Sản xuất, xuất khẩu linh kiện ôtô: mảnh ghép quan trọng

Tháng Năm 22 08:00 2014

Gia tăng xuất khẩu phụ tùng linh kiện ôtô là hướng đi trong năm 2014 được một số doanh nghiệp (DN) sản xuất ôtô Việt Nam quan tâm. Hoạt động này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn là cơ hội để các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

San xuat, xuat khau linh kien oto Manh ghep quan trong_01Đẩy mạnh sản xuất linh kiện ô tô là cơ hội để DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ít doanh nghiệp tham gia
Theo số liệu từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất ôtô mà Nhật Bản mua tại Việt Nam hiện chỉ đạt 28%, (tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, Thái Lan là 53%, Trung Quốc là 61%). Vì thế, đẩy mạnh sản xuất linh kiện phụ tùng không chỉ giúp DN chủ động giảm giá thành sản phẩm mà còn góp phần tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Nếu so với doanh số bán xe của các hãng thì nguồn thu từ xuất khẩu phụ tùng không phải lớn, thế nhưng hoạt động sản xuất và xuất khẩu linh kiện sẽ giúp ngành công nghiệp ôtô trong nước dần phát triển, tạo điều kiện để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, trong số hàng chục DN sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam chỉ có một số ít đi theo con đường này. Đơn cử như công ty Toyota Việt Nam (TMV), trong năm 2013 giá trị kim ngạch xuất khẩu phụ tùng của TMV đạt trên 39,2 triệu USD trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tích lũy trên 246 triệu USD, sau hơn chín năm Trung tâm xuất khẩu phụ tùng ôtô Toyota đi vào hoạt động; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của TMV là ăng ten, van điều hòa khí xả, và bàn đạp chân ga.

Khi sản xuất phụ tùng thì ý nghĩa lớn nhất là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, giúp các DN có thể đầu tư chuyên sâu theo thế mạnh để cung cấp phụ tùng cho nhau, đảm bảo duy trì được sản lượng.

Công ty ôtô Trường Hải (Thaco) cũng tham gia hội nhập bằng việc sản xuất và xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô khi đầu tư xây dựng nhiều nhà máy công nghiệp phụ tùng và công nghiệp hỗ trợ tại khu phức hợp Chu Lai- Quảng Nam. Với lợi thế là đối tác của các nhãn hiệu xe nổi tiếng như Mazda, Kia, Peuggio, những linh kiện, phụ tùng của Thaco sẽ có cơ hội nhiều hơn khi tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng linh kiện toàn cầu của các hãng xe này.

Tăng sản lượng và mở rộng thị trường
Được biết, các linh kiện “Made in Việt Nam” của Toyota Việt Nam đã được xuất khẩu sang hệ thống Toyota toàn cầu ở 13 nước, bao gồm: Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Malaysia, Ấn Độ, Achentina, Nam Phi, Venezuela, Pakistan, Đài Loan, Brazil, Ai Cập và Kazakstan. Hiện Thaco đang xuất khẩu sang Malaysia các linh kiện như cản trước, ghế ngồi, cụm dây điện, một số chi tiết nhựa… cho những mẫu xe Kia; xuất khẩu áo ghế, thùng xe và một số linh kiện cho xe thương mại, xe tải sang Hàn Quốc hay sắp xuất khẩu những linh kiện đầu tiên của xe Kia K3 vào thị trường Nga. Do tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng của Kia nên tùy thuộc vào năng lực sản xuất của hãng ở các thị trường, hoạt động xuất khẩu phụ tùng của Thaco sẽ có mức tăng trưởng phù hợp. Ví dụ: Malaysia dự kiến sản xuất 700 xe K3/tháng thì Thaco sẽ xuất được 700 bộ ghế, 700 bộ dây điện… Thaco cũng đang sản xuất mẫu kính để Kia mở rộng hơn nữa danh mục linh kiện phụ tùng xuất khẩu của mình. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ sức bền để tham gia. Bên cạnh việc đàm phán để chuyển giao công nghệ, DN phải có dây chuyền sản xuất phù hợp và quy trình quản trị chất lượng; sản xuất mẫu để đối tác đánh giá, một số phụ tùng dùng cho linh kiện phải nhập khẩu. Ông Trần Bá Dương – chủ tịch hội đồng quản trị Thaco – khẳng định: “Càng đi sâu vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ càng khó khăn nên đòi hỏi phải có sản lượng lớn thì mới phát triển ổn định”.

(Nguồn: cokhivietnam.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: