Phát huy tiềm năng đường sắt khổ 1.000 mm, thiết thực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước

Tháng Mười 07 09:00 2013

Nước ta hiện có 2.340 km chính tuyến đường sắt (ĐS) khổ 1.000 mm. Ngần ấy cây số ĐS đang ẩn chứa một tiềm năng chưa được phát huy hết để phục vụ phát triển nền kinh tế quốc gia. Tìm hiểu kỹ ĐS khổ 1.000 mm của một số quốc gia gần ta hoặc một quốc gia ở châu Phi, chúng ta sẽ biết được ĐS khổ 1.000 mm ở nước ta vẫn còn tiềm năng khá lớn, nếu biết phát huy có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Có thể tham khảo một số quốc gia chỉ có một loại ĐS khổ 1.000 mm (hoặc 1.065 ~ 1.067mm) như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Nam Phi, để biết rõ việc chuyên chở hành khách và hàng hóa hàng năm được thực hiện mức nào. Trên cơ sở đó, sẽ thấy được tiềm năng phục vụ chuyên chở khách và hàng trên ĐS 1.000 mm của Việt Nam. (Xem bảng kèm, số liệu năm 1994 ~ 1997)

Phat huy tiem nang duong sat kho 1000mm_2

Trong hoàn cảnh nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn trong một giai đoạn không ngắn, phải chăng chúng ta nên tham khảo các nước nói trên về kinh nghiệm quản lý và khai thác ĐS khổ 1.000 mm nhằm đạt được hiệu quả như họ đã sử dụng để phát triển nền kinh tế.

Một vấn đề hệ trọng khác cần được khẳng định là hoàn toàn không có cơ sở khoa học kỹ thuật nào cho phép làm được ĐS khổ 1.435 mm trên cơ sở hạ tầng của ĐS khổ 1.000 mm .

Rất tiếc là do chưa nắm được hàng loạt thông số kỹ thuật của ĐS khổ 1.000mm rất khác biệt so với thông số kỹ thuật của ĐS khổ 1.435 mm, cho nên một số người cho rằng, việc mở rộng ĐS từ khổ 1.000 mm thành khổ 1.435mm là đơn giản, chỉ cần nới rộng khoảng cách 2 thanh ray, thay tà vẹt,… không phải làm mới cầu, hầm, tín hiệu giao thông nhà ga,… Dưới đây xin làm sáng tỏ điều đó.

Từ góc độ kỹ thuật về kết cấu hạ tầng ĐS, điều chủ chốt đầu tiên cần được xem xét là hành lang an toàn giao thông (khoảng không gian được xác định bởi chiều rộng và chiều cao tính từ mặt ray trở lên) toàn tuyến đường dành cho 2 loại đoàn tàu ĐS khổ 1.000 mm và đoàn tàu ĐS khổ 1.435 mm có sự khác biệt gì.

Theo kiến thức chuyên ngành ĐS, đó là khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc trên đường thẳng toàn tuyến đường; chỉ tiêu này đối với ĐS khổ 1.000 mm có chiều rộng là 4.000 mm và chiều cao 4.300 mm, đối với ĐS khổ 1.435 mm có chiều rộng là 4.880 mm và chiều cao 5.500 mm (trong bài này vì tránh dài dòng, xin chỉ lấy một thông số này để thuyết minh). Như vậy, khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc trên đường thẳng toàn tuyến của ĐS khổ 1.000m thì hẹp hơn 880 mm và thấp hơn 1.200 mm so với ĐS khổ 1.435 mm. Riêng khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc trên đường thẳng trong hầm, đối với ĐS khổ 1.000 mm là rộng 4.400 mm, cao 5.000 mm; đối với ĐS khổ 1.435 mm là rộng 4.880 mm, cao 6.000 mm. Vì vậy toàn bộ các cây cầu, các hầm và nhà ga… của ĐS khổ 1.000 mm đều không thể sử dụng lại cho ĐS khổ 1.435 mm .

Tiếp đến cần xét là sức chịu tải trọng của cầu và nền ĐS. Theo kiến thức chuyên ngành ĐS, tải trọng trục của đoàn tàu ĐS khổ 1.000 mm là 14 tấn/trục, tải trọng trục của đoàn tàu ĐS khổ 1.435 mm là 23 ~ 25 tấn/trục. Như vậy, tàu ĐS khổ 1.435 mm nặng hơn tàu ĐS khổ 1.000 mm những 9~11 tấn/trục. Vì vậy trên mạng ĐS khổ 1.000 mm của nước ta, hàng trăm cây cầu đều không thể tận dụng để chạy đoàn tàu ĐS khổ 1.435 mm, và toàn bộ kết cấu hạ tầng từ mặt ray trở xuống cũng không chịu nổi tải trọng của đoàn tàu ĐS khổ 1.435 mm. Về tuyến đường thì bán kính đường cong tối thiểu của ĐS khổ 1.000 mm là 150 m. Trên tuyến ĐS Bắc – Nam dài hơn 1.700 km có biết bao nhiêu đoạn đường có bán kính như vậy, nếu muốn chuyển thành ĐS khổ 1.435 mm thì sẽ đều phải nới rộng bán kính đường cong tuyến đường, bởi lẽ bán kính đường cong tối thiểu của ĐS khổ 1.435 mm là 200 m… Như vậy, chúng ta có thể biết được toàn bộ kết cấu hạ tầng của ĐS khổ 1.000 mm đều không thể tận dụng lại để có thể làm ĐS khổ 1.435 mm.

Trên thế giới chỉ có chuyện tận dụng cơ sở hạ tầng của ĐS khổ 1.435 mm để làm ĐS khổ 1.000 mm, như Thái Lan đã từng làm, chứ không có chuyện tận dụng cơ sở hạ tầng của ĐS khổ 1.000 mm để làm ĐS khổ 1.435 mm. Bởi lẽ các thông số kỹ thuật về kết cấu hạ tầng của ĐS khổ 1.435 mm hoàn toàn thoả mãn các thông số kỹ thuật cần có của ĐS khổ 1.000 mm. Tuy vậy Thái Lan đã phải mất 12 năm (từ năm 1919 đến năm 1930) mới hoàn thành được việc cải tạo mạng ĐS khổ 1.435 mm ở mạn phía đông nước này sang thành ĐS khổ 1.000 mm nhằm nối thông được với mạng ĐS Malaysia (khổ 1.000 mm). Rõ ràng, nếu cải tạo ĐS khổ 1.000 mm thành ĐS khổ 1.435 mm sẽ là chuyện cực kỳ khó khăn và tốn kém vô cùng, chứ không đơn giản và dễ làm như một số người lầm tưởng.

Nước Nhật giàu có, người Nhật giỏi giang và khôn ngoan như vậy mà vẫn phải duy trì và tận dụng một cách hiệu quả và an toàn mạng lưới ĐS khổ hẹp 1.067 mm vốn có chứ không làm chuyện cải tạo ĐS 1.067 mm thành ĐS khổ 1.435 mm. Phải chăng đó là điều đáng để các nước đi sau học tập cách quản lý, khai thác và phát huy tiềm năng của ĐS khổ 1.000 mm?

(Theo Báo Đường Sắt)

Bình luận hay chia sẻ thông tin