Đưa robot hình rắn vào trong máy bay

Tháng Một 03 07:00 2018

Robot hình rắn có thể luồn sâu vào những vị trí mà con người không thể vào được để kiểm tra và vệ sinh máy móc.

Khi Hồng Kông lên kế hoạch xây dựng đường hầm nằm dưới mực nước biển 50 m vào năm 2012, các kỹ sư đã phải tính tới cách đảm bảo những mũi cắt của khiên đào hầm khổng lồ và các lưỡi dao đủ sắc để xẻ đá. Công nhân thường xuyên phải len vào khoảng trống giữa chiếc khiên đào có đường kính 17m và khối đá để kiểm tra bộ phận quan trọng này. Đây là nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm.

Các nhà sáng lập của OC Robotics, công ty chế tạo “robot tay rắn” ở Anh đã đề xuất thay thế hoàn toàn công nhân bằng con robot tiên tiến có khả năng luồn cánh tay cơ học dài 1,8 m vào vị trí cần kiểm tra và thực hiện nhiệm vụ.

Hiện nay, một con robot OC không chỉ kiểm tra khiên đào mà còn vệ sinh những bộ phận đó bằng vòi phun nước áp suất cao và đo độ sắc của lưỡi cắt bằng laze. “Cách này nhanh hơn, dễ dàng hơn và cũng an toàn hơn cho con người,” Andrew Graham, nhà đồng sáng lập OC Robotics, nói.

GE Aviation rất ấn tượng với sự linh hoạt và kỹ năng của con robot OC. Họ đã mua lại OC Robotics mùa hè năm ngoái. GE Aviation tin rằng loại robot “tay rắn” này sẽ giúp công nhân bảo trì động cơ phản lực làm được nhiều việc mà không cần tháo dỡ động cơ. Tháo dỡ động cơ không chỉ tốn thời gian mà còn khiến máy bay phải ngừng hoạt động nhiều ngày, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hãng hàng không.

Robot tay rắn của OC Robotics có thể kiểm tra được những khu vực mà con người khó đặt chân đến. Ảnh: OC Robotics.

Cỗ máy có thể vệ sinh và cắt các bề mặt ở nhiều vị trí như đường hầm hay nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: OC Robotics.

GE cũng có thể sử dụng robot này để kiểm tra các nhà máy điện, tàu hỏa hay thậm chí ứng dụng trong y tế. “Ứng dụng trong hàng không sẽ chỉ là điểm khởi đầu của công nghệ tuyệt vời này,” Lance Herrington, lãnh đạo ở GE Aviation Services, nói.

Graham bắt đầu quan tâm tới robot khi đang học thạc sỹ ngành kỹ thuật cơ khí. Trong luận án của mình, Graham thiết kế hệ thống điều khiển sơ khai cho con robot tay rắn. “Đây là dự án trông hay nhất trên bảng thông báo,” ông nói. “Tôi chưa bao giờ làm cái gì như vậy và nó thực sự rất tuyệt.” Đến nay, Graham đã có 11 bằng sáng chế liên quan đến robot tay rắn.

LaserSnake có một mũi cắt laze 5kw có thể cắt thép dày đến 3,8 cm. Ảnh: OC Robotics.

Năm 1997, Graham cùng người bạn đại học thành lập OC Robotics ở Bristol, Anh.

Dù không phải công ty đầu tiên thiết kế robot tay rắn, chỉ có OC Robotics mới làm được loại robot tự hỗ trợ. Phần lớn robot khác là những con rắn bò hoặc bơi, phụ thuộc vào mặt đất hay lực đẩy mới di chuyển được.

Robot tay rắn này “sống” trong một gara có hình ống điếu xì gà. Họ dùng một mô tơ nặng khoảng 4,5 kg để di chuyển những cánh tay có thể hoán đổi dài đến hơn 4 m.

Cỗ máy ngán ngại bất cứ loại công việc nào. Năm ngoái, Craig Wilson, giám đốc điều hành công ty, đã chỉ đạo một nhóm dùng LaserSnake, robot tay rắn tích hợp mũi cắt laze 5 kw, tháo dỡ thành công các bộ phận của một cơ sở xử lý nhiên liệu hạt nhân ở Anh. LaserSnake cắt một thùng thép không gỉ dày 3,8 cm, nặng 5 tấn thành nhiều mảnh, mỗi mảnh nặng hơn 18kg. Robot hoàn thành nhiệm vụ trong bốn tuần, trong khi cùng việc đó, công nhân phải tốn thời gian hàng năm và mỗi người còn phải mặc một bộ quần áo bảo hộ dùng một lần trị giá 2.500 đô la Mỹ. Nhóm đã được Cơ quan Giải trừ Năng lượng hạt nhân trao thưởng về sáng tạo và công nghệ.

GE Aviation hi vọng robot tay rắn sẽ giúp các đội bảo trì có thể làm được nhiều việc hơn với động cơ trong máy bay, hạn chế thời gian trễ. Ảnh: OC Robotics.

Để xem các tin bài khác về Tự động hóa , hãy nhấn vào đây

(Nguồn: Maggie Sieger/ GE Report)

Bình luận hay chia sẻ thông tin