Cơ hội mới cho ngành đóng tàu tại Việt Nam

Tháng Bảy 17 07:30 2016

Sau cuộc “đại phẫu” để giải cứu còn tàu “Vinashin” bên bờ vực phá sản, đến nay, ngành đóng tàu của Việt Nam đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức do thị trường đóng tàu của thế giới vẫn chưa thực sự thoát khỏi trầm lắng, song không ít cơ hội đang mở ra cho ngành đóng tàu Việt Nam trong tương lai.

Đi lên từ nội lực
Xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp này, Chính phủ đã quyết tâm chỉ đạo tái cơ cấu ngành đóng tàu một cách mạnh mẽ. Đối với Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – SBIC), 2010 – 2015 là giai đoạn Tổng công ty phải tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và cũng là giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn do đối tác nước ngoài hủy hợp đồng, khách hàng truyền thống là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng tạm dừng dự án đóng hàng chục tàu biển… Đến nay, cùng với sự hỗ trợ lớn từ phía Nhà nước, SBIC đã và đang thực hiện công cuộc tái cơ cấu và khó khăn dần được tháo gỡ.

Co-hoi-moi-cho-nganh-dong-tau-Viet-NamKhông ít cơ hội đang mở ra cho ngành đóng tàu Việt Nam

Theo ông Nguyễn Ngọc Sự – Chủ tịch HĐTV SBIC, thời gian qua, một số dự án đóng tàu gồm đóng mới hoặc triển khai tiếp tục tàu đóng dở đã được khởi động lại, đặc biệt việc SBIC và đơn vị thành viên ký được các hợp đồng đóng tàu cho nước ngoài, điều này khiến cho hy vọng hồi phục có cơ sở hơn. Theo lãnh đạo SBIC, năm 2015, Tổng công ty đã triển khai thi công được 254 sản phẩm, gồm: 15 tàu kiểm ngư, 20 tàu cá, 143 sản phẩm khác và phương tiện thủy nội địa…; đã bàn giao 178/254 sản phẩm, lợi nhuận toàn Tổng công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Cơ hội mới
Năm 2016, Tổng công ty đang đẩy mạnh xúc tiến thị trường đóng tàu cho nước ngoài. Vừa qua, SBIC đã tiếp cận các đối tác của Mỹ, Anh, Úc, Nga…, xác định thị trường xuất khẩu là thị trường chính thì mới đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Thị trường trong nước còn nhiều khó khăn, một số khách hàng truyền thống như Vinalines vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn; thị trường quân đội đóng tàu kiểm ngư vẫn còn hạn chế và rồi đến lúc đơn hàng sẽ cạn dần; thị trường đóng tàu cá theo Nghị định 67 đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Qua các chuyến tiếp xúc và làm việc với các đối tác Mỹ hứa hẹn rất nhiều cơ hội đầu tư, họ có nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu rất lớn. Các đối tác Anh, đại diện khối châu Âu mong muốn đặt SBIC một số loại tàu dầu khí, tàu chở khách 5 sao với giá trị lớn, phà biển với số lượng năm chiếc với giá trị 50 triệu EURO/chiếc. Từ đó, SBIC đang đẩy mạnh tiếp cận, đàm phán với các đối tác để đưa các dự án đó vào triển khai càng sớm càng tốt, có được các nguồn hàng này thì việc sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty sẽ được cải thiện đáng kể”, ông Sự chia sẻ.

Nhìn lại hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ kỹ sư, công nhân đang rất khó khăn, các nhà máy đóng tàu của ta có mớn nước quá nông, trong khi đó việc đóng tàu, sửa chữa tàu cho Mỹ có mớn nước rất sâu, chỉ một, hai nhà máy đáp ứng được như Hạ Long hoặc Cam Ranh. Việc đóng các tàu dịch vụ dầu khí, các nhà máy đều có thể đóng được, nhưng đóng tàu chở khách năm sao có giá trị hàng trăm triệu EURO/chiếc đòi hỏi nội thất hiện đại, từ đó SBIC đang tìm kiếm các nhà thầu phụ đáp ứng được tiêu chuẩn của các tàu này. Ở đây, SBIC chỉ có thể làm tốt việc đóng vỏ, máy và một số công đoạn khác, còn nội thất phải thuê các đối tác khác thì mới đảm bảo chất lượng. Nếu đóng được hệ thống tàu năm sao này thì đơn vị sẽ tạo dựng được tên tuổi trên thế giới. Bên cạnh đó, các phà biển Pari làm bằng vỏ nhôm, tầng dưới chở hàng trăm ô tô và tầng trên chở khách đi qua biển là cơ hội tốt cho SBIC. Muốn đóng được mấy loại tàu này, SBIC đang có kế hoạch đào tạo gấp đội ngũ thợ có tay nghề đạt trình độ quốc tế thì mới đáp đứng được yêu cầu đối tác đề ra.

Trong tháng 4 này, các đoàn đối tác của Mỹ, châu Âu, Úc sẽ làm việc với SBIC; đàm phán, xúc tiến với Nga trong việc đóng tàu cá theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nga. Phía Nga đang có nhu cầu số lượng rất lớn về tàu cá, hai bên đang xúc tiến thương thảo hợp tác để có sự hợp tác cụ thể.

Nếu các đàm phán với các đối tác trên được thuận lợi thì một khối lượng công việc rất lớn sẽ đến với SBIC trong thời gian tới và đó là điều mà SBIC đang rất kỳ vọng trong năm 2016. Tiềm năng sản phẩm đối với SBIC đang có trong tay, nhưng để biến những tiềm năng đó thành hiện thực đòi hỏi SBIC phải tự đổi mới nâng cấp trang thiết bị, nguồn nhân lực… Đặc biệt phải đầu tư cầu tàu, nhà xưởng “đóng tàu trong nhà”, đội ngũ thợ phải có tay nghề quốc tế thì mới có thể đáp ứng được… Song song triển khai các công việc hợp tác quốc tế, SBIC cũng triển khai mạnh mẽ các công việc đầu tư theo Nghị định 67, đóng tàu kiểm ngư và các sản phẩm khác.

(Nguồn: tapchigiaothong.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin