chi phí trên giảm hơn 30% so với giá cũ do đó tính riêng TPHCM (dự kiến đến năm 2015 sẽ trang bị 40.000 điểm đo) trung bình mỗi năm sẽ tiết kiệm được cho ngân sách gần 25 tỷ đồng. Tính trung bình cả nước đến năm 2015 dự kiến trang bị 100.000 điểm đo, mỗi năm EVN Việt Nam sẽ tiết kiệm được cho ngân sách trên 50 tỷ đồng.

(Nguồn: tapchicongthuong.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: