Cú hích cho ngành vi mạch

Tháng Tám 31 08:00 2014

Tuy không thể nóng vội nhưng thời gian không chờ đợi, đó là “sức ép” vô hình khi phát triển ngành vi mạch tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Điều này được thể hiện khá rõ khi Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM có nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án trong “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM”… nhưng đến nay vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Quả tim đã “nhảy”
Đối với TPHCM, việc đầu tư phát triển công nghệ cao nói chung và phát triển vi mạch nói riêng là chiến lược không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ngành vi mạch, sản xuất được chip cũng như đã tạo ra “quả tim”, nhưng để quả tim này thực hiện được vai trò thì còn kết nối các thứ khác lại với nhau…

Hiện hai dòng chip SG và RFID của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) có thể hiện diện trong 30 sản phẩm điện tử, điện gia dụng… Nhưng đến nay, những con chip đó chỉ xuất hiện trong một vài sản phẩm. Từ thực tế đưa sản phẩm vi mạch vào sản phẩm thương mại cũng phải có những mô hình hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và nhà sản xuất.

Được biết, ICDREC có 2 công ty liên doanh trong nước là Công ty cổ phần Saigon Track (thành lập năm 2012, sản xuất các thiết bị định vị cho xe hơi và xe hai bánh) và Công ty cổ phần Saigon Solution (thành lập năm 2013, sản xuất các sản phẩm điện gia dụng) và một liên doanh nước ngoài với Công ty Radrix (Nhật), chuyên thiết kế và sản xuất chip WiFi thế hệ thứ tư… Nhưng đây cũng là nhóm sản phẩm hiếm hoi dùng chip Việt Nam đang được bày bán trên thị trường. Trong khi đó, hàng chục ngàn sản phẩm khác nhau, từ công nghệ chế tạo đơn giản như các thiết bị điện gia dụng cho đến hàng điện tử lại được các doanh nghiệp trong nước thích nhập khẩu!

Cu hich cho nganh vi mach_01

Chi tiết bên trong thiết bị giám sát hành trình X200, một trong những sản phẩm vi mạch của TPHCM

Nhìn bao quát hơn, trong những năm qua ngành vi mạch tại TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu có tính “bước ngoặt” như chip vi xử lý 8 bit VN801, chip vi xử lý 32 bit VN1632, chip Analog LDO TH7105, chip sinh học – linh kiện vi cân tinh thể thạch anh (Quartz Crystal Microbalance – QCM)… Những sản phẩm này ra đời không chỉ để chứng minh “khả năng làm vi mạch” của Việt Nam mà đây còn là những sản phẩm hướng đến mục tiêu thương mại.

Tuy nhiên, để sản phẩm vi mạch thực sự đi vào đời sống và đem lại những hiệu quả tích cực về kinh tế – xã hội cho TPHCM thì còn rất nhiều việc để làm, nhất là những việc liên quan đến “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM”, trong đó có đề án, dự án về thị trường, xây dựng nhà máy chip. Ở đây cũng thấy rõ, những quả tim được tạo ra chỉ mới “nhảy” chứ chưa thực sự là một quả tim có sức mạnh vận hành các thứ khác.

Tiếp tục chờ đợi
Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA) cho rằng, nếu không có sự đột phá trong công nghệ cao thì vài chục năm tới Việt Nam vẫn là nước chỉ lắp ráp sản phẩm. Do đó rất cần chuyển nhanh từ lắp ráp sang sản xuất. Đối với lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất cái gì luôn là vấn đề gây tranh cãi. Nhưng TPHCM đã chọn vi mạch và quyết tâm phát triển ngành này để tạo ra cú hích trong phát triển công nghệ cao nói chung và vi mạch nói riêng.

Trong “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM” có 7 đề án và dự án phải thực hiện, như: Phát triển nguồn nhân lực; xây dựng nhà máy chip; xây dựng Design House TPHCM về thiết kế vi mạch (cung cấp đầy đủ phần mềm tiên tiến, những lõi IP chất lượng và những hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vi mạch TPHCM)… Đến nay đã thực hiện xong bốn đề án, còn lại ba đề án là “Chính sách, thị trường và Vườn ươm doanh nghiệp” đang trong quá trình hình thành đề án cũng như phê duyệt.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, riêng dự án xây dựng nhà máy chip đã được Bộ Công thương đưa vào danh mục sản phẩm công nghệ cao. Hiện dự án đang được thẩm định đầu tư. Cũng cần nói thêm, đưa dự án này vào danh mục để được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với những ưu đãi về lãi suất vay… Dự kiến đến đầu tháng tám sẽ xong quá trình thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt, sau đó Ủy ban nhân dân TPHCM sẽ ra quyết định đầu tư.

Với các bước đang thực hiện để phát triển công nghiệp vi mạch, TPHCM đã nỗ lực tiên phong với “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM”. Song vì đây là một chương trình có tầm vóc quốc gia nên trong quá trình thực hiện vẫn còn phải mất thêm thời gian. Do đó rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền khác, đặc biệt là đề án về thị trường và xây dựng nhà máy chip vì nó có vai trò quyết định đến những “quả tim” mà những người làm vi mạch Việt đã tạo ra. Chính vì thế một cú hích trong cơ chế chính sách là điều mà ngành vi mạch rất cần trong thời điểm hiện nay.

Đến nay, ICDREC đã hoàn thiện sản phẩm điện kế điện tử, từ bo mạch bên trong (sử dụng chip SG) đến vỏ hộp và đã thử nghiệm 100 bộ tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo yêu cầu của TPHCM, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) đã đồng ý về mặt nguyên tắc tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất điện kế điện tử một pha với giá trị tám tỷ đồng, tiếp tục cho thấy các sản phẩm vi mạch trong nước đã tạo được những giá trị căn bản trong quá trình thay thế các thiết bị ngoại nhập.

(Nguồn: sggp.org.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: