Xây dựng đường sắt đô thị tại Hà Nội (phần 1)

Tháng Mười 04 10:00 2013

Theo phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, hệ thống đường sắt đô thị sẽ bao gồm tám tuyến chính đóng vai trò quan trọng trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn với các ưu thế lớn như gắn kết giao thông liên vùng, giảm ùn tắc giao thông… Vẫn còn đó những câu hỏi: đường sắt đô thị có là giải pháp cứu cánh hiện hữu cho nâng cấp cải tạo đô thị trong tương lai? Và việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị sẽ có những tác động như thế nào với không gian tái cấu trúc đô thị là vấn đề đặt ra với nhiều chuyên gia hiện nay.

Duong sat do thi Ha Noi 0

Ảnh minh họa

Đi tìm nét bản sắc cho kiến trúc đường sắt trên cao

Hà Nội được biết đến như một đô thị có bề dày phát triển. Ở mỗi giai đoạn phát triển, Hà Nội lại mang những đặc điểm riêng về kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch đô thị. Nằm trong tổng thể chung, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội được coi là một đặc điểm riêng với bản sắc riêng cần được phát huy và kế thừa.

Lịch sử phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội được đánh dấu lần đầu với việc khánh thành tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng  và Hà Nội –  Hải Phòng năm 1902, Hà Nội – Lào Cai năm 1906, tuyến đường sắt Bắc Nam năm 1936. Hệ thống ga đầu mối hạn chế về số lượng chỉ có ga Hàng Cỏ, Gia Lâm và một vài ga nhỏ khác. Về cơ bản đây đều là các tuyến đường sắt liên tỉnh giúp vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội hoặc tới các điểm giao thông phục vụ khai thác tài nguyên thuộc địa của chính quyền thực dân để thúc đẩy Hà Nội đóng vai trò là đầu mối trung chuyển của đường sắt đô thị quốc gia. Tại thời điểm này, đường sắt trong tổng thể quy hoạch đô thị nằm ở phần rìa, không có nhiều đóng góp cho việc vận chuyển hành khách và giao thông nội đô. Quá trình mở rộng đô thị, đô thị hóa mạnh mẽ thời gian gần đây, đặc biệt là từ những năm 2000 đến nay đã làm biến đổi mạnh quy mô và cấu trúc đô thị. Hệ thống đường sắt thời Pháp thuộc trước kia vẫn chỉ đóng vai trò kết nối vận chuyển liên tỉnh giờ cắt xuyên tâm đô thị, chia cắt đô thị thành hai phần Đông – Tây, không những không đóng góp cho giao thông nội đô mà còn gây cản trở mạnh cho giao thông đô thị.

Duong sat do thi Ha Noi 1

Bản đồ quy hoạch kết nối hệ thống đường sắt quốc gia – vùng thủ đô Hà Nội

Qua từng thời kỳ, Hà Nội và ngành giao thông vận tải đã có nhiều dự án nghiên cứu phát triển nâng cấp hệ thống giao thông đô thị như Dự án nghiên cứu phát triển năm tuyến đường sắt đô thị chính và 1 tuyến dự phòng của Bộ giao thông vận tải, các nghiên cứu phối hợp về phát triển đường sắt đô thị giữa thành phố Hà Nội và JICA Nhật Bản hay các quy hoạch  đường sắt đô thị lồng ghép trong các lần điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô.

Quy hoạch chung Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 mang lại cơ hội đổi mới căn bản hệ thống giao thông đường sắt đô thị với 8 tuyến đường sắt nội đô tốc độ cao, hệ thống các ga đầu mối, ga trung chuyển có thể kết nối thuận tiện với nhau cũng như với hệ thống đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề chuyên môn cần làm rõ để có được những lợi ích cao nhất cho sự phát triển chung của Hà Nội.

Phương án thiết kế ga đường sắt trên cao C1 – Nam Thăng Long và C2 – Ngoại Giao Đoàn, Hà Nội

Duong sat do thi Ha Noi 2

Trong quá trình triển khai quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt trên cao, một vấn đề đặt ra được nhiều chuyên gia quan tâm đó là xây dựng bộ mặt không gian cảnh quan kiến trúc cho các tuyến đường sắt đảm bảo các quy chuẩn của ngành đường sắt cũng như tạo ra bộ mặt mới không gian cảnh quan cho thủ đô. Khi xem xét các phương án kiến trúc đường sắt đô thị do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà còn tồn tại những quan điểm trái chiều bởi đây là công trình dân dụng mang tính chất phục vụ công cộng, ở các nước có tuyến đường sắt phát triển, người ta quan tâm nhiều đến công năng và giá trị sử dụng.

Trong quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị các khía cạnh là vật lý kiến trúc và kiến trúc nhà ga trên toàn tuyến được mổ xẻ nhiều nhất. Vật lý kiến trúc bao gồm đảm bảo các yếu tố vi khí hậu sử dụng cho công trình như là thông gió, chiếu sáng, điều hòa không khí tận dụng ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện năng một cách tối đa và khái niệm kiến trúc xanh. Về kiến trúc nhà ga, hiện có nhiều trường phái trái ngược gồm sử dụng chất liệu: kiến trúc truyền thống mang đặc thù Việt Nam, kiến trúc hiện đại và kết hợp giữa hiện đại – truyền thống. Quan điểm có nhiều và tương đối rộng nên đơn vị tư vấn gặp rất nhiều khó khăn bao gồm cả những kiến trúc sư kỳ cựu như giáo sư Hara – tác giả chính của thiết kế nhà ga Kyoto nổi tiếng có phương án thiết kế trên những tuyến đường sắt số 2 rất khả thi nhưng vẫn gây tranh luận từ nhiều phía. Các gợi ý phản biện cũng rất khác nhau cho rằng nên lấy ý tưởng mô phỏng kiến trúc nhà sàn hay khai thác hình ảnh cầu Long Biên. Nhưng bản thân chính dư luận cũng lại cho rằng nếu nhắc lại một lần nữa ở kiến trúc ga Hà Nội sẽ làm giảm đi giá trị nguyên thủy của cây cầu trăm tuổi của thủ đô

(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 8/2013)

Bình luận hay chia sẻ thông tin