Nên học Thái Lan nếu muốn cứu ngành công nghiệp ô tô

Tháng Một 18 13:30 2014

Chỉ còn năm năm nữa cho cuộc hành trình xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, vì thế, nếu không chịu thay đổi, Việt Nam rất khó để có ngành công nghiệp ô tô như mong muốn!

Theo lộ trình hội nhập, đến năm 2018, ngành ô tô Việt Nam phải mở toang cánh cửa bảo hộ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh sòng phẳng giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm năm tới.

Nen hoc Thai Lan neu muon cuu nganh Cong nghiep o to_01

Phải quyết liệt thay đổi nếu muốn cứu ngành công nghiệp ô tô

Các chuyên gia cho rằng, khi thuế suất dần hạ về mức 0% thì giá xe nhập khẩu sẽ giảm mạnh so với giá bán hiện nay. Để có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu, xe sản xuất và láp ráp trong nước buộc phải hạ giá thành sản phẩm. Muốn vậy, các DN sản xuất, lắp ráp phải có nguồn linh kiện nội địa trong nước đủ mạnh để đáp ứng. Nhưng trên thực tế, hiện nay, hầu hết linh kiện sản xuất phải nhập từ nước ngoài với giá khá cao.

Việt Nam đã xây dựng ngành công nghiệp ô tô gần 20 năm nay, và hiện có 18 doanh nghiệp FDI, 38 doanh nghiêp trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp với công suất 460.000 xe/năm. Nhưng điều đáng nói là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ dừng lại ở các công đoạn đơn giản như hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt ở mức 7-10%. Chỉ có một vài doanh nghiệp đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% ở một số dòng xe.

Theo ông Jesus Metelo Arias, chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển ngành công nghiệp ô tô là do chính sách thay đổi quá nhanh và quá nhiều trong khi thị trường chưa đủ lớn, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

Việt Nam một mặt muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng mặt khác lại đưa ra hàng loạt các chính sách để hạn chế sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân làm hạn chế thị trường. Để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư, các nhà sản xuất phải tính đến mức thời gian tối thiểu là năm năm trong khi đó, chính sách ở Việt Nam thay đổi xoành xoạch khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn, làm nản lòng các nhà đầu tư.

Trước thực tế của ngành sản xuất ô tô, ông Yoshihisa Maruta, tổng giám đốc công ty Toyota Việt Nam, cảnh báo rằng, nếu Việt Nam không có chính sách phù hợp trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 thì cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô sẽ không còn. Và nếu chính phủ không có chính sách đảm bảo khoảng cách về chi phí sản xuất giữa xe CKD (nhập linh kiện về lắp ráp) và CBU (nhập khẩu nguyên chiếc) thì rất khó để duy trì ngành công nghiệp ô tô.

Nen hoc Thai Lan neu muon cuu nganh Cong nghiep o to_02

Theo lý giải của ông Yoshihisa Maruta, năm 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN dỡ bỏ, giá xe nhập khẩu giảm sẽ giúp thị trường tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, phải đến sau năm 2025 trở đi mới là giai đoạn phổ cập hóa ô tô ở Việt Nam thì thị trường mới thật sự bùng nổ. Vì vậy, việc áp dụng những chính sách hỗ trợ ngành là cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông, Việt Nam nên học tập cách làm của Thái Lan, phát triển thị trường với dung lượng phù hợp trước khi mở cửa thị trường và tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô khi thị trường đã mở cửa.

Bài học mà ông Yoshihisa Maruta nhắc tới là trước khi mở cửa thị trường, Thái Lan đã xây dựng một ngành ô tô đủ mạnh, trong đó, rất chú trọng đến ngành công nghệ phụ trợ. Khi quyết định xây dựng ngành công nghiệp, chính phủ nước này đã khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sản xuất phụ tùng để tăng khả năng cạnh tranh về giá đồng thời với việc giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất.

Không chỉ vậy, Thái Lan còn đưa ra chính sách, lộ trình phát triển chắc chắn để các doanh nghiệp dựa vào đó mà lên kế hoạch sản xuất. Đến nay, sau 53 năm xây dựng và phát triển, Thái Lan đã đạt sản lượng 2,8 triệu xe, xuất khẩu khoảng 1 triệu chiếc và lọt vào Top 10 nước xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới.

Riêng về phụ tùng, mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm này đạt đến 5 tỷ USD, hơn tất cả những nước ASEAN cộng lại. Hiện ngành công nghiệp ô tô đã đóng góp đến 12% GDP cho nước này.

Theo ông Jesus Metelo Arias, để cứu ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ và chính sách thuế thấp hoặc bằng các nước trong khu vực. Hiện nay, chi phí sản xuất của Việt Nam cao hơn các nước khoảng 20% mà nguyên nhân chủ yếu là thuế cao (thuế nhập khẩu linh kiện, thuế thu nhập doanh nghiệp…).

Quan trọng hơn, các cơ quan của Việt Nam cần xây dựng chính sách ổn định va đảm bảo cho thị trường đồng thời với việc xây dựng các nhà cung ứng có thể tham gia vao chuỗi cung ứng toàn cầu. Có như vậy, sản xuất trong nước mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và ngành công nghiệp ô tô mới phát triển.

(Nguồn: cokhivietnam.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin