Ứng dụng công nghệ tiên tiến giảm tỷ lệ rác chôn lấp

Tháng Mười Hai 04 09:00 2013

Khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Ðối với ngành môi trường đô thị, khoa học và công nghệ đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, giảm ô nhiễm môi trường, đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Ung dung cong nghe giam ty le rac chon lap_01

Những năm qua, các đơn vị hội viên Hiệp hội Môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam đã và đang đặc biệt quan tâm việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm tỷ lệ rác chôn lấp.

Nhiều khu liên hợp xử lý rác đô thị với quy mô lớn, có công nghệ phù hợp đã được đầu tư, xây dựng và vận hành tại một số địa phương như: Hà Tĩnh (ứng dụng công nghệ của Bỉ, với công suất 200 tấn/ngày,  đêm), Vĩnh Long (công suất 100 tấn/ngày), Cà Mau (công nghệ Vibio, công suất 160 tấn/ngày)… Mới đây, khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương với công suất 420 tấn/ ngày, xử lý nước rỉ rác với công suất 480m3/ giờ và khu xử lý rác công nghiệp, rác công nghiệp nguy hại có công suất 500 tấn/ ngày. Ngày 25-9, nhà máy xử lý rác Ðịnh Quán (Ðồng Nai) đã được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động với quy mô cấp huyện.

Hiện nay, việc xử lý rác theo phương thức chôn lấp truyền thống đã không còn là sự lựa chọn tối ưu bởi ảnh hưởng đến môi trường như: Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thứ cấp, mất nhiều diện tích… Vì vậy công nghệ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, y tế, chất thải nguy hại với quy mô phù hợp đã được các địa phương lựa chọn, đầu tư, áp dụng như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai. Có thể nói: công nghệ lò đốt đã góp phần đáng kể trong giảm ô nhiễm môi trường cũng như giảm tỷ lệ rác chôn lấp.

Cuối tháng 9, tại Hà Nội, đã chính thức khởi công dự án đốt rác công nghiệp phát điện tại khu xử lý rác Nam Sơn, do tổ chức Nedo – Nhật Bản tài trợ với công suất 75 tấn/ngày.

Ngoài việc lựa chọn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào việc xử lý rác thải, đem lại lợi ích cho công tác bảo vệ môi trường, Hiệp hội Môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam còn đưa ra nhiều sáng kiến tiến bộ đã và đang được áp dụng hiệu quả tại các đơn vị trong phạm vi cả nước. Ðiển hình là khu vực miền trung, Tây Nguyên với một số đề án thiết thực: “thu gom rác ban ngày sang ban đêm”, “thu gom rác theo giờ”, “các tuyến đường văn minh đô thị”, “tổ dân phố không rác”, “góc phố sạch – vỉa hè xanh”; hay mô hình “áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công tác vệ sinh đô thị” tại Hải Phòng… Nhờ đó mà nhiều đơn vị đã bảo đảm thu gom, vận chuyển, xử lý được hơn  90% lượng rác thải, chất thải hằng ngày, làm tốt công tác vệ sinh đô thị, giữ môi trường xanh-sạch-đẹp, nâng cao chất lượng sống của người dân, được xã hội ghi nhận, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ.

Thực hiện công tác nghiên cứu khoa học do Bộ Xây dựng giao, trong thời gian qua, Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam,  đơn vị trực thuộc hiệp hội đã tổ chức thực hiện 14 đề tài, trong đó có 10 đề tài cấp bộ, nổi bật là đề tài “Xây dựng kế hoạch và các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các bãi chôn lấp chất thải rắn khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung”. Hầu hết các đề tài đã được hội đồng khoa học nghiệm thu của Bộ Xây dựng, các địa phương đánh giá cao và kết quả nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị, giải pháp công nghệ được các cơ quan chức năng tham khảo, sử dụng trong các văn bản quy phạm của lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng cơ sở. Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp đã phối hợp Viện Môi trường quốc gia Nhật Bản triển khai đề tài nghiên cứu về “Phát triển cơ sở dữ liệu và đánh giá các hệ thống quản lý chất thải tại Việt Nam” và “Phân tích thành phần chất thải rắn sinh hoạt” với công ty Marubeni Corporation Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hiệp hội môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị phù hợp với điều kiện Việt Nam” có quy mô toàn quốc thu hút sự tham dự của các cơ quan, các doanh nghiệp môi trường đô thị trong nước, các nhà khoa học và các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực môi trường đô thị. Hội thảo đã tổng kết và kiến nghị với bộ xây dựng, các địa phương nhóm tiêu chí về lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn đô thị phù hợp với vùng miền để tham khảo và triển khai áp dụng. Hiệp hội phối hợp với các tổ chức quốc tế của Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức được năm hội thảo khoa học chuyên đề. Tại hội khu vực miền bắc, miền trung, Tây Nguyên và khu vực miền nam đã tổ chức được ba hội nghị khoa học do các hội khu vực chủ động tổ chức và đã đạt kết quả tốt, thiết thực cho các địa phương.

Việc lựa chọn, đầu tư và áp dụng các công nghệ tiên tiến phù hợp điều kiện Việt Nam là hướng đi đúng của Hiệp hội Môi trường đô thị và các khu công nghiệp Việt Nam, nhờ vậy đã có tác động tích cực trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng đô thị văn minh, xanh- sạch- đẹp.
(Nguồn: hiendaihoa.com)

Bình luận hay chia sẻ thông tin