Thời điểm để công ty Đức như Siemens đầu tư vào Việt Nam

Tháng Mười Một 05 10:00 2013

Sự thành công của các thương hiệu như Siemens, Audi, Robert Bosch và Mercedes-Benz tại thị trường Việt Nam đang khuyến khích nhiều hơn dòng vốn đầu tư đến từ Đức, đưa Đức trở thành nước lớn thứ hai trong số các nhà đầu tư Châu Âu tại Việt Nam.

Vừa qua, Siemens AG, một trong những tập đoàn lớn nhất của Đức đã tổ chức kỷ niệm 20 năm hiện diện tại thị trường Việt Nam. Thực tế, Siemens đã làm ăn với thị trường này từ trước đó, khi nhận được đơn đặt hàng lắp đặt 5 máy phát điện chạy bằng dầu diesel cho Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

TT_Thoi diem de cong ty Duc dau tu vao Viet nam.doc1

Sau 20 năm tại Việt Nam, Siemens hiện là công ty hàng đầu cung cấp tua-bin khí cho các nhà máy điện, hệ thống thiết bị y tế, hệ thống tự động hóa công nghiệp và hệ thống xe buýt tại thị trường Việt Nam. Số nhân viên của Siemens tại Việt Nam đã tăng lên 300 người, gấp 10 lần so với lúc khởi đầu vào năm 1993.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thắt chặt mối quan hệ tại thị trường Việt Nam và sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác”, ông Roland Busch, thành viên Ban điều hành của Siemens AG, kiêm Tổng giám đốc điều hành mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng và đô thị của tập đoàn nói.

Thành công của Siemens không phải là trường hợp hiếm khi nhìn vào hoạt động của các công ty Đức tại Việt Nam. Audi, một thương hiệu nổi tiếng khác của Đức cũng đang gặt hái nhiều thành công tại thị trường này. Mặc dù kinh tế Việt Nam còn khó khăn, nhưng ông Laurent Genet, Tổng giám đốc của Audi Việt Nam cho biết, năm 2013 là năm Audi đạt mức doanh số bán hàng cao nhất sau 5 năm chính thức hiện diện tại Việt Nam.

“Tại Việt Nam, Audi là nhãn hiệu xe cao cấp duy nhất nhìn thấy sự tăng trưởng liên tục trong 5 năm qua”, ông Genet cho biết thêm.

Trong khi Audi đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, thì một thương hiệu ô tô khác của Đức là Mercedes-Benz cũng đang nỗ lực củng cố vị trí hàng đầu của mình trên thị trường. Sau 17 năm kể từ ngày đầu tiên thâm nhập thị trường Việt Nam, Mercedes-Benz đã trở thành hãng xe dẫn đầu trong phân khúc xe cao cấp, với hơn 50% thị phần tại Việt Nam.

Có thể thấy, chất lượng sản phẩm và những ứng dụng công nghệ cao được coi là nền tảng cho sự phát triển bền vững của các công ty Đức tại Việt Nam, nhưng ông Genet cho rằng, một yếu tố quan trọng nữa góp phần lớn vào sự thành công của các công ty này là mối quan hệ ngày càng vững chắc giữa hai quốc gia.

“Trong quá khứ, Việt Nam có quan hệ rất tốt với Đông Đức. Ngày nay, nước Đức đã thống nhất và trở thành đối tác kinh tế tích cực nhất của Việt Nam tại châu Âu, sau Pháp”, ông Genet nói.

Theo ông Genet, hiện là thời điểm thích hợp để các công ty Đức tăng cường đầu tư vào Việt Nam do môi trường đầu tư đã được cải thiện đáng kể. Với vị trí địa lý thuận lợi, theo ông Genet, các công ty Đức có thể coi Việt Nam là trung tâm để mở rộng hoạt động sang các thị trường Lào và Campuchia.

Thực tế, nhiều công ty Đức cũng đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam giống như Audi và Siemens. Schweizer Electronic AG, công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử của Đức cuối năm ngoái đã liên doanh với Công ty Meiko Electronics của Nhật Bản xây dựng một nhà máy sản xuất bảng mạch in tại Hà Nội. Trong khi đó, tập đoàn Robert Bosch cũng đang xúc tiến một dự án mới sản xuất linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô tại Đồng Nai.

(Nguồn: baocongthuong.com.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: