[CEBIT 2018] Đại học Johannes Gutenberg giới thiệu dự án phát triển thí nghiệm thực tế ảo

Tháng Sáu 26 07:00 2018

Hội chợ CEBIT 2018 – sự kiện thường niên lớn nhất và quan trọng nhất thế giới trong ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông đã mở cửa tại trung tâm hội chợ tp. Hannover, CHLB Đức từ ngày 11-15/06/2018. Nhằm giúp Quý vị có cái nhìn rõ nét hơn tại sự kiện này, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số chủ đề quan trọng của CEBIT 2018 tại technologyMAG.net

Sự kiện CEBIT năm nay đã giới thiệu hàng loạt đổi mới so với những năm trước bao gồm hội chợ, hội nghị và kết nối kinh doanh, nhằm đáp ứng xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, CEBIT 2018 có 4 chủ đề chính: d!conomy; d!tec; d!talk và d!campus. Trong đó d!conomy là nơi dành riêng cho việc số hóa doanh nghiệp và chính phủ; d!tec, tập trung vào tương lai kỹ thuật số và các sản phẩm công nghệ mới nổi. d!talk bao gồm các buổi hội thảo trao đổi về vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội phát sinh từ xu hướng số hoá. d!campus sẽ là nơi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp toàn cầu trong không gian thoải mái với ẩm thực và những buổi biểu diễn âm nhạc.

Những năm gần đây, các quy định về an toàn và sức khỏe ngày càng trở nên nghiêm ngặt, đã dẫn tới việc thực hiện các thí nghiệm vật lý tại các trường học ngày càng bị hạn chế. Tuy nhiên, tại CEBIT 2018, trường Đại học Johannes Gutenberg (JGU) thành phố Mainz, CHLB Đức, đã giới thiệu giải pháp giúp sinh viên ngày nay có thể khám phá những điều kỳ diệu của khoa học thông qua công nghệ thực tế ảo.

Tại CEBIT 2018, nhóm nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Vật lý của trường Đại học Johannes Gutenbert, do Giáo sư Klaus Wend dẫn đầu, đã trình bày về chủ đề “Giảng dạy vật lý trong thời đại kỹ thuật số – thí nghiệm thực tế ảo”. Hiện tại, nhóm đang tập trung nghiên cứu sử dụng công nghệ thực tế ảo để mô phỏng các thí nghiệm vật lý theo mô hình 3D, nhằm tạo điều kiện cho các học sinh có thể tiến hành các thí nghiệm, mà nếu thực hiện chúng trong thực tế sẽ rất nguy hiểm, phức tạp và tốn kém.

Hơn nữa, các sinh viên sẽ có thể thực hiện thí nghiệm ngay tại nhà để chuẩn bị bài tốt hơn, cũng như có thể tìm hiểu lại những phần mà bản thân chưa hiểu rõ trên lớp. Theo JGU, các thí nghiệm thực tế ảo (VRE) có thể được thực hiện trên bất kỳ thiết bị dạy học kỹ thuật số nào như: máy tính bảng, màn hình cảm ứng điện tử, máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn. Hiện nay, JGU đang có nhiều kế hoạch đưa công nghệ thí nghiệm thực tế ảo vào chương trình giảng dạy các học viên trưởng thành, và dự định sẽ tổ chức các sự kiện về phương pháp học tập kết hợp (blended learning).

Dự án phát triển VRE cũng đã được vinh danh trong nhiều sự kiện đặc biệt. Ví dụ, năm 2015, với khẩu hiệu “thành phố, quốc gia, mạng lưới kết nối – Các sáng kiến trong thế giới kỹ thuật số”, VRE được đánh giá là một trong những sáng kiến xuất sắc nhất. Cũng trong năm đó, nhóm nghiên cứu đã lọt vào top 16 trong cuộc thi EU’s Technology Enhanced Learning Leading to Unique Stories (TELL US). Trước đó, năm 2014, công nghệ VRE cũng được đề cử cho giải thưởng German eLearning Innovation và Young Talent Award.

Để xem các tin bài về hội chợ CEBIT 2018, hãy nhấn vào đây. 

(Nguồn: CEBIT/ www.cebit.de)

Bình luận hay chia sẻ thông tin