“Cuộc cách mạng robot” ở Trung Quốc

Tháng Mười 19 12:45 2015

Hàng chục năm qua, các nhà sản xuất Trung Quốc làm giàu nhờ làn sóng của người lao động nhập cư sinh trưởng từ vùng nông thôn. Những người này làm việc tại vô số nhà máy ở các tỉnh ven biển, làm ra đồ chơi giá rẻ, quần áo và đồ điện tử, giúp đẩy mạnh nền kinh tế. Tuy nhiên, theo hãng tin AP, số lượng nhà máy tại Trung Quốc sử dụng robot thay thế sức lao động con người ngày càng tăng, qua đó cho thấy một cuộc “cách mạng robot” đang diễn ra kể từ khi Bắc Kinh công bố các biện pháp trợ cấp và ưu đãi thuế trong ba năm qua nhằm khuyến khích tự động hóa trong công nghiệp cũng như phát triển ngành công nghiệp chế tạo robot ngay trong nước.

cuoc-cach-mang-robot-o-trung-quoc

Ngoài vấn đề tiền lương không ngừng tăng và số người trong độ tuổi lao động dần chững lại, ngày càng nhiều người tốt nghiệp từ các trường đại học nên mức lương thấp không còn đáp ứng được đòi hỏi của họ. Trước nỗi lo về thiếu nhân công, nhiều công ty để mắt đến giải pháp robot. “Chi phí tăng và lợi tức giảm, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải đối mặt thực tế rằng chỉ bằng cách chuyển dịch sang phương thức sản xuất tự động hóa mới có thể giúp họ sống sót trong những năm tới” – ông Trương Kiện, chuyên gia tự động hóa tại IHS Technology ở Thượng Hải, nhận định.

Theo thống kê, Trung Quốc hiện có khoảng 30 robot tính trên mỗi 10.000 công nhân làm việc tại các nhà máy. Con số này tại Hàn Quốc là 437 và tại Mỹ là 152. Mức bình quân của toàn cầu là 62 và Bắc Kinh muốn con số này tại nước mình tăng lên 100 vào năm 2020. Ngành công nghiệp chế tạo xe hơi của Trung Quốc đi tiên phong trong tự động hóa và các ngành công nghiệp khác đang nhanh chóng áp dụng công nghệ khi mà robot trở nên nhỏ hơn, rẻ hơn và dễ thao tác. Không chỉ đơn giản nhằm bù đắp nguồn lao động thiếu hụt, một số cư dân mạng Weibo đùa rằng trong tương lai, robot sẽ hiện diện khắp nơi khi ngay đến cả chuyện bưng bê trà nước trong một số nhà hàng, hàng quán ở Thâm Quyến đều là nhân viên “máu lạnh”.

Sự bùng nổ của robot trong nhà máy đã dẫn đến nỗi lo nó sẽ góp phần làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Khúc Đạo Khuê, chủ tịch Công ty Robot và Tự động hóa Siasun, khẳng định với Trung Quốc nhật báo rằng sẽ không xảy ra “xung đột” giữa robot và người lao động vì robot được sử dụng trong một vài lĩnh vực công nghiệp, không ảnh hưởng lớn đến chén cơm của nhân công. Không những thế, trang QQ dẫn lời ông Derek Louie thuộc Hội đồng Năng suất Hồng Kông nhận định: “Với sự hỗ trợ của robot và hệ thống tự động hóa, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng cao. Tôi tin rằng trong thời gian dài Trung Quốc có thể sản xuất những mặt hàng chất lượng tốt…”.

(Nguồn: nld.com.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Article "tagged" as:
  Categories: