[Tiêu điểm tại EMO Hannover 2017] Sản lượng sản xuất tăng dự đoán một năm đầy lạc quan cho ngành máy công cụ Đức

Tháng Bảy 10 07:00 2017

EMO Hannover, hội chợ hàng đầu thế giới về gia công kim loại do Hiệp hội máy công cụ Đức (VDW), có trụ sở tại Frankfurt, cùng phối hợp với công ty Deutsche Messe tổ chức tại thành phố Hannover, Đức. Hội chợ diễn ra định kỳ hai năm một lần, theo quy luật hai lần diễn ra tại Đức và một lần diễn ra tại Ý. EMO 2017 sẽ được tổ chức tại Hannover, từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 09 năm 2017. Để Quý vị có được những thông tin mới nhất, những xu thế và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp gia công kim loại ở hiện tại và trong tương lai, technologyMAG.net sẽ lần lượt có những tin bài, hình ảnh, video … về các chủ đề quan trọng nhất sẽ hiện diện tại sự kiện lần này.

Năm 2017 là một năm đầy lạc quan của ngành công nghiệp máy công cụ Đức. Trong cuộc họp báo thường niên của VDW tại Frankfurt am Main, Tiến sĩ Heinz-Jürgen Prokop, Chủ tịch VDW đã dự đoán sản lượng sản xuất của Đức trong năm nay sẽ tăng lên 3%.

Theo công ty tư vấn Oxford Economics, đối tác của VDW, đánh giá này dựa trên tổng sản lượng sản xuất và nhu cầu của thế giới về máy móc công cụ. Dự đoán đã được minh chứng bằng những lô hàng tồn đọng từ 2016. Đến tháng 11, các đơn hàng của các nhà sản xuất Đức đã tăng lên 7%, nhưng phần lớn là từ nước ngoài mặc dù các đơn hàng nội địa vẫn tiếp tục tăng như năm trước. Nhìn chung, ngành máy móc công cụ Đức đang được hưởng lợi chủ yếu từ việc kinh doanh dự án quy mô lớn trong ngành ô tô.

2016, sản lượng sản xuất một lần nữa lại đạt mức kỷ lục

Dự đoán của VDW dựa trên năm kỷ lục 2016, khi lượng máy móc mà Đức sản xuất trị giá 15,2 tỷ Euro. Heinz-Jürgen Prokop giải thích, “Điều này đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp của chúng ta một lần nữa đã đạt được sản lượng sản xuất kỷ lục.”

Với tỷ lệ 66%, hiện tại xuất khẩu của Đức đã giảm xuống mức 3% xấp xỉ 9,1 tỷ euro, do nhu cầu giảm mạnh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này vẫn là thị trường quan trọng đối với các mặt hàng máy móc công cụ Đức. Trong năm 2016, gần một phần năm lượng máy móc công cụ cũng đã được xuất sang Trung Quốc.

Các nhà sản xuất Đức lại là quán quân thế giới về xuất khẩu

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thế giới, các nhà sản xuất máy công cụ Đức lại tiếp tục dẫn đầu. Năm 2016, họ đã thành công khi dẫn trước Nhật Bản trở thành nhà vô địch xuất khẩu của thế giới. Chưa tính đến sản lượng các thành phần và linh kiện máy móc, các doanh nghiệp Đức đã đạt được 7,6 tỷ euro tổng giá trị xuất khẩu. Nhật Bản, trước đó từng dẫn đầu về mặt xuất khẩu, đã phải chịu những tổn thất nặng nề, sụt giảm hơn 1/5 xuống còn 6,3 tỷ Euro. Đây là kết quả của sự yếu kém của thị trường bán lẻ châu Á.

Bên cạnh đó, Đức cũng có mặt trong danh sách các nước dẫn đầu thế giới về mặt sản lượng. Theo số liệu tạm thời, Nhật Bản đang dẫn trước Đức với tổng sản lượng là 11,4 tỷ Euro. Và danh hiệu quán quân trong cuộc đua sản lượng vẫn thuộc về Trung Quốc với 16,5 tỷ Euro.

Cơ hội có được từ các xu hướng công nghệ

Ông Heinz-Jürgen Prokop nhận định, “2017 là năm nhiều thử thách, nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh và mở rộng danh mục sản phẩm.” Theo ông, điều này hỗ trợ khá nhiều trong lĩnh vực sản xuất kết nối mạng kỹ thuật số và các giải pháp cho ngành công nghiệp 4.0. Ông nhìn thấy được những tiềm năng quan trọng trong việc tự động hóa các quy trình xử lý đơn đặt hàng và khắc phục những rối loạn trong quá trình sản xuất. Chủ tịch VDW nhấn mạnh, “Để hiện thực hóa điều này, chúng ta cần một cơ sở IT linh hoạt mà vẫn có thể áp dụng cho các công ty nhỏ, từ máy móc lên đến đám mây.” Dù vậy, ông cũng cảnh báo rằng hiện vẫn còn những trở ngại cần vượt qua, bao gồm các vấn đề chưa được giải quyết hoặc xử lý chưa thích đáng trong mạng lưới hoạt động sản xuất, như tiêu chuẩn hóa giao diện, bảo mật dữ liệu, chủ quyền dữ liệu, trách nhiệm pháp lý, biên chế nhân viên, luật lao động, và nhiều vấn đề khác nữa.

Có cái nhìn rõ hơn về e-mobility

Một vấn đề trọng yếu khác cho ngành máy công cụ trong tương lai là electro-mobility (thiết bị di chuyển bằng điện). Cách mà nó tác động tới ngành máy công cụ vẫn còn gây ra nhiều nghi vấn trong những phân tích gần đây, những câu hỏi đặt ra xoay quanh tỉ lệ phương tiện chạy hoàn toàn bằng điện và sự thay đổi trong quy mô gia công kim loại vẫn chưa được giải đáp. Theo các nhà nghiên cứu sản xuất Đức, trong giai đoạn chuyển giao dài hạn, tỉ lệ xuất hiện các phương tiện lai giữa động cơ thường và động cơ điện là khá cao. Mức độ phức tạp của chúng sẽ đòi hỏi kỹ thuật gia công cao, do sự kết hợp của các động cơ đốt trong và các mô tơ điện. Tuy nhiên, vẫn còn một điều không ai có thể bàn cãi là tất cả các doanh nghiệp phân phối cho ngành công nghiệp ô tô chắc chắn sẽ bị vướng vào những vấn đề trên. Ông Prokop cho biết, “VDW hiện đang hỗ trợ các thành viên của mình cũng như phân tích những cải tiến nào cần được dự đoán trong khung thời gian, nhằm cung cấp nền tảng cho việc hoạch định các chiến lược kinh doanh.”

2017 là năm của EMO

Rất nhiều ý tưởng cải tiến mới cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai sẽ được giới thiệu tại EMO Hannover 2017. Sau 4 năm vắng bóng, hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về gia công kim loại sẽ quay trở lại tại Hannover từ 18 đến 23/09/2017, với khẩu hiệu “Kết nối các hệ thống sản xuất thông minh”. Gần 9 tháng trước khi hội chợ diễn ra, EMO Hannover 2017 đã ghi nhận được những con số kỷ lục: 1,858 công ty từ hơn 40 quốc gia khác nhau đăng ký trưng bày tại hội chợ, trên tổng diện tích khu vực trưng bày gần 158,000 mét vuông. Phản ứng tích cực này cho thấy rằng hơn nhiều thập niên của lịch sử hội chợ, EMO Hannover đã phát triển thành một nền tảng hàng đầu thế giới cho các cải tiến công nghiệp.

Sẵn sàng cho tương lai

Cuối cùng, Chủ tịch của VDW, ông Heinz-Jürgen Prokop khẳng định ngành máy công cụ Đức đã sẵn sàng để đương đầu với những cơn bão cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới. Phần lớn các nhà sản xuất máy công cụ đã và đang chuẩn bị để đối phó với những thử thách đang chờ họ phía trước, để tiếp tục hiện diện trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp cũng đang phát triển những giải pháp mới cũng như tiến hành tích hợp các công nghệ mới vào sản phẩm của mình. Theo ông Prokop, nhu cầu về máy móc công cụ trên thế giới đang gia tăng, và các nhà sản xuất Đức đang đi đầu trong việc đáp ứng các nhu cầu đó.

Tác giả: Manuel Löhmann, phòng Truyền thông và Quan hệ quần chúng, VDW

Để xem các tin bài khác về hội chợ EMO Hannover 2017, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Thông cáo báo chí cung cấp bởi EMO Hannover)

Bình luận hay chia sẻ thông tin