Vinashin – từ ảo vọng về thực tế

Tháng Mười 26 09:00 2013

Đã có một phương án về tái cơ cấu Vinashin mới được Chính phủ trình Quốc hội. Theo đó, tập đoàn này sẽ chỉ giữ lại tám doanh nghiệp (DN) nòng cốt đang hoạt động bình thường; 216 DN sẽ cổ phần hóa hoặc chuyển nhượng; 166 DN không còn vốn chủ sở hữu thì cho phá sản hoặc bán.

Vinashin-tu ao vong ve thuc te_01

Vinashin sẽ không còn là tập đoàn mà chỉ là một Tổng công ty công nghiệp tàu thủy thuộc Bộ giao thông vận tải, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con, tập trung vào đóng và sửa chữa tàu thủy.

Như vậy, sau một thời gian trở thành “người hùng” với danh hiệu “tập đoàn”, công ty đã trở lại hình dáng xưa – một sự trở lại hợp quy luật!

Sự trở lại của Vinashin với “chiếc áo” tổng công ty là hoàn toàn đúng, bởi vì, xây dựng một tập đoàn kinh tế mạnh tầm cỡ quốc tế trong ngành công nghiệp tàu thủy là một “ảo vọng” quá xa thực tế, nếu không nói rằng, đó là một chủ trương sai lầm.

Sự đổ vỡ của Vinashin được đánh giá là bài học đắt giá cho một mô hình tập đoàn có tham vọng quá sức khi gia nhập kinh tế thị trường và sai lầm đó đã phải trả giá. Hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn nhà nước đã bị thất thoát, hàng chục cán bộ đã vào tù và hiện nay, nợ của Vinashin vẫn là con số rất lớn. Quan trọng hơn, sẽ có tới 14.000 lao động bị mất việc làm khi cho giải thể, phá sản tới 166 DN – công ty con trong tập đoàn.

Đã có 19 ngân hàng trong nước tuyên bố sẽ giảm 70% nợ cho Vinashin. Đây cũng là “sự lạ” trong kinh tế thị trường. Đối với nợ nước ngoài, Vinashin cũng đàm phán giảm được 30% và thoát hiểm nguy cơ bị chủ nợ kiện. Chính phủ cũng đang có kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm giúp Vinashin trả nợ.

Vinashin hạ cấp từ tập đoàn xuống tổng công ty, đó không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị và được chấp thuận việc hạ cấp hai tập đoàn vừa mới được thành lập xuống tổng công ty. Rất may là hai tập đoàn đó mới ra đời nên hậu quả không nhiều.

Để Vinashin quay lại với mô hình tổng công ty là sự sửa chữa sai lầm trước đó. Bất kỳ một sai lầm nào trong quản lý kinh tế đều phải trả giá. Mong rằng, cái giá phải trả từ trường hợp trên sẽ hạn chế được những “ảo vọng” và cho chúng ta những kinh nghiệm đắt giá trong quản lý các tập đoàn kinh tế đang tồn tại!

(Nguồn Báo Công Thương Điện Tử)

Bình luận hay chia sẻ thông tin