Mục tiêu trở thành một trong năm nền kinh tế hàng đầu thế giới của Indonesia

Tháng Tư 28 07:46 2020

INDONESIA – Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia vừa công bố số liệu mới về tình hình kinh tế của quốc gia này. Số liệu mới cho thấy Indonesia đang giữ vững sự ổn định trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, với mức tăng trưởng GDP khoảng 5%. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập cũng giảm đáng kể. Hơn thế, tỷ lệ lạm phát của quốc gia này vẫn ở mức thấp và tỷ lệ thâm hụt tài khoản đã được cải thiện.

Tình hình kinh tế ổn định mà Indonesia đạt được hiện tại là nhờ vào những biện pháp hiệu quả đối với sức mua của người tiêu dùng, với mức tiêu thụ hộ gia đình tư nhân chiếm tới 55% tỷ lệ tăng trưởng GDP, bù đắp cho sự suy giảm trong xuất khẩu và nhập khẩu.

Indonesia được các cơ quan đánh giá quốc tế nhận định là một môi trường đáng để đầu tư. Cụ thể, mức độ rủi ro khi đầu tư vào quốc gia này là thấp và nền kinh tế Indonesia – đặc biệt là nền kinh tế kỹ thuật số – đã tăng hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc tế.

Mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia tăng 17,8% trong chín tháng đầu năm 2019, so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) do nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24.10, Indonesia đứng ở vị trí 73 trong số 190 nền kinh tế được đánh giá, tăng hạng đáng kể so với năm 2015 (đứng thứ 114).

Mức thâm hụt thương mại được ghi nhận vào tháng 10, năm 2019 của quốc gia này là 2,8 tỷ đô la Mỹ, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2018 do mức thâm hụt về dầu khí giảm. Nhìn chung, tỷ lệ nhập khẩu và xuất khẩu của Indonesia giảm so với năm 2018.

Chính sách tài khóa của Indonesia có ba mục tiêu chính: bảo vệ tiêu dùng trong nước, nguồn động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và tăng cường lĩnh vực xuất khẩu. Chính phủ Indonesia cũng dự định tiến hành một số cải cách khác nhằm cải thiện sự ổn định về chính trị và kinh tế.

Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo đã xác định năm yếu tố ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch đưa quốc gia này trở thành một trong năm nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2045, gồm: phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, phi điều tiết, giảm quan liêu, không phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và hướng tới sản xuất, cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế này là lộ trình “Making Indonesia 4.0”, đây là trọng tâm mạnh mẽ của chương trình quốc gia đối tác (Partner Country) của Indonesia tại Hannover Messe 2020. Mục tiêu của lộ trình này là đưa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến Indonesia và thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số của họ. Để đạt được mục tiêu này, Indonesia đã đề ra một số sáng kiến, bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thương mại điện tử, mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trên toàn quốc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo cũng như tạo ra một hệ sinh thái bền vững để đổi mới.

Để xem các tin bài khác về Indonesia, hãy nhấn vào đây.

Muc tieu tro thanh mot trong nam nen kinh te hang dau the gioi cua Indonesia

 

(Nguồn: Hannover Messe )

Bình luận hay chia sẻ thông tin