Đầu tư vào trí thông minh nhân tạo, sinh lời bạc tỷ trong tương lai

Tháng Ba 25 07:45 2016

Trí thông minh nhân tạo đang bắt đầu chứng tỏ là một lĩnh vực vô cùng hấp dẫn và béo bở đối với giới đầu tư. Trải qua hàng thập kỷ nghiên cứu ròng rã cùng nhiều tỷ đô la tiền vốn rót vào cho hoạt động đầu tư phát triển, lĩnh vực trí thông minh nhân tạo hiện đang có những bước phát triển và đột phá hơn bao giờ hết.

Hiện nay, loại hình công nghệ cao này đang bắt đầu đổ bộ vào lĩnh vực kinh doanh trên diện rộng và thâm nhập ngày càng sâu vào cuộc sống của chúng ta.

Dau-tu-vao-tri-thong-minh-nhan-tao-sinh-loi-bac-ty-trong-tuong-lai

Trí thông minh nhân tạo đang tạo ra những đổi mới vô cùng sâu rộng trong cuộc sống chúng ta hiện nay. Đây là một lĩnh vực khoa học khiến cho máy móc có thể suy nghĩ và hành động giống như con người dưới sự hỗ trợ của máy tính và phần mềm. Tuy nhiên, nguyên tắc chung lại rất đơn giản. Trí thông minh của một cỗ máy phụ thuộc vào lượng thông tin mà chúng ta đưa vào ngân hàng bộ nhớ của nó. Càng nhiều thông tin, nó sẽ càng thông minh hơn.

Facebook, Google, IBM và Nvidia là một trong những ông lớn trong làng công nghệ đã chi đậm cho hoạt động phát triển trí thông minh nhân tạo.

“Chúng tôi đang thấy rất nhiều công ty áp dụng các loại hình trí thông minh nhân tạo khác nhau vào hoạt đông sản xuất kinh doanh. Chúng tôi cũng đang nhìn thấy rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm nhảy vào lĩnh vực trí thông minh nhân tạo và gần đây đã có nhiều vụ mua lại các công ty nghiên cứu diễn ra “, Schubmehl, Chủ tịch Tập đoàn Nghiên cứu thị trường IDC cho biết.

Tập đoàn IBM đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ trong hoạt động nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và giờ đây đang bắt đầu thu về quả ngọt. Họ đã phát triển thành công công cụ “điện toán nhận thức” nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh và vận hành công ty doanh nghiệp thông qua nền tảng đám mây Watson.

Facebook cũng đang sử dụng trí thông minh nhân tạo để tìm ra cách thức đưa internet đến những vùng xa xôi nhất trên thế giới cũng như hoàn thiện tính năng News Feed, khiến nó trở nên phù hợp hơn với từng người dùng của mạng xã hội này. Google hiện đang sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo có tên là Alphabet để tăng cường khả năng tìm kiếm, cải thiện hiệu suất nhận dạng giọng nói và lấy thêm nhiều dữ liệu hình ảnh và video hơn. Nvidia đang trong quá trình phát triển công nghệ chip thông minh nhằm hỗ trợ cho các xe tự hành và cải thiện quá trình giao tiếp giữa người và xe.

Vào cuối năm 2014, một nền tảng trí thông minh nhân tạo mới có tên là Sentient được giới thiệu trên chuyên trang mua bán giày Shoeme.ca.

Khi người dùng truy cập vào trang web và chọn một loại giày nào đó, thuật toán công nghệ cao sẽ dựa vào tính chất của đôi giày mà bạn đã lựa chọn và đưa ra gợi ý về những đôi giày tiếp theo mà bạn có thể thích. Điều này đã giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm được rất nhiều thời gian và không bị ngập chìm trong lượng sản phẩm khổng lồ.

Từ bước ngoặt này, trí thông minh nhân tạo đã giúp con người cách mạng hóa trải nghiệm tiêu dùng trên một trang web thương mại điện tử. Đây là một sự thay đổi lớn chưa từng thấy trong quá trình tương tác giữa người dùng và các sản phẩm trực tuyến, từ đó tạo ra sự thay đổi dây chuyền trong khâu sản xuất và tiêu thụ.

Sau đó, Sentient đã nhận được 143 triệu đô la tài trợ vốn liên doanh từ các tập đoàn công nghệ. Đây là dự án trí thông minh nhân tạo được rót vốn vào nhiều nhất từ trước đến nay.

Từ năm 2010, các dự án về lĩnh vực trí thông minh nhân tạo đã nhận được hơn 967 triệu đô la tiền tài trợ. Chỉ riêng Intel đã đầu tư vào hơn 16 công ty nghiên cứu trí thông minh nhân tạo, bao gồm cả Tập đoàn Saffron Technology.

Tập đoàn Saffron Technology chuyên về phát triển một nền tảng đặc biệt có thể “bắt chước một cách cơ bản cách thức con người ghi nhớ và học hỏi”. Trong một nghiên cứu trên trang web của mình, Saffron đã giúp các doanh nghiệp bảo hiểm xác định các yêu cầu bảo hiểm có dấu hiệu gian lận.

Trong khoảng thời gian 10 tuần, Saffron đã dùng công nghệ trí thông minh nhân tạo kiểm tra hơn 113.000 đơn yêu cầu đòi bảo hiểm và nhận thấy có 3 tiểu mục xuất hiện dấu hiệu gian lận. Trong đó có một tiểu mục gồm 38 đơn yêu cầu bảo hiểm với tổng giá trị lên đến 400.000 đô la Mỹ.

Công nghệ do Saffron tạo dựng có thể thu thập dữ liệu và xác định các mối quan hệ liên quan với các ẩn số chưa tìm ra, bao gồm các thông tin đầu vào khác nhau, thông tin nhân khẩu học và mô tả thương tích bảo hiểm. Từ đó tạo ra một ngân hàng thông tin khổng lồ và vô cùng phức tạp. Công nghệ kiểm tra của Saffron có thể giúp các công ty bảo hiểm tiết kiệm được hàng chục triệu đô la một năm nhờ phát hiện và tránh được những thương vụ bảo hiểm sai lầm.

Hiện nay, có hơn 500 công ty lớn trên toàn cầu như Turner Broadcasting, The Time Warner… đều đang sử dụng dịch vụ đám mây thông minh Watson để phát triển các sản phẩm thương mại, ứng dụng và dịch vụ.

Các chuyên gia cho rằng với sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo, các công ty sẽ tìm ra được phương pháp truyền thông thích hợp hướng tới từng đối tượng tiêu dùng cụ thể cũng như mang lại tác động và hiệu quả lớn hơn.

Công nghệ điện toán đám mây Watson hiện cũng đang tham gia vào lĩnh vực y tế và sức khỏe. Gần đây, tập đoàn Medtronic đã kí hợp đồng hợp tác với IBM về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

Bằng cách phân tích thông tin đầu vào về tình trạng sức khỏe bệnh nhân do các thiết bị Medtronic cung cấp, công nghệ đám mây điện toán Watson của IBM có thể dự đoán sự tăng giảm nồng độ đường trong máu của của bệnh nhân trong khoảng thời gian kéo dài 3 tiếng. IBM cũng đang có tham vọng bành trướng ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực dự báo khi mua lại những công ty dự báo thời tiết lớn như Weather.com, Weather Underground cũng như lượng thông tin điện toán đám mây mà các công ty này sở hữu. Ước tính thương vụ này trị giá hơn 2 tỷ đô la.

Tuy nhiên, nhờ vào hai công ty khổng lồ này mà IBM sẽ có thể phân tích dữ liệu từ hơn 2 tỷ điểm phân tích thời tiết trên khắp thế giới, thông tin khí hậu từ 40 triệu chiếc điện thoại thông minh cũng như từ 50.000 chuyến bay trên khắp thế giới gửi về trung tâm điều phối mỗi ngày. Từ đây, IBM có thể cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ định hướng dữ liệu dựa trên trí thông minh nhân tạo về lĩnh vực thời tiết cho hơn 5.000 công ty lớn trên khắp thế giới, bao gồm truyền thông, hàng không, năng lượng, bảo hiểm và các ngành công nghiệp của chính phủ.

Ông lớn Facebook cũng không chịu thua kém trong quá trình chạy đua trí thông minh nhân tạo. Vào tháng 6 năm 2015, Facebook đã mở một trung tâm nghiên cứu trí thông minh nhân tạo khá lớn đặt ở Paris với mục tiêu cải thiện khả năng tương tác người dùng mạng xã hội.

Người phát ngôn của Facebook cho biết, với trí thông minh nhân tạo, họ đang hy vọng có thể cải thiện được chất lượng của News Feed, tăng cường hình ảnh cũng như chất lượng của công cụ tìm kiếm. Từ đó cho phép người dùng kết nối và chia sẻ theo một cách thức hoàn toàn mới mẻ.

(Nguồn: Bizlive.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin