Công nghệ tái chế quần áo cũ thành nhựa mới của một công ty khởi nghiệp

Tháng Mười Một 15 08:23 2023

ISRAEL – Một công ty khởi nghiệp đang phát triển phương pháp tạo ra các sản phẩm nhựa hoàn toàn mới từ những chiếc áo sơ mi, những chiếc quần và những loại quần áo cũ không dùng đến và bị bỏ đi. 

Công ty TextRe sử dụng các sợi tổng hợp như polyester và nylon từ các loại vải cũ và kết hợp chúng với một số chất khác, bao gồm một lượng nhỏ nhựa và các nguyên liệu khác, để tạo ra viên nhựa.  

Công ty TextRe đã phát triển quy trình tạo ra nhựa từ vải vụn.

Công ty khởi nghiệp này cho biết, quy trình trên có thể tích hợp liền mạch vào dây chuyền sản xuất của các công ty sản xuất nhựa, những công ty này sẽ trộn các viên nhựa với polyme nguyên chất và cuối cùng tạo ra sản phẩm nhựa có nguồn gốc bền vững hơn. 

Bà Lee Cohen, đồng sáng lập và giám đốc điều hành – CEO tại công ty TextRe, nói rằng: “Mục đích của chúng tôi là thay thế việc sử dụng vật liệu nguyên chất bằng vật liệu tái chế để tạo ra sản phẩm có những đặc tính tốt nhất, như độ đàn hồi và độ bền bỉ”. 

Thách thức có thể vượt qua
Theo illuminem, một nền tảng giám sát hoạt động của các doanh nghiệp về kinh doanh bền vững và bảo vệ môi trường, trong số 100 tỷ sản phẩm may mặc được sản xuất trên khắp thế giới, hàng năm có đến 92 triệu tấn rác thải may mặc được đưa vào các bãi chôn lấp.

Chỉ 1% số hàng may mặc này được tái chế và khoảng 12% được dùng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm có chất lượng thấp hơn như khăn, thảm và vật liệu cách âm. 

Mỗi năm, có 92 triệu tấn rác thải của ngành dệt may được đưa vào các bãi chôn lấp.

Phần còn lại có thể mất hàng trăm năm để phân hủy, trong quá trình này sẽ gây hại cho môi trường.

Để tái chế chúng, sợi tổng hợp được tách ra khỏi những mảnh quần áo, cắt nhỏ thành những hạt nhựa nhỏ, sau đó nấu chảy, thường để kéo dạng sợi.

Tuy nhiên, rất ít lượng quần áo được tái chế vì mỗi loại có thành phần khác nhau giữa sợi tổng hợp và sợi tự nhiên, ngoài ra còn có các loại phụ kiện khác như: đinh tán, khóa kéo và nút. 

Mỗi loại quần áo có thể được làm từ nhiều loại sợi, khiến chúng khó tái chế.

Những yếu tố này khiến cho việc tách sợi tổng hợp ra khỏi quần áo để tái chế, trở thành một thách thức và quy trình thực hiện tốn nhiều công sức và thời gian. 

Nhưng, nếu các vật liệu không được phân loại đúng cách, thì chúng không thể tái chế được. 

Bà Cohen giải thích: “Đó là một thách thức lớn, vì công nghệ chưa phát triển đủ để tách các sợi một cách chính xác”.

Nhựa do công ty TextRe sản xuất với nhiều hình dạng khác nhau, cần thiết cho các ngành công nghiệp khác nhau.

Tuy nhiên, với công ty TextRe các sợi tổng hợp không cần phải phân tách quá tỉ mỉ, để nhà máy có thể biến chúng thành những sản phẩm hoàn toàn mới. Điều này đòi hỏi ít thời gian và công sức hơn nhiều so với việc chúng được tái chế thành sản phẩm có chất lượng thấp hơn. 

Các thử nghiệm của chính công ty khởi nghiệp này đã chỉ ra rằng, công nghệ của họ có thể chuyển đổi thành công các sợi tổng hợp thành dạng viên, sau đó được bơm vào khuôn để tạo ra sản phẩm nhựa mới.

Trên thực tế, công ty TextRe cho biết họ đã tạo ra nguyên mẫu của một số viên nhựa có thể được sử dụng trong việc sản xuất các sản phẩm mới.

Bà Cohen nói rằng: “Chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết quần áo của chúng ta đều được làm từ nhựa – như polyester – việc nghĩ ra cách tái chế chúng để ứng dụng trong ngành nhựa là điều đương nhiên.” 

Các sản phẩm nhựa thường được sản xuất bằng cách sử dụng nguyên liệu – viên nhựa nguyên chất, được nấu chảy và tạo hình trong khuôn.

Công ty khởi nghiệp TextRe có trụ sở tại thành phố Tel Aviv (Israel), được thành lập vào năm 2021, hiện đang phát triển công nghệ mới và đưa vào ứng dụng thực tế. 

Họ đang hợp tác với một công ty sản xuất nhựa hàng đầu của Israel, công ty này đang thử nghiệm công nghệ của công ty TextRe trên dây chuyền sản xuất của chính mình.

Bà Cohen từ chối tiết lộ thêm về quy trình mới này, với lý do quyền riêng tư của công ty. 

Tìm giải pháp tốt nhất
Các công ty và thậm chí cả chính phủ đều đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề rác thải của ngành dệt may, đặc biệt là khi nhận thức của công chúng ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Ủy ban Châu Âu đang soạn thảo ít nhất 16 điều luật nhằm buộc các công ty thời trang phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về tác động môi trường do quần áo của họ sản xuất.

Một người biểu tình cầm tấm áp phích cổ vũ phong trào “Who Made My Clothes”. Ủy ban châu Âu đã soạn thảo luật khuyến khích sản xuất quần áo bảo vệ môi trường hơn, do sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng.

Những biện pháp này bao gồm: yêu cầu các công ty thời trang thu gom một lượng tối thiểu các chất thải dệt may thay vì vứt bỏ tất cả. Chính phủ các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu thậm chí còn đồng ý rằng: nên cấm tiêu hủy hàng dệt may không bán được, để khuyến khích tái sử dụng và tái chế nhiều hơn.

Bà Cohen cho biết: “Đây là động lực lớn để các thương hiệu dệt may tìm ra giải pháp, mà họ cũng có thể thu thêm lợi nhuận từ đó”.  

Một biện pháp mà châu Âu đang soạn thảo, là yêu cầu các công ty thời trang thu gom một lượng chất thải dệt may tối thiểu thay vì vứt bỏ tất cả.

Cô tin rằng những quy định này cũng khuyến khích các công ty bắt đầu thay thế nguyên liệu thô bằng nguyên liệu tái chế. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay thiếu các sản phẩm thay thế tái chế có chất lượng tương đương với các polyme mới – đó chính là lúc cần đến giải pháp công nghệ của công ty TextRe.

Bà Cohen cho biết: “Chúng tôi đã vượt qua một số thách thức trong quy trình tái chế, vì thực tế là những chất liệu sợi có đặc tính khác với hạt nhựa thông thường. Chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển và cải tiến để tạo ra các sản phẩm nhựa tái chế có chất lượng”.

Hiện nay, đã có một số công ty tái chế rác thải dệt may thành vật liệu mới.

Ngoài công ty TextRe, còn có một số công ty khác sử dụng các phương tiện cơ học hoặc hóa học để tái chế rác thải dệt may.

Các doanh nghiệp gồm: Công ty Circ (trụ sở tại bang Virginia, Mỹ), sử dụng nước, áp suất và hóa chất (thân thiện môi trường) để tách sợi tổng hợp khỏi sợi tự nhiên và biến nó thành sợi chất lượng cao; Công ty Kleiderly (CHLB Đức), chuyên xử lý rác thải quần áo và tái chế thành nguyên liệu thay thế bền vững – nhựa gốc dầu.

Nhưng bà Cohen cho rằng, những giải pháp đó cần thông qua quy trình tốn kém và không bền vững, tiêu tốn nhiều năng lượng và điều này đi ngược lại với tính sản xuất bền vững.

Vào tháng 7/2023, công ty TextRe được công bố là một trong những doanh nghiệp chiến thắng giải thưởng MassChallenge Israel năm 2023, một chương trình chuyên sâu kéo dài bốn tháng giúp các doanh nhân phát triển công ty khởi nghiệp của họ. 

Giám đốc điều hành – bà Lee Cohen (bên phải) và giám đốc công nghệ – ông Ariel Yedvab (bên trái), khi được công bố là một trong những người chiến thắng giải thưởng MassChallenge Israel năm 2023.

Trong thời gian tới, công ty TextRe và những người chiến thắng giải thưởng MassChallenge sẽ tham gia chương trình quảng bá sản phẩm (roadshow) tại thành phố Boston và thành phố New York (Mỹ), nơi họ sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư, khách hàng và đối tác.

Mặc dù công ty khởi nghiệp này đang trong quá trình khởi động, nhưng hiện tại họ đang huy động vốn 2 triệu USD và hy vọng sẽ đưa sản phẩm của mình ra thị trường trong vòng 18 tháng tới. 

Bà Cohen cho biết: “Ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới hiện nay là ngành thời trang. Nhưng chúng tôi tin rằng, rác thải may mặc thực sự có thể sử dụng nhiều lần làm nguyên liệu thô, thay vì vứt bỏ tất cả tại các bãi chôn lấp”.

Để xem các tin bài khác về “Rác thải ngành may mặc”, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Nocamels)

Bình luận hay chia sẻ thông tin