[EMO Hannover 2017] Cảm biến đo lường 3D – Chìa khóa để sản xuất các linh kiện nhỏ

Tháng Mười Một 22 07:00 2017

EMO Hannover, hội chợ hàng đầu thế giới về gia công kim loại do Hiệp hội máy công cụ Đức (VDW), có trụ sở tại Frankfurt, cùng phối hợp với công ty Deutsche Messe tổ chức tại thành phố Hannover, Đức. Hội chợ diễn ra định kỳ hai năm một lần, theo quy luật hai lần diễn ra tại Đức và một lần diễn ra tại Ý. EMO 2017 đã được tổ chức tại Hannover, từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 09 năm 2017. Để Quý vị có được những thông tin mới nhất, những xu thế và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp gia công kim loại ở hiện tại và trong tương lai, technologyMAG.net sẽ lần lượt có những tin bài, hình ảnh, video … về các chủ đề quan trọng nhất đã hiện diện tại sự kiện lần này.

Tại hội chợ EMO Hannover 2017, công ty Alicona đã giới thiệu hệ thống Cobot (thuật ngữ viết tắt của collaborative robots còn gọi là robot cộng tác), và đây cũng là những hoạt động tiếp theo của công ty, trong việc kết hợp những robot cộng tác với các cảm biến đo lường 3D quang học có độ phân giải cao.

Hệ thống cobot của Alicona kết hợp robot cộng tác 6 trục với các cảm biến đo lường 3D quang học có độ phân giải cao

Công ty Alicona chuyên về các hệ thống đo lường quang học có độ phân giải cao, đã giới thiệu hệ thống cobot mới mang tên Compact Cobot. Theo các chuyên gia của công ty Alicona cho biết, hệ thống robot cộng tác tác của họ là một giải pháp phổ biến, thường được áp dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, để đo độ chính xác của bề mặt và kích thước của sản phẩm có cấu trúc phức tạp, ngay cả những thành phần, linh kiện có kích thước lớn. Hệ thống này là sự kết hợp giữa robot cộng tác và các cảm biến đo lường 3D quang học có độ phân giải cao, bên cạnh đó, hệ thống còn có khả năng lưu trữ những thông tin đo lường của những lần đo trước. Người sử dụng có thể vận hành máy một cách hiệu quả mà thậm chí không có kiến thức về lập trình và đo lường. Bằng cách sử dụng phần mềm kết nối tự động, bất kỳ phép đo nào cũng có thể được xác định ở một số vị trí bởi người quản lý, sau đó người sử dụng bắt đầu vận hành hệ thống chỉ bằng một nút bấm, việc kiểm soát và đo lường được vận hành hoàn toàn tự động, và khi hoàn thành, người vận hành sẽ nhận được báo cáo đo lường với thông tin OK hoặc Not-OK.

Ngoài ra, sự kết nối CAD-CAM(*) tùy chọn cho phép xác định các điểm đo hoặc hướng đo trực tiếp trong tập tin CAD tương ứng của các linh kiện, bộ phận được đo, đồng thời hệ thống sẽ tạo ra bản mô phỏng kỹ thuật số song sinh của các phôi tương ứng. Việc mô phỏng này cung cấp cho người dùng một bản xem trước của toàn bộ quá trình đo, nhằm tạo độ chắc chắn và tin cậy trong việc đo lường. Công ty Alicona cho biết thêm, việc vận hành ảo của hệ thống đo lường bao gồm việc quản lý toàn bộ quy trình, từ vị trí của linh kiện, bộ phận cho đến việc xác định khu vực đo lường trong môi trường 3D.

 

(*)Chú thích:
CAD (Computer Aided Design): thiết kế có sự trợ giúp của máy tính
CAM (Computer Aided Manufacturing): Đây là khái niệm để chỉ việc sử dụng phần mềm máy tính để điều khiển máy gia công trong quá trình sản xuất. Có thể nói một cách dễ hiểu hơn đây là thao tác chuyển đổi các thiết kế của CAD thành các đoạn code cụ thể (ví dụ: dùng dao nào, chạy từ đâu sang đâu, tốc độ cắt bao nhiêu,…) để máy CNC có thể tiến hành gia công sản phẩm.

 

Để xem các tin bài khác về hội chợ EMO Hannover 2017, hãy nhấn vào đây

 

(Nguồn: EMO Hannover/ www.emo-hannover.de)

Bình luận hay chia sẻ thông tin