VNACCS- thông quan hàng hoá chỉ trong 1 giây

Tháng Năm 08 09:00 2014

Hệ thống thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tự động VNACCS/VCIS chính thức được bàn giao cho hải quan Việt Nam sáng ngày (25/4).

Trước đó, hệ thống này đã được tổng cục hải quan đưa vào thử nghiệm từ 15/11/2013 và áp dụng chính thức từ 1/4/2014 tại hải quan Hải Phòng và hải quan Hà Nội với mục đích tự động hóa, hiện đại hóa thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Hệ thống nằm trong Dự án viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản dành cho Việt Nam gồm hai phần: Triển khai thực hiện hải quan điện tử và một cửa quốc gia nhằm hiện đại hóa hải quan được thực hiện từ năm 2012 đến tháng 3/2014, có tổng kinh phí là 2,661 tỉ yên Nhật; dự án hợp tác kỹ thuật thực hiện hải quan điện tử tại Việt Nam có tổng kinh phí dự trù là 480 triệu yên.

VNACCS thong quan hang hoa chi trong 1 giay_01Ông Sakurai Hiroki

Nhân dịp này, ông Sakurai Hiroki – cố vấn trưởng, dự án hợp tác kỹ thuật về thực hiện hải quan điện tử Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh những lợi ích mà hệ thống này đem lại cho Việt Nam.

Theo đó, ông Sakurai Hiroki cho biết, hệ thống hiện đại này được xây dựng trên mô hình công nghệ của “Hệ thống thông quan tự động của Nhật Bản” (NACCS) và “Hệ thống hải quan thông minh” (CIS) và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Tuy vậy, khi áp dụng tại Việt Nam, có thông tin cho biết có sự ùn tắc cục bộ khi thông quan tại Hải quan Hải Phòng. Về thông tin này, ông Sakurai Hiroki cho biết: “Chúng tôi đã xuống tận nơi trao đổi trực tiếp với cán bộ hải quan và doanh nghiệp. Qua đó khẳng định, nguyên nhân ùn tắc thông quan chủ yếu là do nhân viên hải quan còn bỡ ngỡ, chưa quen thao tác”.

“Bản chất của hệ thống VNACCS là phản hồi rất nhanh và phản hồi hết sức chắc chắn, lúc đầu có thể người dùng chưa quen, nhưng đã quen thì có thể dễ dàng nhận thấy hệ thống này rất tiện lợi, có nhiều chức năng rất thực tế”- ông Sakurai Hiroki nói.

Theo ông Sakurai Hiroki, tại Nhật Bản, hệ thống này được đánh giá rất tốt trong quá trình vận hành. Với tốc độ xử lý nhanh, độ tin cậy lớn, hệ thống NACCS là yếu tố quan trọng giúp cho sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.

Chỉ trong một giây sau khi hồ sơ đến, hệ thống đã có thể trả lời. Nó có thể thực hiện 24/24h và 365 ngày trong năm.

Hiệu suất làm việc của NACCS ở Nhật Bản ổn định với tỷ lệ 99,98%. Ở Việt Nam, hệ thống VNACCS dù đã được hiệu chỉnh cho phù hợp với Việt Nam nhưng hiệu suất làm việc cũng ổn định đạt tỷ lệ xấp xỉ là 99,9%.

Ông Sakurai Hiroki nhận định, Việt Nam là nước có sức phát triển kinh tế khá nổi bật, số lượng hồ sơ mà cán bộ hải quan phải xử lý ngày càng tăng.

Kể từ khi gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Số đơn khai báo xuất nhập khẩu tăng lên đáng kể, từ 1,16 triệu năm 2002 lên 4,16 triệu năm 2010 khiến khối lượng công việc của cán bộ hải quan ngày càng nặng nề hơn.

Hệ thống VNACCS cũng được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh nhờ giảm chi phí và thời gian làm thủ tục thông quan cũng như giảm chi phí hành chính. Ngoài ra, hệ thống này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thương mại cho Việt Nam mà còn giúp tăng cường liên kết giữa Việt Nam với các nền kinh tế khác trên thế giới, thông qua cơ chế một cửa ASEAN.

Ông Sakurai Hiroki cho biết thêm, ở Nhật Bản, mỗi bộ, ngành có hệ thống xử lý điện tử để quản lý, cấp phép liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật đối với cả lô hàng xuất nhập khẩu và NACCS sẽ kết nối dễ dàng với những thông tin trên.

Ngoài ra, NACCS cũng giúp hải quan Nhật Bản kết nối khá rộng với hệ thống ngân hàng để kiểm tra việc thanh toán thuế của các doanh nghiệp.

Chính điều này giúp hệ thống hải quan Nhật Bản có thể xử lý các hồ sơ và thông quan trong vòng một giây.

VNACCS thong quan hang hoa chi trong 1 giay_02

Tất cả các chức năng này của NACCS đều được xây dựng cho VNACCS. Tuy nhiên, hiện nay VNACCS chưa có kết nối với hệ thống điện tử của các cơ quan ngành khác.

Đối với hệ thống một cửa ASEAN, VNACCS sẽ giúp nhanh chóng gửi hồ sơ giấy tờ ra nước ngoài cũng như là tiếp nhận giấy tờ hồ sơ của đối tác. Trong khu vực ASEAN áp dụng các mức thuế ưu đãi, khách hàng sẽ phải xuất trình xuất xứ của hàng hóa, VNACCS có chức năng có thể cung cấp chứng nhận siêu bảng điện tử, tiếp nhận từ nước ngoài về cũng như gửi từ Việt Nam ra nước ngoài.

Về kế hoạch hỗ trợ vận hành hệ thống VNACCS/VCIS trong thời gian tới, ông Sakurai Hiroki cho biết, khi hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống VNACCS/VCIS, Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ tổng cục hải quan Việt Nam thực hiện quản lý rủi ro trong kiểm tra hải quan và hợp tác với các bộ ngành khác trong việc xây dựng khung pháp lý để triển khai cơ chế một cửa quốc gia.

Kế hoạch này được kéo dài cho đến hết tháng 4/2015. Từ nay cho đến thời điểm đó, phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ hải quan Việt Nam trong vận hành hệ thống VNACCS/VCIS cho đến khi mọi người hoàn toàn quen với hệ thống này.

Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục phối hợp đào tạo cho cán bộ hải quan, nhân viên hải quan cũng như các doanh nghiệp. Phía Nhật Bản sẽ tiếp tục tìm hiểu xem Hệ thống VNACCS/VCIS có gì phù hợp và chưa phù hợp với tình hình của Việt Nam, trên cơ sở đó sẽ bổ sung, hiệu chỉnh.

Ông Sakurai Hiroki cũng khẳng định, việc chuyển giao kỹ thuật sẽ nhanh chóng được thực hiện để giúp Việt Nam có thể hoàn toàn tự vận hành, tối ưu hóa chương trình này trong thời gian tới.

Trên cơ sở “chiến lược phát triển hải quan tới năm 2020” được phê duyệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/3/2011, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2015, 60% số lượng khai báo xuất nhập khẩu sẽ được tiến hành thông qua hệ thống điện tử và 50% giấy phép liên quan đến xuất nhập khẩu được xử lý trên hệ thống một cửa quốc gia.

(Nguồn: vov.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: