Năm 2017, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có tuyến BRT đầu tiên

Tháng Tám 30 08:00 2013

Đồ án Quy hoạch Phát triển Giao Thông Vận Tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020 vừa bổ sung thêm mạng lưới BRT. BRT đang được Tp. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Tp. Hồ Chí Minh – Phóng viên: Thưa ông, đã có dự án đầu tư xây dựng tuyến BRT nào ở TPHCM chưa?

– Ông Dương Hồng Thanh: Có một tuyến đang được gấp rút triển khai thực hiện, đó là tuyến xuất phát từ Bến xe miền Tây, chạy dọc đường Võ Văn Kiệt, qua hầm Thủ Thiêm và kết nối với ga của tuyến metro số 1 ở khu vực Cát Lái, quận 2. Hiện dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. TPHCM phấn đấu hoàn thành sớm dự án này để có thể đề xuất Ngân hàng Thế giới đưa vào tài khóa cho vay trong năm 2015. Nếu đạt được tiến độ nêu trên, sau hai năm xây dựng, năm 2017 tuyến BRT đầu tiên của thành phố sẽ đi vào hoạt động.

Nam 2017 TPHCM se co tuyen BRT dau tien_1

– Những tuyến còn lại, bao giờ triển khai? TPHCM dự định hình thành một mạng lưới BRT, mạng lưới này sẽ như thế nào, thưa ông?

– Quy hoạch Phát triển GTVT TPHCM đặt ra nhiệm vụ phát triển hệ thống BRT nhưng đó mới là kế hoạch. Hệ thống này như thế nào, sẽ được triển khai nghiên cứu cụ thể sau. Tuy nhiên, thời gian qua, nằm trong chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của TPHCM, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ thành phố nghiên cứu 8 hướng tuyến BRT. Tuyến 1, dài 32,3km xuất phát từ Ngã tư Bình Phước – Xô Viết Nghệ Tĩnh/ Đinh Bộ Lĩnh – Nguyễn Thị Minh Khai – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – Bến xe miền Tây; tuyến 2 dài 9,1km từ chợ Bến Thành – Cách Mạng Tháng 8 – ngã ba Bà Quẹo; tuyến 3 dài 14,8 km từ Bến Bạch Đằng – Hai Bà Trưng – Nguyễn Kiệm – Quang Trung – Công viên phần mềm Quang Trung; tuyến 4 dài 22km từ Bùng binh Cây Gõ – Đường 3 Tháng 2 – Điện Biên Phủ/ Võ Thị Sáu – Hàng Xanh – xa lộ Hà Nội; tuyến 5, dài 13km từ Bến xe quận 8 – Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ – Bạch Đằng – Hàng Xanh; tuyến 6 dài 14,6km từ Bến Bạch Đằng – Nguyễn Tất Thành – Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ – cầu Kênh Tẻ – Nguyễn Thái Học – Công viên 23-9; tuyến số 7, dài 16,3km, bắt đầu từ chợ Bến Thành – Nam Kỳ Khởi Nghĩa/ Pasteur – Nguyễn Văn Trỗi – Cộng Hòa – Trường Chinh tới Bến xe An Sương; tuyến số 8 dài 5km từ ngã ba Bà Quẹo – Âu Cơ – Lê Đại Hành – đường 3 Tháng 2 sau đó kết nối với tuyến số 4. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, cả 8 tuyến này đều khả thi về mặt kinh tế và TPHCM nên thí điểm đầu tư trước tuyến số 7 vì đây là tuyến rất có tiềm năng. TPHCM đánh giá cao các nghiên cứu của phía Hàn Quốc và sẽ xem xét các đề nghị này trong việc phát triển mạng lưới BRT. BRT sẽ được triền khai đầu tư mạnh mẽ khi TPHCM thẩm định xong các tuyến và thu xếp được nguồn vốn đầu tư.

– TPHCM sẽ cân đối phát triển BRT như thế nào trong sự phát triển chung của các phương tiện vận tải khác? Đặc biệt là phương tiện giao thông cá nhân vì phát triển BRT đồng nghĩa với việc phải dành một diện tích đường riêng đáng kể cho loại phương tiện này?

– Do diện tích đường của TPHCM còn thiếu so với nhu cầu, số đường có chiều rộng mặt đường lớn, đủ để dành riêng một làn cho BRT không nhiều nên Sở GTVT dự kiến sẽ tổ chức hệ thống BRT với nhiều làn đường hỗn hợp. Ở những khu vực đường lớn, đủ để dành riêng một làn cho BRT thì sẽ dành hẳn một làn riêng cho BRT, ở những khu vực đường nhỏ nhưng mật độ giao thông không lớn, sẽ tổ chức làn ưu tiên cho BRT. Khi BRT xuất hiện, các phương tiện giao thông khác đang đi cùng làn với BRT sẽ phải nhường đường cho BRT. Ngược lại ở những khu vực đường nhỏ, mật độ giao thông lớn, BRT sẽ lưu thông cùng các loại phương tiện giao thông khác.

– BRT đi chung làn với các phương tiện giao thông khác, liệu có khả thi, an toàn khi mà về nguyên tắc, BRT thường có nhiều toa?

– Để phù hợp với diện tích đường cũng như mật độ lưu thông ở TPHCM, dự kiến BRT ở thành phố chỉ có một đến hai toa, tùy tuyến.

– Cảm ơn ông!

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: