[Hannover Messe 2020] Trồng rau trong vũ trụ

Tháng Mười Hai 09 07:00 2019

Hannover Messe 2020 – hội chợ hàng đầu thế giới về công nghệ và máy móc công nghiệp, là sự kiện thường niên được tổ chức bởi Deutsche Messe AG (CHLB Đức) tại Hannover. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 24/04/2020. Để Quý vị có được những thông tin mới nhất, những xu thế và xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp và công nghệ trọng yếu hiện tại và trong tương lai, technologyMAG.net sẽ lần lượt có những tin bài, hình ảnh, video … về các chủ đề quan trọng nhất đã hiện diện tại sự kiện lớn nhất hành tinh này.

Kết quả ban đầu của dự án nhà kính EDEN ISS của Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (DLR) cho thấy việc nuôi trồng trong không gian vũ trụ là hoàn toàn có khả thi.

Chúng ta thường nghĩ các phi hành đoàn sẽ dùng thức ăn chế biến sẵn đựng trong túi, hộp, lon hoặc ống để duy trì sự sống. Tuy nhiên, dù các loại thực phẩm này rất tiện lợi nhưng diện tích của tàu và trạm vũ trụ không thể chứa hết chúng trong khoảng thời gian dài. Điển hình là trong các sứ mệnh dài hạn trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), hay tại những nơi xa hơn như Mặt Trăng và sao Hỏa – nơi việc vận chuyển thực phẩm tươi là không thực tế. Hơn nữa, để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, như các loại vitamin hay mùi vị và độ tươi thì việc sử dụng thực phẩm được nuôi trồng tự nhiên là rất cần thiết. Đây là một trong những lý do tại sao hàng loạt các nghiên cứu đang được triển khai để tìm ra cách thức sản xuất thực phẩm trong môi trường vũ trụ khắc nghiệt. Một trong những dự án toàn thành công của công cuộc này chính là dự án nhà kính trồng rau ở Nam Cực mang tên EDEN ISS (Eden nghĩa là vườn địa đàng), được thực hiện bởi Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (DLR) có trụ sở tại Cologne. Nhà khoa học Paul Zabel đã mất khoảng một năm để trồng rau củ ở Nam Cực, nơi có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Việc nuôi trồng hoàn toàn không dùng đất và ánh sáng mặt trời tự nhiên. Nhà kính phải hoạt động như một hệ thống hoàn toàn khép kín, với việc phân bổ nước, ánh sáng nhân tạo màu tím và CO2 được kiểm soát chặt chẽ. Nhà kính này có nhiệm vụ cung cấp rau tươi cho trạm nghiên cứu Neumayer Station III của Đức tại Nam Cực, cho những người quanh năm bị cô lập vì các nhiệm vụ dài ngày tại lục địa băng.

Paul Zabel và rau tươi trồng trong nhà kính EDEN ISS tại Nam Cực

Khi nhóm EDEN ISS trình bày kết quả, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên về năng suất của dự án. Họ cũng bất ngờ khi thấy tinh thần và sức khỏe của nhóm Neumayer Station III trở nên tốt hơn nhờ các loại thực phẩm tươi. Hiện tại, nhà kính ở Nam Cực đang phát triển mạnh mẽ và luôn chào đón các nhóm nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới. Các nhà khoa học đã áp dụng dự án EDEN ISS như cơ sở để phát triển một khái niệm hoàn toàn mới – nhà kính không gian nhằm đưa lên Mặt Trăng và Sao Hỏa, có thể sẽ nhờ đến sự giúp đỡ tên lửa Falcon 9. Tuy nhiên, một vấn đề mới phát sinh mà chúng ta cần giải quyết là phải giảm khối lượng công việc hỗ trợ và bảo trì hệ thống để tiết kiệm thời gian cho các phi hành gia trong tương lai. Giáo sư Hansjörg Dittus – Thành viên của Ban điều hành DLR về Nghiên cứu và Công nghệ vũ trụ cho biết: “Trong tương lai, các loại rau trồng trong không gian là rất cần thiết cho những phi hành đoàn duy trì hoạt động của các nhiệm vụ dài hạn. EDEN ISS đã chứng minh được tính khả thi của một nhà kính ở Nam Cực. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng công nghệ này để sản xuất thực phẩm trên Mặt Trăng và sao Hỏa. Có thể thấy khái niệm nhà kính không gian là một nền tảng có giá trị mà chúng tôi muốn nghiên cứu sâu hơn nữa”.

Để xem các tin bài khác về Hannover Messe 2020, hãy nhấn vào đây.

 

(Nguồn: Hannover Messe 2020/ www.hannovermesse.de/en)

Bình luận hay chia sẻ thông tin