Máy X-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng

Tháng Mười 03 15:00 2013

Chỉ cần ba đến năm giây có thể chụp được hình ảnh một bộ phận trong cơ thể người bệnh và khoảng 10 phút sau là có kết quả phục vụ chẩn đoán, điều trị kịp thời cho bất kỳ ai có nhu cầu; ngoài ra còn hạn chế khá lớn mức độ ô nhiễm môi trường so phương pháp chụp phim tráng bạc truyền thống. Ðó là những ưu điểm của máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng. Công trình đoạt giải nhì giải thưởng Vifotec năm 2012.

May xquang_01

Giám đốc Nguyễn Trường Giang (người thứ ba, hàng trên từ trái sang) nhận giải thưởng “Sản phẩm vàng năm 2012” của công ty thiết bị Việt Ba

Bây giờ đến hàng chục bệnh viện và cơ sở y tế lớn, nhỏ từ bắc tới nam như Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội, Bệnh viện gang thép Thái Nguyên, Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic – thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình… Không còn cảnh người bệnh chen chúc, chờ đợi lâu để chụp x-quang mà chỉ cần khoảng 20 phút sau đã có kết quả hình ảnh. Trong nhiều nỗ lực tìm biện pháp “giảm tải” tại các bệnh viện, có sự đóng góp của việc sử dụng máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng (FPD) sản xuất trong nước. Theo kỹ sư Nguyễn Trường Giang, giám đốc công ty thiết bị Việt Ba, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng” thì sử dụng loại thiết bị này đem đến nhiều tiện ích không những cho ngành y tế, cho người bệnh mà cho cả cộng đồng. Bởi dùng máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD, ngoài việc thao tác nhanh, trả kết quả sớm (từ ba đến năm giây chụp được một ảnh, sau 10 phút có kết quả), còn giảm 50% liều tia chụp cho người bệnh so với công nghệ tráng rửa phim truyền thống mà chất lượng hình ảnh vẫn tốt…

Từ thực tế trong khi các thiết bị như máy siêu âm, nội soi, CT scanner, cộng hưởng từ… đã tạo ra hình ảnh số, còn máy x-quang với phim tráng bạc là chưa được số hóa. Từ năm 2007, kỹ sư Nguyễn Trường Giang và nhóm cộng sự đã có cách nhìn nhận: Ngành công nghiệp chụp ảnh dân dụng với phim tráng bạc từng bước mất “chỗ đứng” trên thị trường, cho nên việc chuyển đổi từ chụp x-quang truyền thống sang chụp x-quang kỹ thuật số là xu hướng tất yếu trong các cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ta. Với mục tiêu đặt ra của đề tài là làm chủ được quy trình công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp và tích hợp máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD, trong đó trước mắt phấn đấu đạt 50% thiết bị nội địa; tạo được giá thành cạnh tranh so sản phẩm nhập khẩu. Theo hướng này, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo bộ giá đỡ đa năng cho cảm biến và bóng x-quang, bàn chụp x-quang di động phù hợp với bộ giá đỡ, hệ thống điều khiển bộ giá đỡ cảm biến đa năng với mức độ tự động hóa cao, phần mềm thu nhận, điều khiển, xử lý hình ảnh và giao tiếp DICOM, ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và tiếng Anh… Các thành phần nhập khẩu chỉ gồm bộ phận phát tia X và tấm cảm biến bản phẳng. Từ việc cải tiến, nâng cấp máy x-quang cũ, sau hơn bốn năm, công ty thiết bị Việt Ba đã thiết kế và chế tạo hoàn chỉnh máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD, với giá thành bằng 50% so thiết bị nhập khẩu. Cũng theo tính toán của kỹ sư Nguyễn Trường Giang và nhóm cộng sự, nếu sử dụng thiết bị này, vừa góp phần “giảm tải” cho các bệnh viện, cho phép thiết lập các thông tin hình ảnh và tích hợp với các hệ thống thông tin khác trong bệnh viện, đồng thời tiết kiệm các loại chi phí cho một bệnh viện tuyến tỉnh và huyện khoảng hơn 700 triệu đồng/năm. Mặt khác, điều quan trọng hơn là loại bỏ được lượng hóa chất dùng xử lý phim (các a-xít HCL, H2SO4 và bazơ), lượng nước thải sau khi tráng, rửa phim và lượng phim thải ra hằng năm… một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường lâu nay. Hơn nữa, mở rộng sử dụng máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD trong khám, chữa bệnh vừa hạn chế tình trạng nhập siêu cho nền kinh tế, vừa tạo thêm việc làm cho các ngành công nghiệp phụ trợ như cơ khí, động cơ điện, vật liệu hàn cắt…

Có thể nói việc thiết kế, chế tạo và sản xuất thành công máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ FPD, bước đầu góp phần cụ thể hóa, chiến lược nghiên cứu và phát triển trang thiết bị y tế đến năm 2020 của Nhà nước. Với tính mới về mặt khoa học và công nghệ, hiệu quả kinh tế đem lại và ý nghĩa xã hội của công trình, đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy x-quang kỹ thuật số đa năng công nghệ cảm biến bản phẳng” do kỹ sư Nguyễn Trường Giang, công ty  thiết bị Việt Ba làm chủ nhiệm đã đoạt giải nhì, giải thưởng Vifotec năm 2012.

(Nguồn hiendaihoa.com)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: