[Video] Ứng dụng Clarifruit cho biết chất lượng trái cây và rau củ chỉ từ một bức ảnh

Tháng Một 17 10:18 2023

Một giải pháp công nghệ cao giúp giảm thiểu việc gần một nửa sản lượng sản phẩm tươi sống bị vứt bỏ trên thị trường quốc tế.

Gần một nửa lượng trái cây và rau tươi trên khắp thế giới đã bị lãng phí. Những hình ảnh mà chúng ta thường thấy là chuối chuyển sang màu đen trong bát trái cây, dưa chuột phủ đầy lông trắng trong tủ lạnh hoặc trái cây bị mốc tại các cửa hàng.

Bây giờ chúng ta hãy cùng xem xét sự lãng phí sản phẩm tươi sống ở quy mô công nghiệp. Toàn bộ số hàng bị vứt bỏ thường xuyên, với chi phí 900 tỷ đô la mỗi năm trên toàn thế giới trong đó sản phẩm của ngành trồng trọt chiếm 45%. 

Tại Úc, các nhà nghiên cứu của trường đại học đã phát hiện ra rằng: Tại một trang trại thuộc bang Queensland, có hơn 85% cà chua còn dùng được nhưng đã bị vứt bỏ chỉ vì chúng quá to, quá nhỏ hoặc hình dạng không đẹp.

Ứng dụng Clarifruit đo chính xác kích thước, màu sắc và các thuộc tính khác của trái cây và rau củ.

Nhưng một trong những lý do lớn nhất mà các sản phẩm tươi sống bị vứt bỏ là người mua và người bán không có cùng suy nghĩ về các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm tươi sống.

Không có nhà đầu tư nào đặt hàng cà chua với tiêu chuẩn chính xác. Người mua sẽ yêu cầu kích thước quả, màu sắc, những khiếm khuyết có thể chấp nhận (nếu có), độ ngọt, độ chắc, độ chua và độ chín. Nếu tất cả những quy ước này được lập thành văn bản thì đó sẽ là một tài liệu dài 20 trang.

Trong suốt 70 năm qua, có rất ít thay đổi trong cách đánh giá sản phẩm tươi sống. Có rất nhiều chỗ sai sót và hiểu lầm khi việc kiểm tra chỉ dựa trên phán đoán của con người. Và điều đó đã dẫn đến việc lãng phí rất nhiều các sản phẩm tươi sống.

Nếu một lô hàng sản phẩm tươi sống được giao đến nhưng không đáp ứng chất lượng như mong muốn, thì người mua có thể thương lượng về giá hoặc từ chối nhận hàng. Kết quả là hàng tấn trái cây và rau quả còn dùng tốt lại bị bán rẻ hoặc thậm chí bỏ đi.

Công ty khởi nghiệp Clarifruit (tại Israel) cho biết giải pháp này là một phương pháp tự động được tích hợp trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) để phân loại trái cây và rau củ một cách khách quan, bằng cách sử dụng các bức ảnh được chụp trên điện thoại thông minh.

Công ty Clarifruit cho biết việc kiểm tra trái cây trở nên nhanh hơn và chi phí rẻ hơn.

Trí tuệ nhân tạo AI đã được cung cấp dữ liệu với 100.000 bức ảnh về các loại trái cây và rau củ, đồng thời được lập thuật toán học máy phân tích các sản phẩm tươi sống bất kể điều kiện ánh sáng, loại điện thoại được sử dụng hay góc chụp của bức ảnh.

Những hình ảnh sản phẩm, cộng với dữ liệu về các thuộc tính bên trong sản phẩm, chẳng hạn như độ cứng và độ ngọt, được đo bằng thiết bị tiêu chuẩn ngành – máy đo độ cứng và máy đo khúc xạ – được dùng làm cơ sở để lập báo cáo phân loại sản phẩm một cách đầy đủ và khách quan.

Điều đó có nghĩa là mỗi người trong chuỗi cung ứng đều có thể hiểu chính xác về chất lượng của những sản phẩm mà họ đang mua hoặc bán. Vì vậy, khi người bán nói cà chua của họ là loại B, thì người mua sẽ biết chính xác những đặc tính của loại cà chua này.

Ông Elad Mardix, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty Clarifruit cho biết: “Công nghệ thị giác máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để việc kiểm tra sản phẩm hoàn toàn khách quan và không dựa vào đánh giá theo phán đoán của các nhân viên kiểm soát chất lượng QC (quality control) về một lô hàng trái cây hoặc rau củ. Kết quả  đánh giá thủ công có thể thay đổi từ người kiểm tra này sang người kiểm tra khác, hoặc vào các thời điểm khác nhau trong ngày”.

Ông Mardix chia sẻ: “Trong thế giới hiện đại thì không thể phán đoán một cách thủ công về chất lượng của các sản phẩm tươi sống”. Nhưng có ba vấn đề, ông Mardix đề cập đến là:

– Thứ nhất: Người bán và người mua không có cùng suy nghĩ về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tươi sống.

– Thứ hai: Quy trình kiểm tra chất lượng không nhất quán. Trong thực tế có nhiều trường hợp nhân viên kiểm tra chất lượng sử dụng thước để đo kích cỡ, và nhìn vào bảng màu để đánh giá màu sắc sản phẩm. Đó là phương pháp kiểm tra chất lượng thủ công và mang tính chủ quan.

– Thứ ba: Thiếu thông tin thời gian thực. Chất lượng sản phẩm tươi sống luôn thay đổi theo từng ngày kể từ khi thu hoạch, trong lúc bảo quản và suốt thời gian vận chuyển.

Chụp ảnh cà chua để kiểm tra chất lượng quả. 

Mỗi người mua đều có những yêu cầu riêng về sản phẩm tươi sống. Công ty Clarifruit đã tiêu chuẩn hóa cách đo lường các yêu cầu đó, ví dụ như đối với sản phẩm cà chua, người mua và người bán đều nhận biết được màu đỏ nào thì chấp nhận được và màu nào thì không.

Ông Mardix nói rằng: “Người mua không cần phải gửi cho người bán một bản tài liệu dài 20 trang nhằm xác định cách kiểm tra và phân loại các sản phẩm tươi sống. Người mua chỉ cần cấp cho người bán quyền truy cập vào bảng thông số chất lượng sản phẩm thông qua công cụ lưu trữ đám mây. Và người bán sẽ thực hiện kiểm soát chất lượng dựa trên bảng thông số đó”.

Ông Mardix nói tiếp: “Hiện tại, trên thế giới không có công ty nào khác cung cấp công cụ kiểm soát chất lượng các sản phẩm tươi sống bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Ước mơ của tôi là “Clarifruit” sẽ trở thành từ được tìm kiếm trực tuyến hàng đầu, nổi tiếng giống như Google.”

Ông Mardix tin rằng ứng dụng Clarifruit có thể trở thành thước đo tiêu chuẩn cho chất lượng của các sản phẩm tươi sống, từ đó mọi người trong ngành thực phẩm mỗi khi cần đánh giá chất lượng sản phẩm thì chỉ cần yêu cầu đối tác một cách đơn giãn như: “Bạn có thể gửi cho tôi Clarifruit được không?”.

Phương pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm tươi sống bằng ứng dụng Clarifruit không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí thực phẩm, mà còn giúp các nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận. Ông Mardix cho biết: “Chúng tôi cung cấp cho các nhà sản xuất và nhà đầu tư những thông tin hữu ích theo thời gian thực, từ đó các nhà quản lý có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, chứ không dựa trên trực giác đánh giá”.

Ông Avi Schwartzer, người đồng sáng lập công ty Clarifruit cho biết ý tưởng phát triển ứng dụng Clarifruit được bắt đầu vào năm 2018 sau khi ông dùng một quả quýt khá nhạt được trồng ở sân sau nhà.

 

Ông Schwartzer nói rằng: “Tôi đã có một khoảng thời gian suy nghĩ sâu sắc, cuối cùng dẫn đến việc đồng sáng lập nền tảng Clarifruit. Trên thị trường lúc này không có một công cụ nào có thể thực hiện việc kiểm soát chất lượng một cách chính xác dành cho các sản phẩm trái cây và rau quả, cho nên tôi đã bắt đầu tự phát triển một công cụ mới”.

Ông Schwartzer nói tiếp: “Trong quá trình phát triển nền tảng Clarifruit, tôi phát hiện ra rằng cách chọn lọc cũng như đánh giá trái cây và rau quả hầu như không thay đổi trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, trong lúc quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang cách mạng hóa mạnh mẽ mọi ngành công nghiệp, thì việc kiểm soát chất lượng QC trái cây và rau quả lại chưa áp dụng.”

Ngày nay, công ty Clarifruit cho biết họ có 25 thương hiệu toàn cầu lớn nhất thế giới là khách hàng, trong đó bao gồm thương hiệu Dole, một trong những nhà sản xuất rau quả lớn nhất trên thế giới với doanh thu năm 2021 là 6,5 tỷ USD; Ngoài ra còn có thương hiệu Mucci Farms là chuyên gia về trồng trọt cà chua trong nhà kính tại Canada; Kế đến công ty Zespri, nhà phân phối quả kiwi lớn nhất thế giới; Công ty SanLucar kinh doanh rau quả toàn cầu và nhà cung cấp táo Pink Lady nổi tiếng thế giới với hương vị độc đáo.

Ông Mardix cho biết, nếu bạn cho rằng giải pháp Clarifruit cần nhiều nhân viên cùng nhau tham gia làm việc nhằm tiêu chuẩn hóa việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm tươi sống, thì tất nhiên không phải vậy.

Ông Mardix nói tiếp: “Lợi tức đầu tư ROI (return on investment) phải hấp dẫn và dựa trên cơ sở thông số tiêu chuẩn. Nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được khoảng từ 50 đến 75% thời gian kiểm tra và chi phí, bởi vì việc kiểm tra chất lượng rau quả được thực hiện một cách tự động. Và công ty Clarifruit sẽ giúp người trồng trọt hoặc nhà bán lẻ giảm được lượng hàng bị từ chối và giảm lãng phí các sản phẩm được phán đoán là chất lượng không phù hợp”.

Để xem các tin bài khác về “Công nghệ/ công nghiệp xanh”, vui lòng nhấn vào đây

 

(Nguồn: Nocamels)

Bình luận hay chia sẻ thông tin