Công nghiệp đóng tàu hấp dẫn Hàn Quốc

Tháng Mười Hai 21 09:00 2013

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu, giàn khoan và thiết bị phụ trợ. Đó là khẳng định của đại diện tập đoàn Công nghiệp nặng Samsung Heavy Industry, thuộc Samsung Group (Hàn Quốc) trong buổi ra mắt mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).

Cong nghiep dong tau hap dan Han Quoc_01

Việt Nam – tâm điểm đầu tư
Là quốc gia có bờ biển trải dài, Việt Nam có tiềm năng và lợi thế phát triển ngành đóng tàu và dầu khí. Đây chính là lý do khiến Samsung Heavy Industry và CEO các tập đoàn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng đầu tại Hàn Quốc như TK Corporation, SE – Won Industries Co., Ltd., Hankuk Miboo Co., Ltd., Jung – A Marine Co., Ldt., Chonhaiji Co., Ltd., Oriental Precision and Engineering Co., Ltd., Suhhan Industry Co., Ltd., Scana Korea Hydraulic Ltd… không bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Theo đó, chuyến đi lần này của các công ty nhằm hai mục đích: quảng bá, giới thiệu về mình, giúp Việt Nam tiếp cận những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực đóng tàu, dầu khí của Hàn Quốc; tìm kiếm đối tác tại Việt Nam để chuẩn bị nền móng cho làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong năm 2014.

Ông Yoon Sung Duk, chủ tịch tập đoàn TK, chia sẻ: “Chiến lược phát triển kinh doanh ra nước ngoài của chúng tôi là đầu tư vào các nước đang phát triển, mở rộng kinh doanh ra khu vực, trong đó lấy Việt Nam làm tâm điểm đầu tiên. Qua các buổi tiếp xúc, nếu đối tác Việt Nam quan tâm, chúng tôi sẽ hợp tác đầu tư vốn, công nghệ. Việc đầu tư này phụ thuộc rất lớn vào Samsung”.

Trao đổi với phóng viên, ông Cheolhwa Jung, thuộc Samsung Heavy Industry, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tìm hiểu năng lực các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành để hợp tác, giao lưu và trao đổi kỹ thuật. Song chuyến đi lần này chưa phải “đến Việt Nam đầu tư” mà đơn thuần chỉ tìm đối tác hợp tác trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi”.

Cùng đi với đoàn là 16 công ty công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc. Đây là những công ty có mối quan hệ hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp nặng Samsung”. Tuy nhiên, một thành viên trong đoàn tiết lộ việc đầu tư nhà máy tại Việt Nam đang nằm trong kế hoạch ngắn hạn, với phương thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.

Khi di dời các nhà máy tại Trung Quốc vào thời gian tới, Việt Nam sẽ là môi trường đầu tư hấp dẫn nhờ tận dụng lực lượng lao động giá rẻ và trình độ kỹ thuật của lao động Việt Nam đang ngày càng cao. Nhà máy tại Việt Nam sẽ là nơi gia công, thực hiện các đơn hàng từ Hàn Quốc và các đối tác trong khu vực.

Khắc phục yếu kém nội tại
Trước mắt, các nhà đầu tư Hà Quốc sẽ làm việc với năm công ty, tập đoàn lớn trong ngành đóng tàu và dầu khí của Việt Nam. Trong tuần này, đoàn sẽ đến Hà Nội làm việc với tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) và tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) cùng một số đối tác khác để tính đến việc hợp tác.

Sau khi khảo sát, rất có thể nhà đầu tư sẽ chọn các tỉnh phía Nam để xây dựng nhà máy. Lý do chọn phía Nam, theo giải thích của vị này, là dựa trên sự so sánh giữa cơ sở hạ tầng, cảng biển, logistics.

Như vậy, ngoài lĩnh vực may mặc, điện tử, Hàn Quốc đang có tham vọng lớn đối với ngành đóng tàu, dầu khí sau khi tổng thống Park Geun Hye có chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 9-2013 vừa qua. Cùng với Nhật Bản và Trung Quốc, công nghiệp đóng tàu là thế mạnh của Hàn Quốc.

Những năm trở lại đây, quốc gia này luôn dẫn đầu về lượng đơn đặt hàng đóng tàu, chiếm 44% thị phần của thế giới. Samsung Heavy, Huyndai Heavy Industries và Daewoo Shipbuildung & Marine Engineering (Hàn Quốc) hiện là ba tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới.

Ngành đóng tàu Việt Nam từng có kỳ vọng phấn đấu vào năm 2010 trở thành quốc gia đóng tàu mạnh trong khu vực và thế giới, tỷ lệ nội địa hóa 60% đối với các sản phẩm tàu biển đóng mới, có khả năng đóng mới tàu 80.000DWT, tàu chở dầu 300.000DWT, tàu chở container 3.000TEU, sửa chữa được tàu 400.000DWT, tự chế tạo được các loại tàu tải trọng đến 50.000DWT…

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu và những yếu kém nội tại, ngành đóng tàu Việt Nam đang chững lại. Phần lớn máy móc, vật tư đóng tàu đều phải nhập khẩu khiến giá trị gia tăng không cao, cạnh tranh thấp.

Bên cạnh đó, ngoài lợi thế giá nhân công rẻ, hàng loạt vấn đề bất cập về vốn, công nghệ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, do chưa có đủ một thị trường rộng lớn, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành đóng tàu dường như cũng mới dừng lại ở khâu lý thuyết.

Và để thu hút được nhà đầu tư Hàn Quốc, vấn đề cấp thiết hiện nay đối với ngành đóng tàu Việt Nam là quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu, nhằm vực dậy một ngành công nghiệp được coi là chủ chốt của nền kinh tế nước nhà.

(Nguồn: baocongthuong.com.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin