[Hannover Messe 2020] Tối ưu hóa quy trình tái chế chất thải điện tử nhờ vào dự án IRVE

Tháng Mười Hai 05 07:00 2019

Hannover Messe 2020 – hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và máy móc công nghiệp, là sự kiện thường niên được tổ chức bởi Deutsche Messe AG (CHLB Đức) tại Hannover. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 24/04/2020. Để Quý vị có được những thông tin mới nhất, những xu thế và xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp và công nghệ trọng yếu hiện tại và trong tương lai, technologyMAG.net sẽ lần lượt có những tin bài, hình ảnh, video … về các chủ đề quan trọng nhất đã hiện diện tại sự kiện lớn nhất hành tinh này.

Một nhóm các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp đã nghiên cứu về giải pháp khiến quy trình tái chế trở nên hiệu quả hơn.

Từ trước đến nay, trong các quy trình tái chế, nhiều nguyên vật liệu có giá trị và một lượng lớn kim loại nồng độ thấp có trong chất thải điện tử đang bị loại bỏ một cách lãng phí. Để cải thiện tỷ lệ tái chế, Đại học Khoa học Ứng dụng Aschaffenburg và Viện nghiên cứu Fraunhofer về Chiến lược tái chế vật liệu và tài nguyên IWKS đã hợp tác với các đối tác công nghiệp Sesotec và Mairec trong dự án IRVE – Innovative Recycling Processes for Electrical Waste (Quy trình tái chế đổi mới cho chất thải điện tử). Dự án được triển khai nhằm nghiên cứu về hai quy trình tái chế mới để thu lại các thành phần chứa vật liệu có giá trị từ chất thải điện tử. Dự án tập trung vào các vấn đề chính gồm: hiệu quả nồng độ của các chất có giá trị, hiệu quả kinh tế và khả năng ứng dụng của hai quy trình đối với các dòng vật liệu nhất định.

Trong quy trình đầu tiên, các nhà nghiên cứu dùng thiết bị cảm biến và thuật toán tìm kiếm để dò tìm cũng như xác định những thành phần có giá trị và tách chúng ra (hoàn toàn khác với các quy trình nấu chảy và nghiền thông thường).

Đối với quy trình thứ hai, chất thải điện tử được xử lý bằng phương pháp phân mảnh thủy điện. Cụ thể, các tia lửa điện phóng ra sẽ tạo thành sóng xung kích và được truyền đến vật liệu. Những cú sốc cơ học ngắn nhưng có năng lượng lớn này sẽ nhắm vào các điểm yếu trong vật liệu, cụ thể là các điểm kết nối vĩ mô như mối hàn, kẹp, dán, vặn vít,…Các thành phần sau đó sẽ được tách thành từng phần riêng lẻ.

Hiện nay, dự án này đã được áp dụng trực tiếp vào một số nhà máy công nghiệp để tối ưu hóa quy trình tái chế, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu có giá trị cho tương lai. 

Để xem các tin bài khác về Hannover Messe 2020, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Hannover Messe 2020/ www.hannovermesse.de/en)

Bình luận hay chia sẻ thông tin