Vài giải pháp giúp tiết kiệm nhiên liệu khi lái xe

Tháng Mười Một 13 10:00 2013

Giá nhiên liệu đang ngày một leo thang, đó là một vấn đề gây đau đầu cho tất cả những ai đang sở hữu một chiếc xế hộp trong tay. Ngoài việc chọn mua những dòng xe ít tốn nhiên liệu, thân thiện với môi trường thì khi sử dụng một chiếc ô tô, có lẽ đa phần người sử dụng không biết những thói quen hằng ngày như tăng tốc đột ngột hay thường xuyên sử dụng phanh đều ảnh hưởng đến việc tiêu tốn nhiên liệu. techMAG xin “mách” một số mẹo nhỏ để bạn có thể tiết kiệm nhiên liệu hơn cho chiếc xế hộp của mình.

Bước 1: Kiểm tra xe

Hãy kiểm tra xe của mình trước khi lái, đôi lúc những điều sau đây sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiêu tốn nhiên liệu của xe. Bạn có thể kiểm tra các bước sau:

Lốp xe: một chiếc lốp xe xẹp sẽ làm tăng ma sát giữa bánh xe và mặt đường. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ xe và gián tiếp đến việc tiêu thụ nhiên liệu. Hãy luôn giữ lốp xe căng phồng.

Tránh chở quá nặng: Ai cũng biết rằng xe càng nhẹ thì việc tăng tốc càng nhanh và càng tiết kiệm nhiên liệu nhưng đôi lúc vì “tham lam” mà chúng ta bắt chiếc xế cưng “gồng gánh” nhiều vật không cần thiết có khối lượng nặng trong thùng xe/cốp xe… thì cũng ảnh hưởng đến hiệu ứng tải và tiết kiệm nhiên liệu.

Vai giai phap giup tiet kiem nhien lieu khi lai xe_01

Bạn nên bỏ khung chở hành lý trên ô tô

Nên bỏ khung chở hành lý: Bộ khung chở hành lý dù lớn hay nhỏ cũng là vật gây cản gió và khiến động cơ xe của bạn phải làm việc “vất vả” hơn. Nếu không thật sự cần thiết bạn hãy tháo dỡ các khung chở hành lý để tiết kiệm thêm nhiên liệu cho chiếc xế cưng của mình.

Sử dụng máy điều hòa hợp lý: Máy điều hòa là thiết bị tiêu tốn nhiên liệu rất lớn (khoảng 10%). Chính vì vậy mà khi chạy ở tốc độ thấp và thời tiết dễ chịu bạn nên tắt máy điều hòa và mở cửa sổ. Tuy nhiên khi chạy ở tốc độ cao (trên 60km/h) bạn nên sử dụng máy điều hòa và đóng kín cửa để tránh việc cản gió cho tốc độ xe. Lưu ý là không nên để động cơ ở trạng thái chờ, hãy tăng tốc khi mở máy và tắt máy khi bạn đến nơi.

Thường xuyên kiểm tra nắp xăng: Theo một nghiên cứu tại Mỹ, có đến 17% lượng xe lưu thông trên thị trường bị hư nắp xăng hoặc nắp xăng không kín. Hãy kiểm tra thường xuyên để tránh việc thất thoát xăng cũng như ô nhiễm môi trường.

Kiểm tra bộ lọc khí: Bộ lọc khí (air filter) là phần rất ít người lưu tâm đến nhưng lại rất quan trọng. Công việc của bộ lọc khí là lọc luồng khí sạch tiếp vào trong xi-lanh, trộn với xăng để tạo thành một hỗn hợp cháy nổ, phát sinh chuyển động của động cơ xe. Đối với mật độ không khí ô nhiễm ở nhiều thành phố lớn tại Việt Nam thì bộ lọc khí rất dễ bị nghẹt và sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của xe.

Vai giai phap giup tiet kiem nhien lieu khi lai xe_02

Bộ lọc khí ô tô

Bước 2: Lái xe hợp lý

Bạn có chắc rằng cách lái xe của mình đã đúng cách và tiết kiệm nhiên liệu chưa? Bạn hãy kiểm tra thông tin sau nhé.

Kiểm soát tốc độ khi tăng tốc: Hãy tăng tốc từ từ, càng đạp mạnh bàn đạp thì nhiên liệu càng tiêu tốn nhiều mà hiệu quả so với việc tăng tốc chậm cũng như nhau.

Ổn định hộp số: Bạn hãy cố gắng lái xe ở số cao nhất.

Chậm mà tiết kiệm: Có thể bạn không biết nhưng vận tốc chỉ chênh lệch 10km/h lại tiêu tốn hơn 7% nhiên liệu. Nếu bạn thường xuyên chạy xe ở tốc độ 60 – 70km/h hãy giảm xuống 10 con số để tiết kiệm thêm nhiên liệu bạn nhé.

Tránh đạp phanh liên tục: Một số người lái thường vô ý rà phanh khi lái. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ xe mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên xe. Nếu bạn có thói quen này thì nên bỏ để giúp xe hoạt động tốt hơn nhé.

Vai giai phap giup tiet kiem nhien lieu khi lai xe_03

Khi lái xe bạn nên tránh tình trạng đạp phanh liên tục

Thiết lập lộ trình: Lấy một lộ trình bạn thường xuyên di chuyển nhất như từ nhà – nơi làm việc và ngược lại. Hãy tìm ra ba lộ trình khác nhau cùng đến một đích, xem lộ trình nào ngắn nhất và ít đông xe nhất để vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm nhiên liệu.

Tiết kiệm nhiên liệu không chỉ là một khẩu hiệu đang được hô hào mỗi ngày trên toàn thế giới mà nó còn là một phương pháp hiệu quả để giữ túi tiền của bạn luôn căng phồng. Vậy, bạn còn chần chừ gì mà chưa áp dụng những mẹo nhỏ hữu dụng trên?

(Nguồn: sggp.org.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin