[Video] Phát triển phương tiện giao thông đường bộ, từ taxi tự lái đến ô tô có thể gập lại

Tháng Một 21 07:00 2023

Israel đã ngừng sản xuất ô tô sau khi ra mắt nhãn hiệu Sussita, nhưng hiện nay quốc gia này lại dẫn đầu thế giới về công nghệ dành cho ô tô.

Israel chưa bao giờ là một quốc gia có ngành sản xuất ô tô nổi bật trên thế giới. Vào cuối những năm 1960, chiếc ô tô hiệu Sussita với thân xe được làm bằng sợi thủy tinh và động cơ hiệu Ford Anglia. Chiếc ô tô này được mọi người gọi là “khối lập phương” bởi hình dạng đặc trưng của xe. Các cơ quan chính phủ đã phải mua ô tô Sussita, vì không có khách hàng tiêu thụ.

Israel đã chuyển ngành sản xuất ô tô sang hướng phát triển mới và trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ cung cấp năng lượng cho ô tô và công nghệ hỗ trợ người lái xe.

Thân ô tô Sussita được làm bằng sợi thủy tinh do công ty Autocars sản xuất tại Israel vào những năm 1960.

Tại Israel, vào tháng 6 năm 2013, công ty Waze cung cấp phần mềm định vị bằng vệ tinh đã được Google mua lại với giá 1,3 tỷ USD. Sau đó vào tháng 3 năm 2017, công ty Mobileye cung cấp hệ thống hỗ trợ người lái xe ô tô đã được công ty Intel mua lại với giá 15,3 tỷ USD. Đó là hai thương vụ mua lại thương hiệu lớn nhất từ ​​trước đến nay đối với loại hình doanh nghiệp cung cấp công nghệ tại Israel.

Hiện nay, tại Israel có hơn 400 công ty khởi nghiệp thuộc ngành ô tô đang phát triển một loạt các công nghệ, từ tránh va chạm đến ô tô tự lái, từ pin xe điện đến hệ thống trí tuệ nhân tạo AI (artificial intelligence) có khả năng kiểm tra lỗi hoạt động của ô tô. Đây chỉ là một số sản phẩm công nghệ tiến bộ tại Israel.

Khắc phục “hội chứng bỏ quên con” trong xe ô tô

Công ty Guardian OpTech (Guardian Optical Technologies) cung cấp thiết bị cảm biến được lắp đặt trên trần xe ô tô và nhạy đến mức có thể phát hiện nhịp tim của hành khách.

Thiết bị cảm biến có thể xác định được sự có mặt của hành khách trong xe ô tô và kiểm tra xem họ có thắt dây an toàn hay không và thiết bị cũng có thể giải cứu trẻ em bị bỏ quên một mình trong xe ô tô.

Vào tháng 7 năm 2022, một cậu bé ba tuổi đã chết sau khi bị bố mẹ bỏ quên trong ô tô tại một trường mầm non ở Nam Florida, đó là nạn nhân của “hội chứng bỏ quên con” trong xe ô tô. Trung bình có 38 trẻ em dưới 15 tuổi chết mỗi năm do say nắng khi bị bỏ quên trong xe ô tô tại Mỹ.

Trong trường hợp phát hiện trẻ bị bỏ quên trong ô tô một mình, ứng dụng Guardian OpTech sẽ nhắn tin báo cho người lái xe và bật điều hòa trong ô tô.

Công ty khởi nghiệp Guardian OpTech có trụ sở tại thành phố Tel Aviv (Israel) cung cấp thiết bị cảm biến (đã được cấp bằng sáng chế) hoạt động liên tục để quét không gian bên trong xe ô tô, theo dõi và xác định vị trí thực tế của mọi người và vật thể trong xe, ngay cả khi có vật cản.

Xe ô tô có thể thu nhỏ kích thước

Ô tô City Transformer CT-1 là một chiếc xe ô tô có thể tự thu gọn. Chiếc xe ô tô hai chỗ nhỏ bé ban đầu chỉ rộng 1,4 m, nhưng các bánh xe có thể gập lại cho nên nó sẽ lọt vào những chỗ đậu xe chật hẹp nhất. Khi xe được bật “chế độ chạy trong đô thị”, độ rộng của ô tô sẽ thu gọn lại chỉ còn 1 mét.

Chiếc ô tô điện siêu nhỏ biến hình CT-1 chỉ dài 2,5 m, vì vậy bốn chiếc có thể đỗ vuông góc với lề đường, tương đương khoảng trống dành cho một chiếc ô tô thông thường.

Chỉ cần nhấn một nút thay đổi chế độ, người lái ô tô có thể chuyển từ chế độ chạy trong đô thị sang chế độ thu nhỏ kích thước và xe có thể đạt vận tốc lên tới 90 km/ giờ, với phạm vi di chuyển từ 120 km đến 180 km trong một lần sạc (chưa đầy một giờ sạc).

Ông Dani Shavit, giám đốc điều hành của tập đoàn Lubinski, một trong những nhà nhập khẩu ô tô lớn nhất tại Israel, công ty đã đầu tư rất nhiều vào dự án CT-1, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng về khả năng hoạt động của ô tô City Transformer đang cách mạng hóa phương tiện giao thông trong đô thị”.

Ông Shavit nói tiếp: “Giao thông đô thị rất cần những ý tưởng đột phá để đưa con người vào một kỷ nguyên mới với không khí sạch và giao thông bền vững”.

City Transformer dự kiến sẽ bắt đầu được sản xuất vào năm 2024, thị trường mục tiêu châu Âu, kế tiếp là Bắc Mỹ và Israel.

Tổ chức United Hatzala tại Israel, một tổ chức dịch vụ y tế khẩn cấp phi lợi nhuận, đã đăng ký mua 1.000 chiếc CT-1 cho những nhân viên y tế tình nguyện để họ có thể di chuyển một cách nhanh chóng và đỗ xe dễ dàng trong đô thị.

Taxi tự lái thử nghiệm khi tham gia giao thông tại thành phố Jerusalem (tại Israel)

Khi có sự can thiệp của ứng dụng Mobileye sẽ mang lại nhiều ưu điểm hơn thay vì người tài xế có thể lái xe đi đúng làn đường hoặc đôi khi bị lạc tay lái do có tình huống bất ngờ. Ứng dụng Mobileye hiện đang được thử nghiệm trên taxi tự lái (robotaxis) tại thành phố Jerusalem (Israel), đây có thể là một tin tuyệt vời dành cho những vị hành khách, nhưng là tin không tốt lắm đối với các tài xế taxi.

Phần mềm Mobileye sử dụng 11 camera cùng với LiDar và radar để chạy hai hệ thống lái tự động riêng biệt dành cho taxi tự lái.

Sau khi được cấp phép hoạt động cho mục đích thương mại, taxi tự lái sẽ chở được tối đa bảy người và đưa họ đến nơi an toàn mà không cần tài xế.

Công ty Mobileye cho biết, việc kết hợp hai hệ thống lái tự động độc lập là do nếu một trong hai hệ thống bị lỗi thì hệ thống kia sẽ tiếp quản. Một hệ thống lái tự động điều khiển xe dựa vào 11 camera được đặt xung quanh xe nhằm cung cấp chế độ quan sát 360°, hệ thống còn lại còn lại sử dụng LiDAR và radar.

(1) LiDAR (laser imaging, detection, and ranging): Một phương pháp khảo sát đo khoảng cách tới chướng ngại vật bằng cách chiếu sáng xung quanh vật cản đó bằng tia lazer và đo các xung phản xạ bằng cảm biến. Sự khác biệt về thời gian đo và bước sóng laser được sử dụng để tạo mô hình số 3 chiều.

Cả hai hệ thống lái tự động đóng vai trò hỗ trợ cho nhau, công ty Mobileye gọi đây là hệ thống cảm biến True Redundancy.

Công ty Mobileye cho biết: “Hệ thống lái tự động dự phòng là điều cần thiết khi thiết kế hệ thống an toàn cho ô tô. Mục tiêu là trang bị cho hệ thống an toàn vài hệ thống kiểm soát thực hiện cùng một chức năng điều khiển xe, để nếu một hệ thống gặp sự cố, thì toàn bộ hệ thống vẫn có thể bảo đảm lái xe tự động một cách an toàn”.

Trong đoạn video dài 40 phút, công ty Mobileye cho thấy taxi tự lái đã hoàn thành các thao tác lái xe phức tạp như: điều khiển ô tô trên đường phố vào ban đêm, đi đúng hướng dẫn của các biển báo giao thông phức tạp, hệ thống lái tự động có thể nhận biết và nhường đường cho người đi bộ băng qua đường và tránh được ô tô khác đang quay đầu và đi ngược chiều.

Thiết bị theo dõi tình trạng căng thẳng, mệt mỏi của người lái ô tô

Thiết bị giám sát CU-BX sử dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích nâng cao để theo dõi tình trạng sức khỏe của người lái xe và đưa ra những cảnh báo.

Thiết bị CU-BX giám sát dấu hiệu sinh tồn của người lái xe để phát hiện các dấu hiệu căng thẳng hoặc mệt mỏi. 

Thiết bị giám sát CU-BX đã được phát triển một hệ thống phát hiện chuyển động nano đã được cấp bằng sáng chế, thiết bị nhạy đến mức có thể tự đo nhịp tim, nhịp thở và sự thay đổi nhịp tim, đồng thời CU-BX còn nhận biết được tình trạng căng thẳng, mệt mỏi hoặc bất kỳ điều gì khác có thể làm giảm khả năng điều khiển của người lái xe.

Công nghệ CU-BX có thể hoạt động được cho dù người lái xe đang mặc bao nhiêu lớp quần áo, hay sự khác biệt về vóc dáng, hoặc khi mang kính râm, khẩu trang hay các phụ kiện khác che khuất khuôn mặt và điều kiện ánh sáng môi trường xung quanh hay chất lượng đường đi. Thiết bị giám sát CU-BX được thiết kế để dễ dàng tích hợp vào ô tô và xe tải.

Ông Eran Hochstadter, phó giám đốc phát triển kinh doanh của công ty CU-BX cho biết: “Việc đo nhịp tim, nhịp thở của những hành khách trong một chiếc xe là vô cùng khó khăn. Lái xe là một trong những điều rủi ro nhất trong công việc thường ngày của mỗi người”.

Ông Hochstadter nói tiếp: “Không thể đoán trước những tình huống nào có thể xảy ra trong quá trình điều khiển ô tô, cho nên gây khó khăn trong việc đo nhịp tim, nhịp thở, theo dõi và nhận biết tình trạng của người lái xe một cách chính xác. Công nghệ CU-BX được cấp bằng sáng chế có thể giúp cho việc lái xe trở nên an toàn hơn. Thiết bị giám sát giúp theo dõi mức độ căng thẳng, sự thoải mái thông qua nhiệt độ cơ thể và tình trạng sức khỏe của người lái xe bất kể điều kiện đường phố, sự che khuất bởi quần áo hay sự khác biệt về vóc dáng của những người lái xe”.

Máy ảnh nhiệt có thể phát hiện mọi vật cản

Máy ảnh nhiệt Viper do công ty khởi nghiệp AdaSky (tại Israel) phát triển, có thể nhận biết người đi bộ ngay cả khi người lái xe không thể nhìn thấy. Những lúc ô tô di chuyển dưới trời mưa to, hay ánh nắng chói chang, sương mù dày đặc hoặc đường phố về đêm không có ánh sáng, thiết bị có thể cảnh báo người lái xe ngay khi xuất hiện vật cản là con người hoặc động vật bằng cách sử dụng sóng ánh sáng hồng ngoại xa (FIR – far infrared) để đo nhiệt lượng từ vật cản phát ra.

Máy ảnh nhiệt Viper có thể phát hiện các vật thể cách xa ô tô hơn 200 mét và có thể được tích hợp vào hệ thống phanh tự động khẩn cấp để tránh việc xe xảy ra va chạm.

Ông Yakov Shaharabani, giám đốc điều hành của công ty AdaSky cho rằng máy ảnh nhiệt Viper (có giá khoảng 100 Đô la) sẽ là “túi khí an toàn thứ hai” giúp cho việc lái xe ô tô an toàn hơn.

Ông William Grabowski, người đứng đầu công ty AdaSky khu vưc Bắc Mỹ, cho biết: “Không giống như radar, LiDAR hoặc công nghệ camera ban ngày, máy ảnh nhiệt Viper không cần ánh sáng xung quanh hoặc tín hiệu hoạt động để phát hiện và phân loại những chướng ngại vật trong mọi điều kiện hoạt động”.

Ông Grabowski nói tiếp: “Công ty AdaSky sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để giám sát các camera trong khi người cầm lái đang điều khiển xe chạy, thiết bị sẽ cảnh báo khi phát hiện chướng ngại vật có thể gây nguy hiểm. Một điểm khác biệt nữa giữa máy ảnh nhiệt Viper so với những thương hiệu khác trên thị trường là việc phát hiện người đi bộ bị giới hạn trong khu vực có ánh đèn pha của ô tô chiếu sáng, trong khi camera nhiệt lại có thể ‘nhìn’ xa hơn nhiều.”

Để xem các tin bài khác về “Công nghiệp Ô tô & Xe máy”, vui lòng nhấn vào đây

 

(Nguồn: Nocamels)

Bình luận hay chia sẻ thông tin