Bước đột phá về khoa học công nghệ dầu khí Việt Nam

Tháng Mười Một 27 07:45 2015

Trong chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, khoa học – công nghệ là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững theo chiều sâu.

Những kết quả điển hình
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững của tập đoàn.

Hình minh họa một nhà máy dầu khí

Về tìm kiếm thăm dò, tập đoàn đã đi sâu đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí của các lô mở, đánh giá các đối tượng phi truyền thống, đánh giá tiềm năng triển vọng các bể trầm tích trước Kainozoi, các nghiên cứu về năng lượng phi truyền thống như khí than, khí sét, khí hydrate… Ngoài các đề tài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học triển khai trong tập đoàn, PVN còn hợp tác với các trường đại học như: Mỏ – Địa Chất, Khoa học Tự nhiên… để thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan đến đánh giá cấu trúc, mô hình địa chất, tiềm năng triển vọng dầu khí của các đối tượng ở một số bể trầm tích.

Đặc biệt, kết quả của dự án: “Đánh giá tiềm năng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” đã được hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá đạt loại xuất sắc. Việc hoàn thành dự án nghiên cứu này đã giúp PVN hoàn thành cơ bản công tác đánh giá điều tra cơ bản về cấu trúc địa chất, tiềm năng triển vọng dầu khí trên toàn thềm lục địa Việt Nam. Kết quả của Dự án đã đóng góp rất lớn vào việc thực hiện chiến lược phát triển của Tập đoàn, là cơ sở khoa học, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển dài hạn của PVN, đồng thời giúp các bộ, ngành liên quan quy hoạch phát triển kinh tế, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Từ kết quả của dự án này, đã mở ra các hướng nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo cũng như định hướng cho các hướng nghiên cứu mới trong công tác tìm kiếm các loại khoáng sản phi dầu khí như khí than, khí sét, khí hydrate…

Về khoan – khai thác dầu khí, tập đoàn đã nghiên cứu về công nghệ khoan trên các vùng biển sâu, khoan trong các đối tượng địa chất có nhiệt độ và áp suất cao, công nghệ khoan ngang, công nghệ khoan giếng thân nhỏ. Các nghiên cứu đánh giá tổng kết về công tác thi công khoan, công tác hoàn thiện giếng, nghiên cứu thiết lập các hệ dung dịch khoan phù hợp với các điều kiện địa chất khác nhau của Việt Nam.

Ở khâu sau, các nghiên cứu khoa học tập trung vào phân tích dầu thô, khí nhằm phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về dầu, khí của các mỏ dầu khí ở Việt Nam. Kết quả phân tích chủ yếu để xây dựng cơ sở dữ liệu, và được sử dụng để tham khảo/ định hướng phương án xử lý/ công nghệ chế biến, khi so sánh lựa chọn loại dầu thô.

Lĩnh vực khí, tập đoàn đã triển khai các nội dung nghiên cứu về thị trường khí, định giá khí, kịch bản giá khí khi có nhập khẩu khí từ nước ngoài, dự báo nhu cầu thị trường khí, cơ chế giá khí cho mỏ Cá Voi Xanh…

Cùng với đó, các nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực điện cũng được triển khai theo các hướng nghiên cứu về hiệu quả đầu tư nhiệt điện khí và điện than của Tập đoàn; vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện. Cạnh đó, các nghiên cứu về khả năng xây dựng nhà máy điện từ rác thải sinh hoạt, cũng như các nghiên cứu tiềm năng gió, kết nối điện gió vào lưới điện độc lập cũng được đẩy mạnh, bên cạnh các nghiên cứu về nhiệt điện than, rút ra kinh nghiệm xử lý chất thải (tro xỉ, tro bay, tách CO2 từ khói thải).

Trong lĩnh vực an toàn sức khỏe môi trường, ngoài xây dựng văn bản pháp luật (Quy định, quy chế, hướng dẫn) phục vụ công tác quản lý, tập đoàn đã nghiên cứu về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ sở dữ liệu môi trường, bản đồ nhạy cảm môi trường. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho các tỉnh ven biển có hoạt động dầu khí. Nghiên cứu xử lý chất thải dầu khí, chế phẩm sinh học xử lý dầu tràn.

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ
Công tác đầu tư đổi mới công nghệ luôn được tập đoàn chú trọng. Kết quả cụ thể của việc đầu tư cho đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong sản xuất ở hai lĩnh vực chính: thăm dò khai thác và chế biến.

Thứ nhất, lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí: Tập đoàn đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại và đưa vào áp dụng các bộ phần mềm xử lý và minh giải tài liệu địa chấn, các phần mềm mô hình hóa và mô phỏng mỏ, thiết kế khai thác, công nghệ khai thác… của các hãng Schlumberger, Landmark, GeoQuest… Kết quả của những nghiên cứu ứng dụng này đã được triển khai và áp dụng vào thực tế công tác thăm dò khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công nghệ sinh học và hoá học đã được PVN áp dụng để nâng cao hệ số thu hồi dầu ở các mỏ trong khai thác thứ cấp như: Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen… Đặc biệt, các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga đã nghiên cứu, sáng tạo và dần hoàn thiện công nghệ khai thác các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam mỏ Bạch Hổ bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam. Việc phát hiện và hoàn thiện công nghệ khai thác dầu trong đá móng của các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga đã đóng góp quan trọng cho nền khoa học dầu khí thế giới, bổ sung thêm vào lý thuyết hệ thống dầu khí thế giới, góp phần quan trọng khai thác có hiệu quả các mỏ dầu ở thềm lục địa của Việt Nam cũng như góp phần duy trì sản lượng khai thác hàng năm của Tập đoàn và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông. Cụm công trình nghiên cứu về tìm kiếm, khai thác dầu trong đá móng mỏ Bạch Hổ đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN.

Thứ hai, lĩnh vực chế biến dầu khí: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc đầu tiên của Việt Nam đang sử dụng các công nghệ/ thiết kế mới nhất, tiên tiến nhất của các nhà cung cấp bản quyền/nhà thiết kế công nghệ trong lĩnh vực lọc dầu của thế giới. Nhà máy có năm công nghệ: công nghệ bản quyền của UOP xử lý xăng chưng cất trực tiếp bằng Hydro (NHT) và phân hóa phân đoạn xăng nhẹ. Công nghệ bản quyền của IFP/Axens, xử lý phân đoạn LCO bằng hydro. Công nghệ bản quyền của Merichem, xử lý LPG (LTU), xử lý xăng RFCC (NTU) và xử lý kiềm (CNU). Công nghệ bản quyền của Mitsui, sản xuất Polipropylene. Cuối cùng là các công cụ tiên tiến sẵn có phục vụ cho vận hành, bảo dưỡng và quản lý thiết bị tại nhà máy.

Các công nghệ/ thiết kế mới nhất, tiên tiến nhất của các nhà cung cấp bản quyền/nhà thiết kế công nghệ trong lĩnh vực lọc dầu, hoá dầu của thế giới cũng được Liên hợp Lọc Hoá dầu Nghi Sơn lựa chọn khi thiết kế và xây dựng nhà máy (dự kiến hoàn thành xây lắp và vận hành từ năm 2017) và được Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn đưa vào danh sách ngắn trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu hiện nay (dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu cung cấp công nghệ và thiết bị chính năm 2016).

Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ (PVTEX) đã nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực hóa dầu, như công nghệ Polyme hai bình phản ứng với quy mô sản xuất khoảng 175.000 tấn/ năm, là công nghệ bản quyền của Uhde Inventa – Fischer (Thụy Sỹ) đã được Sở Khoa Học và Công nghệ Hải Phòng cấp chứng nhận đăng ký số 09/QLCL ngày 01/10/2009.

Các công nghệ đã nhận chuyển giao và đang sử dụng tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Nhà máy Đạm Cà Mau của Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đều là những công nghệ thuộc loại tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Bước vào giai đoạn phát triển mới tiếp theo, tập đoàn tiếp tục chú trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển KHCN, coi đây là giải pháp trung tâm. Cụ thể là việc hoàn chỉnh quy chế/quy định liên quan đến KHCN, quy chế ưu đãi, tăng cường đầu tư, xây dựng kế hoạch nghiên cứu, hợp tác trong và ngoài ngành, xây dựng lộ trình công nghệ (TRM-techonolgy roadmaps) phù hợp cho ngành, tạo nền tảng cho công tác lập kế hoạch nghiên cứu KHN dài hạn.

Vấn đề đào tạo nhân lực/ chính sách thu hút nhân tài được Tập đoàn coi là giải pháp then chốt và phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, bởi đây là động lực của sự phát triển. Đào tạo nhân lực, chuyên gia thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, trong đó bao gồm xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý cao cấp, chuyên gia đầu ngành, cán bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật có trình độ cao cho các lĩnh vực hoạt động trọng điểm của tập đoàn. Áp dụng chế độ, chính sách để thu hút nhân tài. Ngoài ra, tập đoàn cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (máy móc, trang thiết bị, điều kiện làm việc), hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại cho các đơn vị NCKH và phát triển công nghệ trong tập đoàn.

Thành tựu KHCN dầu khí:
– Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam.

– Quy hoạch phát triển tổng thể các mỏ bể Cửu Long.

– Thăm dò, phát triển và khai thác hiệu quả mỏ khí – condensate áp suất cao – nhiệt độ cao khu vực nước sâu xa bờ.

– Thiết kế và chế tạo máy tách khí dung tích không đổi.

– Nghiên cứu phát triển hệ dung dịch khoan gốc nước ức chế sét GLYTROL.

– Nghiên cứu chế tạo cung cấp các cụm thiết bị & đổi mới công nghệ thi công giàn đầu giếng.

– Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng độ nước sâu trên 100m nước với điều kiện ở Việt Nam.

– Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn koan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam.

(Nguồn: nangluongvietnam.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin